Việc hội tụ nhiều dân tộc cùng sinh sống giúp Sơn Động tạo nên sự đa dạng trong ngôn ngữ, văn hóa, tín ngưỡng. Huyện đang có những lễ hội đặc trưng như lễ cấp sắc, lễ cúng rừng, lễ cầu lương thực của đồng bào dân tộc Dao xã Tuấn Mậu, lễ hội Bơi chải ở An Châu, lễ hội hát Soong hao của dân tộc Nùng, hay nghề thêu thổ cẩm của người Dao dưới chân núi Yên Tử…
Nhiều giá trị tạo sức hút
Ngoài những nét độc đáo về bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số, Sơn Động còn có địa hình phong phú, đa dạng với nhiều dãy núi cao, có hệ thống rừng nguyên sinh với hệ động thực vật đa dạng, những thắng cảnh nổi tiếng như khu Vũng Tròn, Khe Rỗ, Khu du lịch Đồng Thông, thác Ba Tia…
![]() |
Bản sắc văn hóa độc đáo và da dạng là một thế mạnh để huyện Sơn Động phát triển du lịch cộng đồng. |
Bên cạnh đó, nhiều di tích lịch sử như đình, chùa Chẽ, đình Vua Bà thuộc thị trấn An Châu, đình Đặng xã Vĩnh Khương, đình Lục Liễu xã Long Sơn… đã tạo cho Sơn Động một tiềm năng to lớn để khai thác phát triển nhiều loại hình du lịch như: Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa – tín ngưỡng…
Năm 2014, UBND tỉnh ban hành Đề án Phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2014 - 2020, trong đó huyện Sơn Động có nhiều tiềm năng để khai thác du lịch cộng đồng. Số vốn đầu tư thực hiện dự kiến hơn 41 tỷ đồng, trong đó 20 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, còn lại là nguồn xã hội hóa.
Từ sự hỗ trợ của địa phương, một số hộ dân nằm trong Đề án phát triển du lịch cộng đồng đã xây dựng cơ sở vật chất, cung cấp dịch vụ du lịch, bước đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt.
Đơn cử, thôn Nà Ó, xã An Lạc, với lợi thế nằm bên rừng nguyên sinh Khe Rỗ có phong cảnh núi non, suối nước đẹp, đồng thời có hơn 50 hộ thuộc dân tộc Tày, Nùng với những nếp nhà sàn, nhà đất ngả màu nâu cổ kính, thơ mộng… đang trở thành điểm sáng trong phát triển du lịch.
Hiện, thôn Nà Ó có 5 hộ (đều là dân tộc Tày) xây dựng cơ sở vật chất, trang bị vật dụng sinh hoạt đạt chuẩn, có thể tiếp đón gần 100 lượt khách/ngày, đêm.
Kể từ năm 2019 đến nay, bình quân mỗi năm, thôn Nà Ó đón hơn 18.000 lượt khách, trong đó khách lưu trú đạt hơn 2.000 lượt. Khách nước ngoài chủ yếu đến từ Pháp, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản... được các công ty lữ hành kết nối đưa đến.
Tham quan trải nghiệm tại Nà Ó, mỗi khách chỉ phải trả chi phí lưu trú 80.000 đồng/ngày, đêm và 100.000 đồng/bữa ăn. Ngoài ra, kinh phí thưởng thức chương trình văn nghệ 800.000 đồng/đoàn; chi phí thuyết minh, dẫn đường tham quan rừng Khe Rỗ 200.000 đồng/lượt/đoàn.
Giải pháp phát triển bền vững
Trong quá trình thúc đẩy du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Sơn Động, HTX du lịch cộng đồng An Lạc (xã An Lạc) đang nổi lên như một lá cờ đầu.
![]() |
Du lịch tâm linh cũng là một thế mạnh đang được huyện chú trọng. |
Thực hiện đề án phát triển du lịch cộng đồng thí điểm ở An Lạc của UBND tỉnh Bắc Giang, HTX An Lạc đã mạnh dạn thay đổi tư duy, cách làm, đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng nhà sàn truyền thống, cải tạo nhà vệ sinh, bãi để xe, khuôn viên cây xanh, đáp ứng nhu cầu lưu trú của 50 khách du lịch/ngày/đêm.
Để khách có những trải nghiệm thú vị, HTX thành lập các tổ hát then, đàn tính; tổ chức hoạt động trải nghiệm nuôi ong, trồng cây thuốc nam…
Đặc biệt, để đảm bảo giá trị bền vững, HTX đã phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự, đặc biệt là công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp tại khu du lịch.
“Trong rất nhiều yếu tố chi phối, môi trường và chất lượng dịch vụ là 2 yếu tố then chốt mang lại thành công tại địa phương phát triển du lịch sinh thái. Trong thời gian tới, môi trường và dịch vụ sẽ tiếp tục được HTX nâng tầm để tạo sức hút mạnh hơn”, Giám đốc HTX An Lạc Vũ Ngọc Huân nhấn mạnh.
Với những tiềm năng đang có, huyện Sơn Động đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn huyện đón 1 triệu lượt khách, có 2 - 3 thôn xây dựng thành công mô hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm.
Để đạt mục tiêu đề ra, huyện tập trung quy hoạch quản lý tốt đối với các khu vực có điều kiện phát triển du lịch như khu Tây Yên Tử, Đồng Cao, Khe Rỗ. Đồng thời, chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái, gìn giữ cánh rừng nguyên sinh và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Đi đôi với những giải pháp trên, huyện tập trung tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng phát triển du lịch; quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa. Đặc biệt, khuyến khích, hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư dự án phát triển du lịch, tham gia hoạt động làm dịch vụ du lịch; đầu tư tuyến giao thông huyết mạch phục vụ cho phát triển du lịch trong tương lai.
Nhật Minh