HTX Hòa Bình là “vựa” cung cấp rau truyền thống ở quận Hà Đông. Đến nay, HTX thu hút 500 thành viên tham gia với tổng diện tích sản xuất 53,8ha, riêng rau vụ xuân 22ha, trong đó có 11,7ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ hướng canh tác an toàn, năm 2019, HTX đã có 6 sản phẩm là rau mồng tơi, su hào, cải mơ, bắp cải, đậu trạch, cà chua đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Canh tác theo quy trình nghiêm ngặt
Ông Trịnh Văn Vĩnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ Tổng hợp Hoà Bình cho biết: “Năm 2008, xuất phát từ vấn đề ô nhiễm môi trường nguồn nước ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của các thành viên, để cứu sống “vựa” rau chủ lực của địa phương, HTX đã triển khai mô hình rau an toàn trên toàn diện tích sản xuất”.
![]() |
Việc chuyển hướng canh tác mới đã thay đổi tư duy sản xuất của các thành viên HTX Hòa Bình. |
Ban đầu, HTX gặp rất nhiều khó khăn, từ khâu tổ chức chỉ đạo nông dân sản xuất, đến tìm đầu ra cho sản phẩm. Song, nhờ sự nỗ lực của các cấp lãnh đạo phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Ban giám đốc và thành viên nên HTX đã từng bước tạo được niềm tin với người tiêu dùng trên thị trường Hà Nội.
Việc chuyển hướng canh tác mới đã thay đổi tư duy sản xuất của các thành viên, từ đó vùng trồng rau an toàn của HTX Hòa Bình cũng hạn chế được sâu bệnh, năng suất và chất lượng sản phẩm được nâng cao.
Hiện, HTX Hòa Bình sản xuất các loại rau, củ, quả như: súp lơ, bắp cải, su hào, ngót, cải các loại, dền, cà chua, bầu, bí, mướp…, cung cấp ra thị trường khoảng 640 tấn/năm, doanh thu gần 4 tỷ đồng.
Là thành viên tiêu biểu của HTX Hòa Bình, bà Nguyễn Thị Bình (tổ 15, phường Yên Nghĩa) cho biết: “Trước đây, chúng tôi canh tác rau theo lối truyền thống, chủ yếu bón phân chuồng ủ hoai mục và tưới nước sông Đáy. Tuy nhiên, do nước sông ngày càng ô nhiễm nặng gây khó khăn trong việc tưới tiêu thủy lợi, năm 2008, UBND quận Hà Đông đầu tư hệ thống nước sạch để sản xuất rau an toàn, từ đó bà con yên tâm canh tác”.
Với 7 sào rau an toàn, bà Bình hoàn toàn yên tâm về đầu ra tiêu thụ, bởi được HTX thu mua 20%, còn lại thương lái đến lấy trực tiếp tại ruộng. Bình quân mỗi ngày, bà bán ra thị trường 50-60kg rau, củ các loại, mang về 500.000-700.00 đồng, sau khi trừ chi phí lãi ròng 6-8 triệu đồng/tháng.
Trao đổi với phóng viên VnBusiness, ông Trịnh Văn Vĩnh khẳng định: “Qua quan sát, kiểm tra các hộ trồng rau VietGAP đều nhận thấy bà con thực hiện đúng quy trình sản xuất rau an toàn, phun thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo thời gian cách ly, ghi chép nhật ký thường xuyên. Hiện, HTX thu mua khoảng 60 - 70% lượng rau của các thành viên, đối với rau VietGAP sẽ có giá cao hơn rau thường 1.000 đồng/kg”.
Hằng năm, HTX liên kết với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật quận Hà Đông tổ chức tập huấn quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) cho 100% thành viên. Nhờ vậy, sản phẩm rau của HTX đạt chất lượng an toàn, thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng.
Đặc biệt, năm 2017, quận Hà Đông đã giao HTX tổ chức mô hình chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn đầu tiên tại chợ Hà Đông. Đồng thời, giúp HTX giới thiệu và đưa rau an toàn vào hệ thống trường học trên địa bàn quận. Tính đến tháng 1/2021, HTX Hoà Bình đang là đối tác của 30 trường mầm non trên địa bàn TP. Hà Nội.
Hướng tới sản xuất hữu cơ, sản phẩm OCOP 4 sao
Sau khi thành công với sản phẩm rau an toàn và rau VietGAP, HTX Hoà Bình đang từng bước chuyển một phần diện tích sang sản xuất rau theo hướng hữu cơ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của một bộ phận người tiêu dùng.
![]() |
Người dân tham quan, mua sắm tại cửa hàng thực phẩm an toàn Hà Đông của HTX Hòa Bình |
Để sản xuất thành công rau hữu cơ, HTX đang nghiên cứu các chế phẩm vi sinh vật có lợi để làm phân bón, và đã thử nghiệm trên đồng ruộng từ tháng 5/2020 đến nay. Đây là nền tảng động lực để bà con ở HTX Hòa Bình nói riêng và phường Yên Nghĩa nói chung quảng bá và tiêu thụ sản phẩm cũng như hướng tới tiêu chuẩn OCOP 4 sao, 5 sao trong tương lai.
Tuy nhiên, do dịch Covid-19, lượng tiêu thụ rau của HTX Hòa Bình bị ảnh hưởng đáng kể, cụ thể giảm từ 40-50% so với thời điểm trước khi có dịch. Trước khó khăn này, HTX Hòa Bình đã kịp thời xây dựng phương án, mục tiêu, tiếp cận nhóm đối tượng khách hàng mới.
Theo ông Vĩnh, thay vì cung cấp trực tiếp cho các trường học, bếp ăn tập thể…, HTX chuyển nguồn hàng này vào các điểm bán bình ổn giá tại các khu chung cư các khu dân cư và tổ dân phố.
Ông Nguyễn Hữu Trung (tổ dân phố 16, phường Yên Nghĩa), thành viên HTX Hòa Bình chia sẻ: "Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chúng tôi cũng hết sức lo lắng không biết sẽ sản xuất và tiêu thụ rau, củ quả như thế nào. Thế nhưng, nhờ sự giúp đỡ của HTX, chúng tôi đã có các địa chỉ tiêu thụ khác như khu chung cư, tổ dân phố,… giúp thu nhập phần nào được ổn định".
Theo bà Nguyễn Kiều Hạnh, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Đông, năm 2020, các vùng sản xuất rau an toàn tại Hà Đông có diện tích, sản lượng ổn định với khoảng 256ha. Lượng rau tiêu thụ trong thời điểm dịch bệnh không thay đổi nhiều, trừ một vài ngày người tiêu dùng có tâm lý tích trữ khiến lượng tiêu thụ rau tăng đột biến.
Để thích ứng với đại dịch, ngành nông nghiệp TP Hà Nội và quận Hà Đông đang tư vấn, hỗ trợ bà con nông dân liên kết với HTX Hòa Bình đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm rau an toàn qua hệ thống chợ địa truyền thống và một số cửa hàng thực phẩm, siêu thị.
Tô Thương