Những đồng vốn tưởng như ít ỏi nhưng với những Hợp tác xã, tổ hợp tác ở vùng sâu vùng xa đã vô cùng hữu ích khi mang tới những cơ hội đổi đời cho các thành viên (Ảnh: TL) |
Ông Trần Khắc Hùng - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Nghệ An chia sẻ, tín dụng chính sách xã hội được thiết kế với một chuỗi các sản phẩm tín dụng để phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo nguyên tắc ưu tiên hộ nghèo rồi đến hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Điều này đã tạo thành một hệ thống chính sách đồng bộ, bao phủ các nhóm đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ đa chiều cho người dân không chỉ giảm nghèo mà còn thoát nghèo bền vững.
Chuyển biến từ vùng khó
Tại Làng Xiềng (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông) - bản đặc biệt khó khăn, vùng biên giới giáp ranh với nước bạn Lào hiện có 176 hộ, 787 nhân khẩu, hộ nghèo và cận nghèo chiếm 50% số hộ; 100% số hộ là đồng bào dân tộc Thái. Người dân nơi đây chủ yếu sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi và dệt thổ cẩm.
Trước kia cuộc sống của người dân nơi đây vô cùng khó khăn, kể từ khi tỉnh Nghệ An thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo giai đoạn 2016 - 2020 theo nghị quyết Quốc hội đề ra, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được giao nhiệm vụ thực thi tín dụng chính sách xã hội, nhờ đó hàng chục hộ gia đình, các thành viên THT, HTX trên địa bàn xã đã thoát nghèo.
Chị Hà Thị Xẩm, thành viên tổ hợp tác dệt thổ cẩm Làng Xiềng (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông) cho hay: “Trước đây, gia đình tôi là một trong những hộ nghèo thuộc diện khó khăn trong bản.Tuy nhiên, từ ngày vào Tổ hợp tác và được hỗ trợ để vay vốn NHCSXH huyện, gia đình tôi đã thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ khá của toàn xã”.
Không chỉ có các Tổ hợp tác, nhiều HTX cũng thoát nghèo nhờ vay vốn từ NHCSXH để đầu tư, làm ăn.
Chẳng hạn như Tổ hợp tác chăn nuôi có 51 tổ viên, tổng dư nợ của tổ là 1.980,5 triệu đồng, gồm 6 chương trình tín dụng, một số hộ được thụ hưởng 2-3 chương trình tín dụng. Từ nguồn vốn được vay, hiện nay các hộ trong tổ đã có 166 con trâu bò, dê 185 con, lợn 311 con và đặc biệt hơn trong tổ đã có 18 hộ tham gia làm du lịch cộng đồng và 12 hộ tham gia làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của bản, đây là một nét mới của bản trong vài năm trở lại đây.
Nhờ phát huy tốt hiệu quả vốn vay, đã góp phần quan trọng giúp cho kinh tế của làng Xiềng đi lên một cách vững chắc và ngày càng phát triển. Năm 2016 đạt danh hiệu làng văn hóa, năm 2018 đạt làng văn hóa kiểu mẫu.
Nhờ có nguồn vốn từ NHCSXH đã giúp những người dân giữ được nghề truyền thống quê hương, khôi phục nghề, tạo ra sản phẩm hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cho người dân (Ảnh: TL) |
Khôi phục làng nghề truyền thống
Dệt thổ cẩm là một trong những nghề truyền thống của người phụ nữ Thái. Những năm gần đây, chính quyền cùng phụ nữ Thái ở bản Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông đẩy mạnh khôi phục, phát triển nghề, tạo ra sản phẩm mang tính hàng hóa, mang lại thu nhập cao cho người dân…
Chị Hà Thị Hằng, Giám đốc HTX thủ công mỹ nghệ xã Môn Sơn ở bản Xiềng cho hay, nhờ vay vốn các thành viên HTX đã mạnh dạn mở rộng quy mô, sản xuất ra các sản phẩm ngoài phục vụ cho những người trong gia đình, các sản phẩm làm ra còn được bán cho khách du lịch, người dân trong xã và các vùng lân cận.
Thực tế, giá bán các sản phẩm không phải cao lắm, chiếc khăn đội đầu chỉ có giá 80.000 đồng, túi xách 150.000 đồng, chiếc váy hoặc khăn quàng có hoa văn cầu kỳ có giá từ 700.000 - 900.000 đồng, nhưng chị em làm tranh thủ được những lúc rảnh rỗi và hơn hết là giữ được nét văn hóa của dân tộc.
“Nhờ có nguồn vốn từ NHCSXH đã giúp những người dân giữ được nghề truyền thống quê hương, khôi phục nghề, tạo ra sản phẩm hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cho người dân”, chị Hằng cho hay.
Bản Xiềng nằm trong tuyến du lịch Vườn quốc gia Pù Mát, vài năm trở lại đây trở thành điểm du lịch cộng đồng khá hấp dẫn. Khách đến bản Xiềng để tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm các hoạt động sản xuất truyền thống như dệt thổ cẩm, làm nghề mây tre đan, làm rượu cần, mua hàng hóa... Việc khôi phục và giữ được nghề dệt thổ cẩm không chỉ làm sống lại một nghề thủ công đã bị mai một mà còn giúp chị em phụ nữ Thái ở Môn Sơn có được việc làm, tăng thu nhập, xoá đói, giảm nghèo.
Hiện nay, bản Xiềng được UBND tỉnh công nhận làng nghề dệt thổ cẩm, trong đó có 12 thành viên chủ chốt của HTX sản xuất được hàng thủ công mỹ nghệ và dịch vụ là nhờ nguồn vốn vay NHCSXH do tổ quản lý.
Tỷ lệ hộ nghèo của bản đã giảm từ 33.15% năm 2015 xuống còn 9% năm 2019.
Có thể thấy, tín dụng chính sách tiếp tục có những đóng góp quan trọng giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và ổn định an ninh, chính trị tại địa phương.
Trong những năm qua, cùng với các nguồn lực trong xã hội, tín dụng chính sách do NHCSXH đảm nhiệm đã góp phần tích cực, thực hiện 09/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trực tiếp hỗ trợ vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách trong cả nước phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Hà An