Đến Nghĩa Hưng hôm nay sẽ thấy có sự đổi thay rõ rệt, có nhiều sức sống mới nhờ vào việc làm ăn có hiệu quả của người dân địa phương và đồng bào dân tộc Gia Rai theo đạo Tin Lành.
Sức sống mới ở vùng dân tộc thiểu số
Nhiều ngôi biệt thự, nhà cao tầng ở vùng quê tập trung đông đảo bà con dân tộc thiểu số nay đã mọc lên, hàng rào, vườn tược gọn gàng, sạch đẹp. Những con đường bê tông hóa liên thôn, liên xóm giờ đã được mở rộng, trải nhựa, đổ bê tông khang trang, sạch sẽ, được nhân dân đóng góp sức người, sức của vào xây dựng xã điểm về nông thôn mới.
Đường nông thôn ở Nghĩa Hưng đã được đổ bê tông khang trang. |
Tận dụng thế mạnh là nơi có diện tích lớn về cây công nghiệp lâu năm, trên địa bàn xã Nghĩa Hưng hiện có khoảng hơn 22.000 ha cây công nghiệp, trong đó khoảng hơn 1.800 ha cà phê, số còn lại là cao su và chè. Riêng sản lượng cà phê tươi hàng năm của xã lên đến hơn 40 nghìn tấn, mang lại nguồn thu thuế ổn định cho xã.
Chính nhờ sự tuyên truyền, vận động có hiệu quả mà hàng chục km đường giao thông liên thôn, liên xóm đã được nhựa hóa, bê tông hóa theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên qua từng năm.
Hiện, Nghĩa Hưng chỉ còn khoảng 10% số hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới, xã cũng đang phấn đấu để giảm xuống còn 4% trong thời gian tới bằng việc tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo sản xuất, tạo việc làm để thoát nghèo.
Cách đây 3 năm, xã Nghĩa Hưng đã được UBND tỉnh Gia Lai công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới và tiếp tục duy trì cho đến nay, cũng như nỗ lực để hướng tới xã nông thôn mới nâng cao.
Trong xã có làng Plei Bui là nơi tập trung đông đảo đồng bào dân tộc thiểu Gia Rai theo đạo Tin Lành và cũng là làng nông thôn mới kiểu mẫu trong vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Gia Lai. Đến Plei Bui hôm nay sẽ thấy đường sá thông thoáng nối nhau như ô bàn cờ, điều hiếm thấy trong các vùng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
Thấp thoáng giữa những vườn cây trái xanh mướt ở Plei Bui là những căn nhà khang trang. Để có cuộc sống ấm no, xây dựng buôn làng ngày càng giàu đẹp, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các tín hữu Tin Lành người Gia Rai ở đây đã không ngừng nỗ lực vươn lên, chăm chỉ làm ăn, học hỏi nâng cao trình độ sản xuất nông nghiệp.
Sống “tốt đời đẹp đạo” ở Chi hội Tin lành Plei Bui
Chi hội Tin Lành Plei Bui ở xã Nghĩa Hưng hiện có hơn 1.300 tín hữu dân tộc Gia Rai. Theo ông Rơ Châm Hnglăi - Trưởng ban Chấp sự, bà con tín hữu luôn đoàn kết, chăm lo sản xuất, xây dựng cuộc sống, chấp hành sinh hoạt tôn giáo theo quy định.
Chi hội Tin Lành Plei Bui hiện có hơn 1.300 tín hữu dân tộc Gia Rai. |
“Bà con tích cực hưởng ứng phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững do Hội Nông dân xã phát động, hiệu quả sản xuất và đời sống ngày càng khá lên”, ông Rơ Châm Hnglăi chia sẻ.
Bên cạnh đó, trong Chi hội Tin Lành Plei Bui có nhiều tín hữu là nông dân sản xuất giỏi, đồng thời cũng là những cá nhân tiêu biểu về sống “tốt đời đẹp đạo”, được địa phương biểu dương khen thưởng.
Ông Rơ Châm Pưnh, trưởng thôn Plei Bui cho biết, siêng năng lao động, chịu khó học hỏi, đó là cách mà các tín hữu người Gia Rai ở đây vươn lên thoát khỏi đói nghèo, xây dựng thành công nông thôn mới. Được tỉnh Gia Lai chọn xây dựng làng nông thôn mới kiểu mẫu, Plei Bui đã được Nhà nước đặc biệt quan tâm hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng.
Còn ở làng Nhing thuộc xã Nghĩa Hưng với gần 100% dân số là đồng bào Gia Rai, trong đó có nhiều hộ theo đạo Tin Lành. Bà con dân làng và các tín hữu ở đây đã gắn việc xây dựng đời sống văn hóa với đoàn kết giúp nhau làm kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ vay vốn để đầu tư mở rộng sản xuất. Ngoài cây lương thực, bà con còn trồng cà phê và các loại cây ăn trái và rau xanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Ông Yưm, một tín hữu Tin Lành ở làng Nhing cũng là hộ sản xuất giỏi, gia đình ông làm 3 sào cà phê, chăn nuôi hơn 30 con bò, thu nhập gần 100 triệu đồng mỗi năm.
Một trong những tín hữu tiêu biểu của làng Nhing là ông Ksor Blum, thành viên Ban Chấp sự tại Chi hội Tin Lành Plei Bui, cho biết để xứng đáng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, trong thời gian tới, nhân dân làng Nhing sẽ tiếp tục thực hiện tốt phương châm sống tốt đời đẹp đạo, nhằm xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc, xây dựng làng Nhing phát triển hơn nữa về mọi mặt…
Trong xã Nghĩa Hưng có không ít nông dân, bà con tín hữu, thanh niên là tấm gương về làm nông nghiệp giỏi. Điển hình như anh Lê Văn Đức (sinh năm 1996, ở thôn 4), chỉ sau 3 năm khởi nghiệp đã gặt hái thành công khi sản phẩm mật ong hoa dã quỳ không chỉ đem về nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm mà còn đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Khởi sắc kinh tế hợp tác
Ngoài ra, hoạt động kinh tế hợp tác với sự tham gia tích cực của bà con tín hữu ở Nghĩa Hưng cũng mang lại hiệu quả đáng kể. Đơn cử như HTX Thương mại nông nghiệp và Dịch vụ CPA (còn gọi là HTX Organic CPA, ở thôn 6) thời gian qua đã chủ động hỗ trợ thành viên tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác và thị trường.
Tổ hợp tác nuôi ong mật ở Nghĩa Hưng mang lại thu nhập cao cho các thành viên. |
Đây là HTX đầu tiên của xã Nghĩa Hưng với 11 thành viên. Mặc dù còn non trẻ nhưng có xuất phát điểm tương đối thuận lợi khi HTX được chính quyền địa phương rất quan tâm ủng hộ.
Một số thành viên nòng cốt của HTX có sẵn tiềm lực tài chính, có sản phẩm đạt chuẩn OCOP hoặc đã có thị phần ổn định như: Bò khô Tùng Phương Du Ký, cà phê MyBella, ngũ cốc phấn hoa mật ong Phước Hỷ, đông trùng hạ thảo HTP, mật ong TBEE… nên có thể dìu dắt các thành viên khác.
HTX này đã mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên bằng việc liên kết phát triển sản xuất, góp phần tạo việc làm, nhất là thành viên người dân tộc thiểu số Gia Rai và các hộ nghèo.
Ngoài ra, có thể kể đến Tổ hợp tác Nuôi ong mật xã Nghĩa Hưng do ông Phạm Văn Đua làm Tổ trưởng. Khi mới thành lập (tháng 10/2022), tổ hợp tác có 8 thành viên, nuôi hơn 1.000 đàn ong mật. Đến nay, tổ hợp tác này đã có 13 thành viên, nuôi hơn 1.500 đàn ong.
Dự tính đến cuối năm 2023, tổ hợp tác có tổng cộng 2.000 đàn ong, cho thu hoạch hơn 40.000 lít mật, trị giá khoảng 2,5 tỷ đồng. Ngoài mật ong, các thành viên còn có nguồn thu nhập từ việc nhân đàn, bán con giống, phấn hoa và các sản phẩm khác. Nhiều thành viên của tổ hợp tác có thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.
Ông Huỳnh Trọng Hưng, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng, cho biết mô hình tổ hợp tác liên kết nuôi ong mật mới có 2 năm nay, mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Bà con nâng cao kiến thức, có nguồn thu nhập tốt, có điều kiện cải thiện đời sống, tất cả cũng nhờ nuôi ong mật. Chính quyền xã luôn tạo điều kiện cho những người có cùng sở thích, cùng ngành nghề thành lập tổ hợp tác, HTX để nâng cao thu nhập, xây dựng Nghĩa Hưng ngày càng phát triển.
Thanh Loan