Chị Quách Thị Hòa, người dân tộc Mường, Giám đốc HTX gà đồi Hương Nhượng, cho biết như bao phụ nữ dân tộc khác, nhiều năm trước đây, các thành viên HTX chỉ quẩn quanh với công việc nhà nông, trồng trọt và chăn nuôi đàn gà vài chục con. Công việc như vậy chỉ đủ cải thiện bữa ăn hàng ngày, không có tích lũy để thoát nghèo.
Năm 2016, nhận thấy giống gà bản địa thịt chắc, thơm ngon lại được giá, dịp Tết thương lái vào từng gia đình ở xã Hương Nhượng để thu gom bao nhiêu cũng không đủ, chị Hòa và 11 chị em khác (đều là phụ nữ dân tộc Mường) đã đứng lên thành lập HTX gà đồi Hương Nhượng.
Đưa khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi gà
Trên diện tích đồi rộng của gia đình thành viên, HTX phân chia và xây dựng thành trại nuôi tách biệt, bảo đảm có không gian rộng rãi. Khu vực nuôi được quây lưới thép để dễ quản lý, tránh thất thoát và cũng giúp gà thoải mái đi lại.
Vì nuôi với quy mô lớn nên việc phòng chống dịch bệnh cho đàn gà đều được HTX đặt lên hàng đầu. Ngoài tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin theo từng độ tuổi, thành viên còn thường xuyên phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại, vệ sinh khu vực thả gà mỗi ngày. HTX cũng không cho người lạ hay con vật lạ vào khu vực nuôi thả gà.
Để lúc nào cũng có gà thịt bán ra thị trường, HTX không lấy con giống đồng loạt mà chia thành nhiều lứa. Lứa gà sau cách lứa gà trước khoảng 1 tháng. Để cho chắc chắn, HTX thuê một kỹ sư chăn nuôi thú y phụ trách theo dõi, chăm sóc và phòng ngừa dịch bệnh cho đàn gà, đảm bảo thực hiện đúng kỹ thuật nuôi gà đồi.
![]() |
Các thành viên HTX Hương Nhượng trao đổi kỹ thuật nuôi gà đồi. |
Trong quá trình sản xuất, các thành viên luôn nhắc nhở nhau việc chăn nuôi phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với xây dựng thương hiệu. Có như vậy mới nâng cao được thu nhập cho mỗi hộ thành viên.
Điều thuận lợi khi vào HTX là các chị em phụ nữ dần nâng cao kỹ năng chăm sóc chăn nuôi gà thông qua việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật. Thành viên được mua con giống tốt, thức ăn chăn nuôi với giá thành thấp do không phải thông qua trung gian vì có những đơn vị cung ứng cho HTX và chấp nhận thanh toán sau khi thành viên bán sản phẩm.
Hiện, HTX chủ yếu nuôi giống gà ri bản địa, gà mía Sơn Tây. Gà được thả ở vườn đồi nên khỏe mạnh, thịt thơm, săn chắc, giá thành cao hơn, hiện vẫn chưa đủ cung cấp cho nhu cầu thị trường. Trung bình mỗi năm, HTX nuôi 23- 30 nghìn con gà, xuất bán 42-50 tấn thịt gà, doanh thu đạt khoảng 3 tỷ đồng.
Hoàn thiện chuỗi giá trị
Sự hiệu quả của quá trình sản xuất là động lực tạo niềm tin cho những người phụ nữ dân tộc Mường tham gia vào mô hình HTX. Hiện, số lượng thành viên đã tăng lên 20 hộ. Ngoài ra, để đảm bảo nguồn hàng, HTX còn liên kết với 50 hộ dân đang chăn nuôi trên địa bàn.
Khi gà đến tháng xuất bán, các thành viên đi mời chào sản phẩm tại các quán ăn, cửa hàng trên địa bàn tỉnh. Thậm chí, Ban giám đốc còn đến tận nhà các gia đình có đám cưới để giới thiệu sản phẩm. Khi bắt đầu có nhiều người biết đến hoạt động của HTX, các thành viên mở rộng địa bàn giới thiệu sản phẩm gà sang các huyện Lạc Sơn, Tân Lạc, Cao Phong... thông qua các kênh nhóm chợ online trên mạng xã hội. Đến nay, thị trường đầu ra đã mở rộng ra các tỉnh thành khác.
![]() |
HTX Hương Nhượng tham gia hội chợ nông sản của tỉnh để mở rộng đầu ra. |
Ngoài bán gà thương phẩm, HTX còn đầu tư hệ thống giết mổ đạt chuẩn VietGAP phục vụ sơ chế. Gà mổ sẵn, đóng gói và được dán mã vạch để người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Việc đầu tư vào sơ chế đã giúp sản phẩm của HTX có giá trị cao hơn, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, nhất là khi xuất vào các cửa hàng nông sản sạch, siêu thị.
HTX đang phân công nhiệm vụ, công việc khoa học với những bộ phận chuyên trách (con giống, thú y, vận chuyển, quảng bá, tiêu thụ…) nhằm tạo vòng tròn khép kín, bảo đảm hỗ trợ nhau kịp thời, hạn chế chi phí trong sản xuất, nâng cao lợi nhuận cho HTX và các thành viên.
Mô hình nuôi gà thả đồi của HTX Hương Nhượng đã tạo ra sức lan tỏa trong việc giúp chị em phụ nữ là đồng bào dân tộc Mường chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh trong chuỗi giá trị hàng hóa.
Đến nay, HTX Hương Nhượng là một trong những mô hình sản xuất kinh doanh tiêu biểu của đồng bào dân tộc Mường trên địa bàn tỉnh. Từ khi thành lập đến nay, các thành viên đã thi đua sản xuất kinh doanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật từ đó chung sức xây dựng nông thôn mới.
Hoạt động của HTX gà đồi Hương Nhượng đã góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển các sản phẩm lợi thế của địa phương.
Bài cuối: Bước tiến từ nông sản thế mạnh của địa phương
Tùng Lâm