Nhắc đến xã Trung Hòa không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của đồng bào theo đạo Công giáo, vốn chiếm đến 86,7% dân số của xã. Và đây cũng là địa phương đi đầu trong việc xây dựng nông thôn mới ở huyện Trảng Bom.
Thành quả nông thôn mới kiểu mẫu
Cách đây 2 năm, Trung Hòa đã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Và gần đây nhất là vào tháng 11/2022, UBND tỉnh Đồng Nai đã công nhận đây là xã đầu tiên của huyện Trảng Bom đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Giáo xứ Tâm Anh ở xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom. |
Thời gian qua, khu dân cư kiểu mẫu trên địa bàn xã Trung Hòa được xem là điểm sáng trong xây dựng khu dân cư kiểu mẫu của tỉnh Đồng Nai. Đối với tiêu chí đường giao thông, để đạt sáng - xanh - sạch - đẹp, các giáo dân trong xã đã tích cực trồng hoa, cây xanh hai bên các tuyến đường, duy trì chăm sóc, cắt tỉa gọn gàng. Định kỳ thứ Bảy hằng tuần, các khu, ấp ra quân dọn vệ sinh các tuyến đường, tạo thành thói quen có sức lan tỏa.
Từ năm 2016 đến nay, chính quyền xã Trung Hòa đã phối hợp với giáo xứ Tâm An và Ban Nhân dân ấp An Bình vận động nhân dân, giáo dân trong ấp nâng cấp bê tông xi măng 17 tuyến đường trong khu dân cư với chiều dài 5267 m, tổng kinh phí 5.580,5 triệu đồng, trong đó UBND xã hỗ trợ 758 triệu đồng, còn lại do nhân dân, giáo dân đóng góp để đổ đất, đá dăm nâng cấp sửa chữa các tuyến đường nội đồng, xây dựng 2 tuyến mương thoát nước dài 310m.
Ngoài ra, nhân dân và bà con giáo dân trong xã còn đóng góp khoảng 1.800 ngày công lao động, hiến trên 15.500 m2 đất để mở đường bê tông, sân văn phòng 2 ấp (nguồn xi măng do xã hỗ trợ).
Theo bà Lê Thị Hoa, Trưởng ấp Bàu Cá (xã Trung Hòa), để thực hiện khu dân cư kiểu mẫu ở Khu 6, ban điều hành ấp đã vận động 100% hộ dân, giáo dân tham gia nạo vét kênh mương thoát nước làm vệ sinh môi trường, đóng góp kinh phí đầu tư 26 bóng đèn thắp sáng và 200 chậu hoa.
Các giáo dân cũng tuân thủ quy định bỏ rác đúng nơi, đúng giờ, hạn chế rác phát sinh. Và, khi thấy được sự thay đổi tích cực về cảnh quan môi trường, an ninh trật tự và an toàn xã hội, người dân, giáo dân trong ấp ngày càng hưởng ứng. Chính vì vậy, Khu 6 (ấp Bàu Cá) được Ban Chỉ đạo nông thôn mới huyện Trảng Bom chọn là một trong 2 khu dân cư kiểu mẫu được đầu tư xây dựng trong toàn huyện để nhân rộng mô hình.
Lan tỏa tinh thần “tốt đời, đẹp đạo”
Còn theo chị Mai Hải Yến, giáo dân ngụ tại xã Trung Hòa, thời gian qua, đồng bào Công giáo ở xã đã phát huy truyền thống đoàn kết, sống “tốt đời, đẹp đạo”. Bà con giáo dân đi đầu, cùng chính quyền vận động bà con giáo dân tham gia các phong trào do địa phương phát động.
“Với phương châm “Kính chúa, yêu nước”, bà con giáo dân chúng tôi luôn tham gia tích cực các mô hình bảo vệ an ninh trật tự, tự nguyện đóng góp, ủng hộ kinh phí để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, phục vụ thuận lợi cho việc đi lại, phát triển sản xuất…”, chị Yến chia sẻ.
Một con đường nông thôn khang trang ở xã Trung Hòa. |
Trong xã có ông Trần Văn Đễ, là giáo dân đảng viên, đồng thời giữ trọng trách Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Trung Hòa, được xem là người có uy tín trong cộng đồng giáo dân.
Trong quá trình thực hiện mô hình bảo vệ môi trường, ông Đễ đã cùng chính quyền xã vận động người dân, giáo dân trồng cây xanh, hoa trong chậu để tạo cảnh quan. Đến nay, 45/45 tuyến đường trên địa bàn xã đều thực hiện có hiệu quả mô hình tự quản “sáng - xanh - sạch - đẹp”.
Ngoài ra, ông Đễ đã cùng chức sắc, chức việc các tôn giáo tuyên truyền về văn hóa giao thông, phòng chống tội phạm, các tệ nạn xã hội, đặc biệt đối với các khu vực nhà trọ; đồng thời nhắc nhở người dân, giáo dân không lấn chiếm hành lang giao thông đường bộ, đường sắt.
Với nhiều đóng góp tích cực, trong những năm công tác, bản thân ông Đễ liên tục được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, tỉnh và UBND tỉnh Đồng Nai khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong công tác mặt trận.
Là một xã nông nghiệp, thời gian qua, Trung Hòa đã đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác và các mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ, cánh đồng lớn với sự tham gia tích cực của bà con giáo dân, đang phát huy hiệu quả rõ rệt, đem lại lợi ích cho cả người nông dân, giáo dân lẫn đơn vị hợp tác.
Điển hình là chuỗi liên kết trên cây ca cao tại xã Trung Hòa do Tổ hợp tác Ca cao Trung Hòa ký hợp đồng bán sản phẩm cho Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán).
Giáo dân Nguyễn Văn Hồng, thành viên Tổ hợp tác Ca cao Trung Hòa, cho biết, nhờ vậy, nông dân không lo đầu ra bấp bênh, bị ép giá. Bên cạnh đó, công ty còn cho nông dân “ứng” trước cây giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật canh tác và làm các xét nghiệm đất, nước để đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu vào cho chế biến xuất khẩu nên ông khá yên tâm.
Chung tay xây dựng chuỗi liên kết
Trước đây, ở xã Trung Hòa, nông dân chuyên trồng điều với năng suất thấp, giá bán không ổn định, nhiều hộ gia đình bỏ bê không chăm sóc dẫn đến lợi nhuận kém.
Chính vì vậy, như chia sẻ của giáo dân Nguyễn Thanh Lập (ngụ ấp An Bình, xã Trung Hòa), hiện tại, nhiều nông dân đã chuyển sang trồng ca cao kết hợp nuôi heo, gà, lươn thu nhập bình quân lên đến vài trăm triệu đồng/hộ/năm. Từ chỗ kinh tế được cải thiện, người dân tích cực tham gia các hoạt động do ấp, xã phát động, góp phần xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Tham gia xây dựng chuỗi liên kết, trồng ca cao xen điều giúp cho đời sống của nhiều nông dân, giáo dân ở xã Trung Hòa trở nên sung túc. |
Từ thực tế đó, giáo dân Nguyễn Thanh Lập cùng một số hộ nông dân ở xã Trung Hòa đã thử nghiệm trồng ca cao xen điều. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật trồng xen, năng suất điều từ năm thứ 2 đã đạt 2,5 tấn/ha, năng suất ca cao từ năm thứ 7 đạt trung bình 20 tấn trái tươi/ha. Với mỗi ha xen canh, người nông dân thu về khoảng 120 triệu đồng từ ca cao và 70 triệu đồng từ điều, cao gấp 3 lần so với chỉ trồng điều. Nhiều hộ nông dân, giáo dân đã trở nên khá giả nhờ xen canh cây trồng.
“Bà con chúng tôi tự nguyện liên kết trong trồng xen cây ca cao và thành lập tổ hợp tác. Nhờ làm ăn hiệu quả, đến nay, Tổ hợp tác ca cao Trung Hòa đã phát triển được hơn 70 thành viên với diện tích gần 80 ha. Các thành viên yên tâm đầu tư vì cả điều và ca cao đều được bao tiêu sản phẩm”, ông Lập phấn khởi nói.
Bên cạnh đó, việc phát triển các mô hình liên kết cũng thúc đẩy hình thành vùng sản xuất tập trung, tạo hàng hóa cạnh tranh, chất lượng tương đồng, và ngày càng xuất hiện nhiều nông dân, giáo dân sản xuất giỏi trong xã.
Điển hình như ông Đoàn Trung Ngọc, ở xã Trung Hòa, được người dân mệnh danh là “vua” thanh long ruột đỏ của huyện Trảng Bom. Ông là người đầu tiên tại địa phương bỏ vườn tạp đầu tư trồng được hơn 1ha thanh long ruột đỏ, rồi dần dần mở rộng diện tích lên gần 9ha.
Ông Ngọc còn được bà con tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ hợp tác thanh long ruột đỏ, đi đầu thực hiện trồng thanh long theo quy trình VietGAP. Hiện, ông đã có những đơn hàng ổn định cung cấp cho doanh nghiệp xuất khẩu thanh long ruột đỏ đi một số nước ở châu Âu.
Hoặc như ông Trương Hùng Dũng, ngụ tại ấp An Bình (xã Trung Hoà) rất thành công với mô hình "nuôi 1 con trồng nhiều cây”. Cụ thể là ông nuôi hàng trăm con bò chỉ để lấy phân trồng rất nhiều cây, trong đó đa phần là cây ăn trái.
Nhờ mô hình “nuôi 1 con trồng nhiều cây”, cụ thể là nuôi bò và trồng cây ăn trái, trồng cây mía, ông Dũng hiện đã sở hữu khối tài sản lớn, thu nhập ổn định lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Thanh Loan