Hiện nay, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã được “phủ sóng” đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, hầu hết số hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được thụ hưởng tín dụng chính sách, đặc biệt có hộ vay vốn từ 2 - 3 chương trình tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo bền vững.
"Đòn bẩy" giúp giảm nghèo
Theo đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội, tính đến đầu năm 2021, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 233.426 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội đang quản lý tổng dư nợ đạt 226.197 tỷ đồng, với hơn 7,9 triệu món vay của trên 6,4 triệu khách hàng còn đang dư nợ. Trên 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào DTTS thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng, với doanh số vay 162.519 tỷ đồng, doanh số thu nợ 106.515 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 56.004 tỷ đồng. Bình quân một hộ đồng bào DTTS đạt 39,4 triệu đồng (bình quân chung toàn quốc là 35 triệu đồng).
![]() |
Vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần giúp đồng bào DTTS phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo. |
Dư nợ tại vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt 114.622 tỷ đồng, chiếm 50,7% tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội, với gần 3,9 triệu món vay của trên 3,1 triệu khách hàng đang còn dư nợ; dư nợ bình quân một hộ trong khu vực đạt 37 triệu đồng. Dư nợ bình quân một xã vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt 21,7 tỷ đồng.
Thời gian qua, vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp đồng bào DTTS phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo, trong đó có trên 2 triệu hộ thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho trên 165.000 lao động (trên 18.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); giúp 211.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là con em đồng bào DTTS được vay vốn học tập; xây dựng hơn 1,4 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng hơn 216.000 căn nhà ở…
Có thể nói, cùng với các chính sách khuyến khích và hỗ trợ khác của Nhà nước, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của đồng bào DTTS cũng như khu vực kinh tế tập thể, HTX, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của thành viên trong HTX, góp phần đáng kể làm thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc ít người. Cơ chế tín dụng tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; quy trình, thủ tục cho vay ngày càng đơn giản hóa theo hướng tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tập thể, HTX tiếp cận các nguồn vốn tín dụng và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Cần cơ chế khuyến khích
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng đầu tư vốn tín dụng đối với khu vực đồng bào DTTS nói chung và khu vực HTX miền núi nói riêng vẫn còn tồn tại không ít khó khăn, hạn chế, làm ảnh hưởng đến nỗ lực của ngành ngân hàng, mà theo ông Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Nhiều HTX khu vực miền núi, vùng sâu xùng xa, vùng đồng bào DTTS chưa đủ điều kiện tiếp cận, tiếp nhận vốn tín dụng do năng lực tổ chức quản lý hoạt động, quản lý vốn còn hạn chế dẫn đến lúng túng trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Một số đơn vị thiếu công khai minh bạch, thực hiện không đúng quy định về quản lý tài chính, kế toán, không tuân thủ các nguyên tắc của Luật, Điều lệ, các quy định của pháp luật, do vậy thiếu cơ sở pháp lý để vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.
![]() |
Xác định rõ những đối tượng ưu tiên đầu tư tín dụng với nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ. |
Hiệu quả hoạt động của HTX còn thấp, số lượng dịch vụ ít, chất lượng dịch vụ chưa cao, chưa đáp ứng kịp sự thay đổi của thị trường, sản xuất hàng hóa chưa gắn với thị trường tiêu thụ, chưa có sự liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Một số HTX sử dụng không hiệu quả nguồn vốn vay, sử dụng vốn vay sai mục đích, nợ quá hạn kéo dài, có tâm lý ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhiều HTX chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên không có tài sản thế chấp khi vay vốn tại tổ chức tín dụng.
Để khắc phục những hạn chế trên, theo ông Nguyễn Kim Anh, cần xác định rõ những đối tượng ưu tiên đầu tư tín dụng với nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ như: Tạo điều kiện cho đồng bào DTTS mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, hướng đến sản xuất quy mô lớn, phát triển theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, cụ thể là thành lập các tổ hợp tác, HTX.
Song song đó, thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển theo vùng, lãnh thổ, phối hợp lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa để thu hút sự tham gia của các HTX và các thành viên HTX.
Các địa phương trên toàn quốc nói chung và các tỉnh khu vực miền núi vùng sâu, vùng xa nói riêng cần có kế hoạch cân đối nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để có chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển, tuyên truyền, tập huấn, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ tài chính, tín dụng, đất đai, xúc tiến thương mại, ứng dụng chuyển giao khoa học - công nghệ, đầu tư hạ tầng kỹ thuật.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của HTX, tổ hợp tác hiện có nhằm tích cực đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của địa phương.
Hoàng Hằng
Bài 2: Góp phần giảm nghèo bền vững