Đến với xã Bảo Quang ngày nay sẽ thấy hệ thống hạ tầng giao thông, trường, trạm… được nâng cấp, làm mới khang trang, sạch đẹp. Cuộc sống người dân và đông đảo đồng bào Công giáo thuộc Giáo xứ Bảo Quang ở đây được nâng lên, trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của Tp.Long Khánh.
Thành quả nông thôn mới kiểu mẫu
Vốn trước đây là xã nghèo, thuần nông nên người dân và các giáo dân trong xã chỉ quen với việc lo kế sinh nhai. Do đó để bà con đồng tình tham gia xây dựng nông thôn mới rồi nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu thì xã Bảo Quang luôn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân và bà con giáo dân hiểu và ý thức được trách nhiệm cũng như quyền lợi của mình.
Những con đường nông thôn khang trang ở xã Bảo Quang. |
Bên cạnh đó, xã chọn những tuyến đường kiểu mẫu để làm trước với những luống hoa, đèn chiếu sáng hai bên đường đã tác động tích cực đến người dân, giáo dân khi điều kiện đi lại trở nên an toàn thuận lợi, nhất là trong vận chuyển nông sản.
Sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2019, chính quyền và nhân dân, giáo dân xã Bảo Quang tiếp tục chung sức, đồng lòng nâng cao các tiêu chí để xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Sau 3 năm tập trung thực hiện bằng cách làm năng động, sáng tạo, diện mạo nông thôn xã Bảo Quang ngày càng đổi mới toàn diện, đời sống vật chất, tinh thần người dân tiếp tục được nâng cao, cơ sở hạ tầng khang trang, sạch đẹp.
Các tuyến đường trục xã, liên xã, đường trục ấp, đường ngõ xóm, đường trục chính nội đồng được nhựa hóa, bê tông hóa, cứng hóa đạt 100%, tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa và sản xuất cho nhân dân.
Ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn thì công tác phát triển kinh tế được xã chú trọng. Xã đã hướng dẫn người dân, giáo dân thực hiện chuyển đổi các mô hình kinh tế cao và thực hiện chuyển đổi cây trồng chất lượng, sử dụng giống mới có năng suất, giá trị kinh tế cao, tận dụng tiềm năng phát triển của địa phương với giá trị trên 1 ha đất nông nghiệp thu từ trồng trọt tại vùng sản xuất tập trung đạt bình quân khoảng 328 triệu đồng/ha. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người trong xã Bảo Quang từ 2 năm trước đã đạt 68,7 triệu đồng.
Với những nỗ lực và thành quả đáng ghi nhận khi xây dựng vùng quê trở nên giàu đẹp, trong lành, đáng sống, vào tháng 1/2022, UBND tỉnh Đồng Nai đã công nhận xã Bảo Quang đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021.
Gương sáng đồng bào Công giáo
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, rồi nông thôn mới nâng cao cho đến kiểu mẫu ở Bảo Quang đã có nhiều gương sáng trong đồng bào Công giáo. Trong đó, ông Lã Thanh Sơn, Trưởng ban Hành giáo của giáo xứ Bảo Quang (ở xã Bảo Quang) là một điển hình tiêu biểu.
Có nhiều gương sáng đồng bào Công giáo ở Giáo xứ Bảo Quang. |
Cách đây 5 năm, ông Sơn đã tham gia cùng với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Bảo Quang thành lập mô hình Cộng đoàn giáo họ Vinh Sơn (nay là Cộng đoàn giáo xứ Bảo Quang), nhân dân tổ 4, ấp 18 Gia Đình và tổ 6, ấp Ruộng Tre tham gia bảo vệ môi trường gắn với xây dựng tuyến đường kiểu mẫu.
Từ đó đến nay, ông đã cùng giáo xứ Bảo Quang thường xuyên tuyên truyền, vận động giáo dân và nhân dân thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường ngay tại gia đình và cộng đồng dân cư; xây dựng, giữ gìn cơ sở tôn giáo trang nghiêm, trong lành, bảo đảm môi trường xanh, sạch, đẹp.
Ông Sơn đã vận động giáo dân và nhân dân khắc phục những phong tục, tập quán sinh hoạt không bảo đảm vệ sinh, môi trường, tổ chức cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường, không gây ra những tác nhân làm gia tăng biến đổi khí hậu.
Tại khu vực này còn xây dựng mô hình điểm tuyến đường kiểu mẫu liên tổ 4, ấp 18 Gia Đình và tổ 6, ấp Ruộng Tre chiều dài 700m và lắp đặt trụ cờ Tổ quốc ngay trước nhà mỗi thành viên trong tổ với tổng kinh phí trên 10 triệu đồng, do nhân dân và giáo dân đóng góp.
Riêng cá nhân ông Sơn đã tự bỏ tiền túi ra để mua xăng về nhờ bà con dùng máy phát cỏ dọn dẹp cảnh quan hai bên đường; cùng người dân trồng và chăm sóc hoa nhằm tạo cảnh đẹp đoạn đường phía trước giáo xứ. Ngoài ra, ông còn tham gia đóng góp tiền triệu để lắp đèn chiếu sáng tại tổ 4, 5 (ấp 18 Gia Đình) và tổ 6 (ấp Ruộng Tre) với chiều dài hơn 700m.
Theo thời gian, các tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp trên địa bàn xã Bảo Quang dần được nhân rộng, điển hình như: Đường trung tâm xã, tuyến đường khu dân cư ấp Thọ An, đường tổ 5 (ấp Ruộng Tre đi khu vực Suối Đá)... luôn nổi bật bởi hàng hoa rực rỡ được trồng hai bên đường.
Ngoài gương sáng của ông Sơn, hoạt động thiện nguyện của bà con giáo dân trong Giáo xứ Bảo Quang được thực hiện thường xuyên. Từ năm 2020, giáo xứ đã thành lập nhóm từ thiện (Hội Khôi Bình) và đưa vào hoạt động cho đến nay nhằm chăm lo cho những hoàn cảnh khó khăn, neo đơn có đạo cũng như không có đạo.
Bên cạnh đó, Giáo xứ Bảo Quang đã nhiều lần đóng góp vào quỹ để trao tặng học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó và hỗ trợ cho giáo viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn vào mỗi đầu năm học mới.
HTX giúp phát triển làng nghề trồng nấm
Về phát triển kinh tế nông nghiệp, Bảo Quang hiện có gần 3,3 ngàn ha diện tích cây nông nghiệp, trong đó có trên 2 ngàn ha diện tích cây lâu năm. Trước đây, xã chỉ có hai loại cây trồng chủ lực là tiêu và cà phê, thế nhưng những năm gần đây, Bảo Quang đã phát triển khá nhiều loại cây trồng chủ lực khác mang lại giá trị kinh tế cao.
HTX Nấm Bảo Quang góp phần giữ gìn và phát triển làng nấm ở ấp Bàu Cối (xã Bảo Quang). |
Trong những năm gần đây, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, ngoài làng nghề trồng nấm, xã Bảo Quang tập trung phát triển cây chủ lực của xã như mít, bưởi..., giá trị sản phẩm thu hoạch với đất trồng cây lâu năm là 219 triệu đồng/ha/năm. Cùng với những kết quả nổi bật về lĩnh vực y tế, nông nghiệp, giáo dục…
Giáo dân Trương Xuân Nhơn (ngụ ấp Lác Chiếu, xã Bảo Quang) cũng chuyển đổi 1,2 ha cây cà phê sang trồng mít, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng. Việc chuyển đổi sang trồng mít đã giúp ông Nhơn vừa đỡ công chăm sóc, vừa cho thu nhập cao hơn cây cà phê.
Ông Nhơn cho biết, trên địa bàn xã có nhiều hộ đã chuyển sang trồng mít và bưởi cho thu nhập cao. Ngoài ra, việc vận chuyển nông sản không còn khó khăn như trước do đã có đường giao thông sạch đẹp tạo thuận tiện cho người dân, giáo dân trong đầu tư sản xuất lẫn giá bán sản phẩm.
Ngoài ra, năm 2019, ấp Bàu Cối (xã Bảo Quang) được UBND tỉnh Đồng Nai công nhận Làng nghề trồng và sơ chế nấm. Không lâu sau đó, HTX Nấm Bảo Quang ra đời, khẳng định sự quyết tâm của người dân, giáo dân trong việc gìn giữ, phát triển làng nghề trồng nấm theo hướng bền vững, có thương hiệu riêng.
Không dừng lại ở đó, với đặc thù làng nghề trồng nấm và sơ chế nấm, người dân, giáo dân có cuộc sống ổn định, nhất là sự đồng lòng chung tay góp sức của nhân dân và bà con giáo dân, khu Bàu Cối được công nhận là khu dân cư kiểu mẫu năm 2021.
Anh Phạm Văn Hòa, Giám đốc HTX Nấm Bảo Quang, cho biết, ấp Bàu Cối có khoảng 150 hộ làm nghề trồng nấm, mỗi hộ có từ 30-200 thiên nấm. Trước đây, bà con trồng nấm đã thành lập tổ hợp tác trồng nấm do anh làm tổ trưởng.
Sau đó, để nông dân được hỗ trợ nhiều hơn trong việc đưa sản phẩm ra thị trường, UBND xã Bảo Quang đã hỗ trợ nông dân thành lập HTX Nấm Bảo Quang nhằm phát triển ngành trồng nấm.
Theo anh Hòa, từ tổ hợp tác phát triển thành HTX đã giúp cho nông dân, giáo dân trong xã Bảo Quang và Tp. Long Khánh có cơ hội tạo nhãn hàng riêng, các giấy chứng nhận nấm sạch, chỉ dẫn địa lý, làng nghề nấm…Khi đó, nấm Long Khánh mới có đủ năng lực xuất hiện tại những thị trường khó tính như siêu thị hoặc xuất khẩu.
Thanh Loan