Có thể khẳng định, HTX với vai trò là tổ chức kinh tế tập thể, dân chủ và tự chủ, có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu này.
Công nghệ - “Cây đũa thần” cho phát triển kinh tế xã hội
Ứng dụng CNTT đang mang lại những lợi ích thiết thực, đa chiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Hà Giang, trong đó HTX có vai trò then chốt khi đóng vai trò trung tâm và là cầu nối quan trọng trong việc đưa CNTT đến với cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Hà Giang.
Tiêu biểu như HTX nông lâm nghiệp và dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ (Đồng Văn) luôn duy trì nguồn thu khoảng 2 tỷ đồng/năm và đưa nông đặc sản Hà Giang đi khắp muôn nơi nhờ đẩy mạnh bán hàng trên sàn thương mại điện tử, livestream, đăng bài trên mạng xã hội…
Từ thời điểm bùng phát dịch Covid-19 đến nay, HTX đã hướng dẫn cho bà con dân bản sử dụng điện thoại thông minh để kết nối các ứng dụng nhằm trao đổi công việc, bán hàng nông sản. Theo đó, HTX Po Mỷ vẫn tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương là người dân tộc thiểu số.
Không chỉ giúp người dân tiếp cận CNTT như HTX Po Mỷ, các HTX ở Hà Giang còn là nơi tập hợp nhu cầu ứng dụng CNTT của các thành viên, từ đó xây dựng các dự án, chương trình đào tạo và hỗ trợ phù hợp với đặc thù của từng ngành nghề và địa phương.
![]() |
Chuyển đổi số đã đến gần hơn với đồng bào dân tộc thiếu số. |
Ngay như HTX Tuấn Dũng (Mèo Vạc) đã hướng dẫn 100 người dân sử dụng các trang mạng xã hội, vào nhóm zalo… để thuận tiện liên kết nuôi trên 2.200 đàn ong. Đây cũng là điều kiện quan trọng để HTX đưa ra các thông báo về mua bán, trao đổi hàng hóa và người dân có thể mua bán, cung ứng, học hỏi kinh nghiệm nuôi ong một cách thuận tiện.
Nhờ đó, toàn bộ sản phẩm mật ong Bạc hà của người dân được HTX bao tiêu, tạo thêm việc làm, thu nhập, gia tăng giá trị sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho thành viên và người dân địa phương.
HTX Tây Côn Lĩnh (huyện Vị Xuyên) cũng là đơn vị chuyên sản xuất chè và đi đầu trên địa bàn tỉnh về việc chuyển đổi số. Hiện, HTX có vùng nguyên liệu chè khoảng trên 300 ha, 100% chè Shan tuyết cổ thụ.
Hàng năm, HTX sản xuất hàng chục tấn chè khô thành phẩm, sản phẩm có quanh năm đồng nghĩa với việc thị trường tiêu thụ phải ổn định thì thu nhập của thành viên mới được bảo đảm. Với mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân và thành viên, HTX đã linh hoạt tìm kiếm nhiều thị trường khác nhau. Đặc biệt, trong những năm gần đây, thông qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử, HTX đã mở rộng tiếp cận được các cửa hàng bán lẻ, khách hàng có nhu cầu.
Câu nối chuyển đổi số
Với nguồn lực tập thể, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh có thể đầu tư vào cơ sở hạ tầng CNTT như máy tính, internet, phần mềm... và chia sẻ cho các thành viên sử dụng, giảm bớt gánh nặng chi phí cho từng hộ gia đình.
Theo thống kê, Hà Giang hiện có tổng số 774 HTX hoạt động trong lĩnh các vực thương mại dịch vụ tổng hợp; sản xuất, chế biến nông lâm nghiệp; tiểu thủ công nghiệp. Đến nay, phần lớn các HTX đều trang bị máy tính kết nối internet và ngày càng quan tâm đến xây dựng website với mục đích quảng bá sản phẩm, mở rộng khách hàng. Đây là thuận lợi cơ bản để các HTX tiến tới thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi số.
Song song đó, nhiều HTX ngoài chủ động học tập về chuyển đổi số, còn mạnh dạn tham gia các lớp đào tạo về CNTT của các tổ chức đào tạo và nâng cao năng lực số.
Đặc biệt, dưới sự hỗ trợ của Viện Phát triển Kinh tế hợp tác (Liên minh HTX Việt Nam), các lớp đào tạo, tập huấn về đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử vào quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tiếp cận khách hàng cho HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh đã được triển khai. Nổi bật là việc đẩy mạnh hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác (THT) tham gia vào Cổng thông tin kết nối cung – cầu do Liên minh HTX Việt Nam xây dựng và hỗ trợ HTX, THT đánh giá tiêu chuẩn hàng hóa, qua đó điều chỉnh, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
![]() |
HTX Po Mỷ hoạt động hiệu quả nhờ tiên phong chuyển đổi số. |
Việc tổ chức tập huấn trực tiếp theo hình thức “cầm tay chỉ việc” cho các HTX, THT đưa sản phẩm lên Cổng thông tin, sàn thương mại điện tử giúp HTX, THT giới thiệu, tìm đầu ra cho nông sản, hàng hóa thuận lợi. Đặc biệt, các HTX đã được hướng dẫn nên chú trọng vào quảng bá các sản phẩm đặc hữu, có thế mạnh, sản phẩm OCOP của địa phương.
Nhờ đó, nhiều HTX đã chủ động xây dựng và quản lý các nền tảng trực tuyến. Tiêu biểu như HTX Po Mỷ có thể xây dựng các trang web, gian hàng trên sàn giao dịch điện tử riêng hoặc tham gia các nền tảng chung để quảng bá sản phẩm, kết nối với khách hàng và đối tác. Thông qua thương mại điện tử, HTX cũng có cơ hội hợp tác với các tổ chức và doanh nghiệp công nghệ, các tổ chức phi chính phủ để triển khai các dự án ứng dụng CNTT, tìm kiếm nguồn vốn và hỗ trợ kỹ thuật. HTX cũng liên kết với doanh nghiệp ở trong và ngoài nước để tiêu thụ nông sản cho đồng bào dân tộc thiểu số và xuất khẩu sâm khoai sang Nhật Bản.
Để CNTT thực sự trở thành động lực phát triển
Mặc dù nhận thức về tầm quan trọng của CNTT của đồng bào dân tộc thiểu số, thành viên HTX ngày càng được nâng cao, nhưng việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số tại các HTX của đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Rào cản về cơ sở hạ tầng, trình độ dân trí, nguồn lực tài chính hạn chế, cũng như sự thiếu hụt về kiến thức và kỹ năng số đang là những thách thức lớn. Điều này dẫn đến việc các HTX chưa thể tận dụng tối đa tiềm năng của CNTT để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường và cải thiện đời sống cho thành viên.
Hiện nay, phần lớn các HTX, THT đều có quy mô vừa và nhỏ, sức cạnh tranh của sản phẩm còn yếu nên gặp khó trong việc phát triển thị trường. Bên cạnh đó, trước yêu cầu chuyển đổi, nhận thức về vai trò của kinh tế số, ứng dụng thương mại điện tử còn nhiều hạn chế nên các HTX, THT chưa tận dụng được lợi thế này để phát triển.
Như tại HTX sản xuất, kinh doanh chè Shan tuyết Thượng Sơn (Vị Xuyên) dù đã thực hiện quảng bá, giới thiệu sản trên mạng xã hội và mở gian hàng trực tuyến để bán chè khô, nhưng nhìn chung sản lượng bán ra qua hình thức thương mại điện tử, online vẫn còn hạn chế nhất định. Nhiều người dân địa phương vẫn chủ yếu tiêu thụ tại chợ truyền thống, các cửa hàng trên địa bàn. Do đó, các thành viên HTX hy vọng, sản phẩm của HTX sẽ sớm tìm được thị trường tiêu thụ trên cả nước và tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng ở nước ngoài nếu được tham gia hỗ trợ nhiều hơn nữa về kết nối quảng bá, tiếp cận thương mại điện tử.
Để phát huy tối đa vai trò của CNTT trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Hà Giang, cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và đặc biệt là sự chủ động, sáng tạo của chính người dân và các HTX.
Trong đó, đầu tư phát triển hạ tầng CNTT thông qua mở rộng phủ sóng internet, nâng cao chất lượng đường truyền, đảm bảo người dân ở vùng sâu vùng xa có thể tiếp cận internet một cách ổn định và chi phí hợp lý là điều cần thiết. Bởi theo nhiều HTX, hiện nay, việc tiếp cận với người dân để thu mua, trao đổi thông tin vẫn còn khó khăn do có những địa phương vẫn chưa có internet hoặc có nhưng mạng và sóng điện thoại rất yếu, chập chờn.
Theo Liên minh HTX tỉnh Hà Giang, việc tổ chức các chương trình đào tạo đa dạng, phù hợp với trình độ và nhu cầu của người dân, thành viên HTX đi đôi với chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ HTX có kiến thức và kỹ năng về CNTT sẽ giúp nâng cao tiếng nói của khu vực HTX và phát huy sức mạnh của người dân trong chuyển đổi số.
Đặc biệt, các HTX ở Hà Giang rất cần những đơn vị có chuyên môn có thể phát triển các ứng dụng, phần mềm và nền tảng trực tuyến đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân và HTX trong sản xuất, kinh doanh, quản lý và đời sống. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ đặc thù hỗ trợ về vốn, kỹ thuật cho các HTX và người dân trong việc ứng dụng CNTT.
Trong hành trình xây dựng một Hà Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh và an toàn, ứng dụng CNTT, với sự đồng hành và dẫn dắt của các HTX năng động, sáng tạo, chắc chắn sẽ là một trong những động lực quan trọng nhất, giúp vùng đất địa đầu Tổ quốc vươn lên mạnh mẽ, thu hẹp khoảng cách phát triển và mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho đồng bào các dân tộc.
Đồng Lợi