Hiện nay, tỉnh Lào Cai đang đẩy mạnh thực hiện các cơ chế chính sách đã có, hỗ trợ kịp thời phát triển HTX nông nghiệp, ưu tiên hỗ trợ các HTX ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp với HTX, liên kết sản xuất giữa các HTX, hộ nông dân.
Đồng thời, tỉnh tập trung đầu tư, hỗ trợ chính sách khoa học công nghệ (KHCN) đối với một số mô hình HTX điển hình, có quy mô lớn, mang lại hiệu quả cao. Ưu tiên đầu tư, triển khai hỗ trợ các cơ chế, chính sách đồng bộ, theo chuỗi giá trị của sản phẩm nhằm hỗ trợ các HTX phát triển các sản phẩm truyền thống, đặc sản, ứng dụng KHCN mới, nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Phát huy thế mạnh
Nhận thấy những lợi thế của vùng đất Sapa (Lào Cai), anh Bùi Trọng Trung đã đứng ra vận động bà con địa phương thành lập HTX Nông nghiệp Mai Anh và trở thành người tiên phong, dẫn đường cho không ít hộ đồng bào người Mông theo tôn giáo Tin lành ở xã Sa Pả, thị xã Sapa sản xuất rau theo hướng an toàn, nâng cao thu nhập.
Anh Trung cho biết, tham gia chuỗi giá trị (từ cung ứng nguyên liệu đầu vào, tổ chức sản xuất, xây dựng nhãn hiệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm) đang được xem là hướng đi phù hợp và bền vững đối với các HTX nông nghiệp của thị xã trong giai đoạn hiện nay.
Lợi thế vùng là điều kiện để sản xuất hàng hóa chất lượng cao |
"HTX ra đời, hoạt động bằng hình thức góp đất, góp công cùng sản xuất theo phương án chung. Khi đến vụ thu hoạch rau, HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm, trả đầy đủ tiền bán rau cho thành viên sau khi trừ các chi phí dịch vụ đầu vào… Vì vậy, người dân trong vùng tin tưởng và tham gia thành viên HTX ngày càng nhiều", Giám đốc Bùi Trọng Trung thông tin.
Đặc biệt, các giống rau được HTX lựa chọn như bắp cải, su hào, cải thảo, cải xoong có ưu điểm là được người dân địa phương trồng từ nhiều năm, là giống rau truyền thống, phù hợp với thổ nhưỡng vùng đất này. Vì vậy, người dân canh tác có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với người tiêu dùng nên rất được ưa chuộng trên thị trường.
Từ năm 2012, anh Trung đã xây dựng được mô hình kinh tế liên kết tại thị xã Sapa. Đó là việc hợp tác với hàng trăm hộ đồng bào tại xã Sa Pả, xã Trung Chải và xã Tả Phìn. Đây là những hộ có đất sản xuất, sức lao động, trong khi HTX tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ bền vững. Nhiều năm qua, mô hình liên kết này tổ chức sản xuất trên diện tích 35 ha, chủ yếu là trồng các loại rau ôn đới, rau đặc hữu theo tiêu chuẩn VietGAP.
Mùa nào HTX cũng lựa chọn được các loại rau phù hợp để sản xuất, đất không có thời gian nghỉ và cũng đồng nghĩa với việc 30 hộ thành viên của HTX Mai Anh và hàng chục lao động địa phương có việc làm ổn định với thu nhập trung bình khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.
Nắm bắt chủ trương của tỉnh Lào Cai về việc khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong giai đoạn tới, anh Trung vui mừng tâm sự: “Hiện, HTX Mai Anh đang tích cực đầu tư hạ tầng, xây dựng nhà lưới, đồng thời tuyên truyền cho thành viên chuẩn bị các điều kiện để bước vào một quy trình sản xuất khắt khe hơn. Bởi, trước đây tuy có nhiều đơn đặt hàng cung cấp rau cho các siêu thị có tiếng tại Hà Nội nhưng chúng tôi không dám nhận, vì khi đó sản phẩm rau của HTX chưa đáp ứng đủ điều kiện về nhãn hiệu sản phẩm để có mặt trong siêu thị. Nhưng đến nay, mọi chuyện đã khác, HTX Mai Anh sẵn sàng nhận các đơn hàng của những siêu thị lớn trong nước, thậm chí xuất khẩu ra thị trường ngoài nước…”.
"Bệ phóng" cho các HTX
Ông Vương Trinh Quốc, Chủ tịch UBND thị xã Sapa nhấn mạnh, để phát huy được vai trò của các HTX, thị xã đã quan tâm tạo những điều kiện cho việc hình thành và phát triển HTX để phát huy hiệu quả lợi thế của từng vùng khí hậu, sinh thái để phát triển một số sản phẩm chủ lực.
Tạo thuận lợi, thu hút thêm nhiều HTX cùng với các nhà khoa học, người nông dân đầu tư vào sản xuất |
Thị xã Sapa cũng quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ cao, phát triển vùng sản xuất vệ tinh, tạo sản phẩm hàng hóa tập trung, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với thị trường và có những chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản. Đồng thời, có những định hướng phát triển nhằm tạo thuận lợi, thu hút thêm nhiều HTX cùng với các nhà khoa học, người nông dân đầu tư vào sản xuất.
Tại xã Sa Pả - nơi có đông đồng bào dân tộc theo đạo sinh sống, HTX rau quả Thắng Lợi là một trong số những HTX mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng, HTX đã xây dựng 2,5ha khung nhà màng, trang bị hệ thống tưới nước tự động, hệ thống giá trồng cây, hệ thống lọc nước, đèn led… Theo thời vụ, HTX sản xuất những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao như dâu tây, dưa lưới, cà chua, dưa pepino, dưa chuột…
Giám đốc Đỗ Thị Kim Dung cho biết, do trồng hoàn toàn trong hệ thống nhà lưới kiên cố nên HTX bảo đảm mưa cũng như các loại côn trùng không thể gây hại đến cây trồng, sẽ hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Bên cạnh đó, cây được trồng bằng giá thể đã qua xử lý, các luống cây đều được phủ một lớp nylon ngăn cỏ cạnh tranh dinh dưỡng, giúp cây sinh trưởng tốt, không phải sử dụng thuốc diệt cỏ. HTX còn nuôi thêm ong trong nhà lưới để tăng cường thụ phấn cho cây.
Để bảo đảm chất lượng sản phẩm, HTX tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nói không với các loại hóa chất độc hại. 100% diện tích dâu tây của HTX được trồng trên giá cách mặt đất 1m để tránh ẩm mốc, giúp cây khô thoáng và hạn chế nấm, bệnh.
Chị Lừ A Mua, người dân tộc Mông theo đạo Tin Lành, thành viên HTX rau quả Thắng Lợi chia sẻ, nhờ áp dụng sản xuất khoa học, HTX không chỉ là "điểm tựa" các thành viên, mà còn tạo việc làm thường xuyên cho thành viên, với thu nhập ổn định khoảng 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Có thể nói, việc xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến đã mang lại năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tạo đà cho phát triển sản xuất, thúc đẩy kinh tế, xã hội theo hướng hiện đại.
Ông Vũ Trọng Khuynh, Phó Ban Tôn giáo tỉnh Lào Cai cho biết, nhờ lồng ghép các dự án, các chương trình hỗ trợ về dân tộc tôn giáo, đồng bào người Mông theo đạo Tin Lành đã biết khai thác lợi thế của địa phương, từng bước chuyển đổi sang hình thức sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Do vậy, đời sống của người dân dần được cải thiện, thu nhập được nâng cao, an ninh, chính trị được giữ vững.
Thu Hiền