Xã Chí Đạo, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình có 642 hộ dân, trong đó có đến 99% là dân tộc Mường. Mặc dù là xã vùng đặc biệt khó khăn, nhưng nhờ cây dổi, loại cây truyền thống từ trồng lấy gỗ dựng nhà sàn nay được người dân chuyển đổi cách thức trồng để thành cây lấy hạt. Nhờ vậy, cơ cấu kinh tế của xã có sự chuyển dịch tích cực, hộ khá, giàu chiếm 23%.
Xóa nghèo từ hạt dổi
Hơn chục năm trở lại đây, những cây dổi với thân cao vút, hàng chục, hàng trăm năm tuổi bên những mái nhà sàn đã đem lại sự ấm no cho người dân xã vùng sâu này. Đặc biệt, từ khi cây dổi "lên ngôi", chính quyền các cấp, ngành chức năng và người dân nơi đây đã tích cực quảng bá sản phẩm, bảo vệ thương hiệu, đưa hạt dổi, cây dổi vươn xa đến khắp mọi miền đất nước. Trong đó có sự ra đời của Hợp tác xã Cung ứng giống cây dổi và dịch vụ nông nghiệp xã Chí Đạo (HTX Chí Đạo).
Là một hộ "đổi đời" từ cây dổi, anh Bùi Văn Nhỏ ở xóm Be Trên cho biết, gia đình anh có 3.000m2, trồng 100 cây dổi, trong đó có 80 cây lâu năm. Vụ vừa rồi, anh thu được gần 1 tấn hạt đỏ phơi khô đem bán, thu về mấy trăm triệu đồng.
“Mấy năm nay, năm nào cũng thu vài trăm triệu đồng. Tiền này tôi dùng để trang trải cuộc sống, xây được căn nhà khang trang. Mới đây sắm thêm xe ô tô để phục vụ công việc, sinh hoạt gia đình”, anh Nhỏ chia sẻ.
![]() |
Ông Bùi Văn Bun (phải), Giám đốc HTX Chí Đạo trao đổi về mẫu mã bao bì đóng gói hạt dổi, sản phẩm OCOP của HTX với thành viên. |
Ông Bùi Văn Bun, Giám đốc HTX Chí Đạo phấn khởi cho biết, HTX hiện có 20 thành viên, trong đó có 5 hộ đã mua được ô tô nhờ cây dổi. Còn xóm Be Trên, hiện thu nhập bình quân đã đạt 27 triệu đồng/người/năm, tăng gấp đôi so với 4 năm trước.
"Những kết quả có được ngày hôm nay, ngoài sự nỗ lực của mỗi hộ dân, chúng tôi còn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất nhiều của các cấp, ngành. Hạt dổi đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh. Hiện nay, hạt dổi của HTX đã có bao bì, nhãn mác, có mã vạch, mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với việc giữ gìn thương hiệu và quảng bá sản phẩm, cũng như đưa sản phẩm vào chuỗi liên kết để mở rộng thị trường tiêu thụ”, ông Bun nói.
Ông Bun cho biết thêm, vườn nhà ông có 20 cây dổi đang cho thu hoạch, đường kính gốc lên tới 50cm, cây cao khoảng 35-50m. Vụ vừa rồi dổi sai quả, lượng hạt khô thu về được tới hơn 1 tạ, thương lái tới nhà mua hết sạch.
“Tôi bán giá 1,4 triệu đồng/kg, tính ra cũng được 140 triệu đồng tiền bán hạt”. Ông Bun nói, đồng thời cho biết, mấy năm nay năm nào cũng được trên dưới 1 tạ hạt dổi khô đem bán nên cuộc sống gia đình có phần sung túc, không còn đói nghèo.
Kỳ vọng vươn xa
Toàn xã Chí Đạo hiện có 40ha dổi, tương đương khoảng 15.000 cây, trong đó một nửa số cây đã cho thu hoạch. Vụ dổi năm 2019 - 2020, sản lượng toàn xã đạt gần 50 tấn hạt đỏ, được 15 tấn hạt khô. Giá hạt khô trung bình 1,4 triệu đồng/kg, tính ra doanh thu đạt khoảng trên 20 tỷ đồng.
![]() |
Ông Bùi Văn Bun, Giám đốc HTX Chí Đạo kiểm tra vườn cây dổi giống. |
Ông Bùi Văn Luyến, Chủ tịch UBND xã Chí Đạo cho biết, từ khi HTX Chí Đạo ra đời, sản phẩm hạt dổi, cây dổi giống của xã đã có những bước tiến mới. Theo đó, HTX bảo vệ được chất lượng hạt dổi của địa phương trước sự xâm nhập của các loại hạt dổi tràn lan trên thị trường. Đồng thời, khuyến cáo các thành viên HTX không vì lợi nhuận mà bảo quản, chế biến hạt dổi không đúng quy cách (như luộc hạt dổi để phơi nhanh khô). Đặc biệt, sản phẩm giống cây dổi của Chí Đạo đã kết nối được khách hàng ở mọi miền đất nước. Hiện nay, nhiều tỉnh ở Tây Nguyên đang trồng dổi Chí Đạo để phủ xanh đồi, rừng.
Cũng nhờ cây dổi mà nhiều gia đình thoát khỏi đói nghèo, rồi giàu có lên từ cây dổi. Thậm chí có người còn thu tiền tỷ từ cây trồng đặc sản này. Hạt dổi có giá, kéo theo cây giống cũng được giá và thu hút nhiều người mua. Chính vì vậy, vài năm gần đây, nhờ việc ươm, ghép cây và bán hạt dổi, nhiều gia đình ở xứ Mường đã xây nhà khang trang, mua sắm được nhiều tiện nghi đắt tiền cho nhu cầu sinh hoạt, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của địa phương.
Kế hoạch của UBND xã tới đây tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo trồng mới tại các đất bãi bằng, đẩy mạnh công tác ươm ghép. Tìm các đầu mối để bao tiêu sản phẩm, đặc biệt là cây ươm và cây ghép. Giá trị của cây dổi được khẳng định khi nhãn hiệu tập thể “Hạt dổi Lạc Sơn” do Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ.
“Mục tiêu của xã là đưa cây dổi thành cây xóa đói giảm nghèo, giúp người dân làm giàu, tạo môi trường trong lành giữ đất, giữ rừng. Tương lai không xa sẽ phát triển thành điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái để thu hút khách nội địa và quốc tế”, ông Luyến nói thêm.
Phạm Duy
Bài 2: Nâng tầm thương hiệu cam Cao Phong