Được thiên nhiên ưu đãi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng, Krông Pắc có điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp, từ đó tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng như cà phê, hồ tiêu, trà thảo mộc, tinh dầu sả... Đáng chú ý, hiệu quả của chương trình OCOP trên địa bàn huyện đang có nhiều dấu ấn từ các HTX.
Ấn tượng từ các HTX
HTX nông nghiệp Viet Farm, xã Hòa Đông, đang là một trong những điển hình thành công trong việc xây dựng các sản phẩm đặc trưng ở Krông Pắc. Được thành lập từ cuối năm 2018, đến nay, HTX đã có 3 sản phẩm được chứng nhận OCOP.
Các HTX đang tham gia tích cực phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện. |
Ông Trần Ngọc Dương, Chủ tịch HĐQT HTX, cho biết hoạt động của HTX chủ yếu là thu mua, chế biến các loại nông sản, do đó việc xây dựng bộ quy chuẩn chất lượng sản phẩm được quan tâm thực hiện.
Cụ thể, HTX đã tập trung phát triển hệ thống chế biến mắc ca từ vùng nguyên liệu mắc ca xen canh cà phê rộng 120 ha của người dân trên địa bàn. Đầu tư hệ thống máy chế biến mắc ca gồm: máy xát vỏ, máy phân loại hạt, máy tách nứt, máy sấy, máy hút chân không…
Bên cạnh đó, để nâng cao thương hiệu sản phẩm, HTX đã mở rộng hệ thống bán hàng trên các trang thương mại điện tử như: Sendo, Tiki, Shopee, trang fanpage, cùng các kênh phân phối tại siêu thị, chợ truyền thống, sân bay Buôn Ma Thuột, sân bay Pleiku (tỉnh Gia Lai)…
Với những thành công đang có, thời gian tới HTX tiếp tục đẩy mạnh phát triển, quảng bá bộ 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP là mắc ca tách nứt, nhân mắc ca, tinh dầu mắc ca, từ đó nâng hạng sản phẩm từ OCOP 3 sao lên OCOP 5 sao trong năm 2021.
Để hiện thực hóa mục tiêu, HTX đang tích cực hỗ trợ người dân xây dựng vùng nguyên liệu sạch, bền vững theo hướng hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP. Khai thác hiệu quả kênh phân phối sản phẩm trên các trang thương mại điện tử, phấn đấu đến năm 2022 tiêu thụ bình quân 500.000 sản phẩm/năm, tương ứng mức doanh thu 1,5 tỷ đồng/năm. Chuẩn hóa chất lượng sản phẩm bằng việc nâng cấp khu chế biến, kho bảo quản lạnh…
Cùng với HTX nông nghiệp Viet Farm, HTX Nông nghiệp công bằng Thăng Tiến, xã Hòa An, cũng đang có nhiều thành công tích cực trong quá trình xây dựng sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị canh tác cho thành viên, hộ nông dân liên kết.
Trong đợt đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP lần III tỉnh Đắk Lắk diễn ra vào trung tuần tháng 12/2020, sản phẩm “hồ tiêu Thăng Tiến” của HTX Thăng Tiến đã trở thành 1 trong 8 sản phẩm của huyện được gắn 3 sao, nhờ quy trình sản xuất sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giá trị cao.
Tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ
Bên cạnh hoạt động của các HTX, tổ hợp tác, chương trình OCOP huyện Krông Pắc cũng đang có những chuyển biến mạnh mẽ với các mô hình tiêu biểu khác.
Các sản phẩm OCOP là tiền đề để nông sản huyện Krông Pắc vươn xa trên thị trường. |
Đơn cử như mô hình sản xuất trà mãng cầu ở xã Ea Kly tuy còn nhỏ nhưng đã manh nha về một sản phẩm trà mới sử dụng nguyên liệu do nông dân địa phương sản xuất và mang nhãn hiệu “made in Krông Pắc”, hiện đã được công nhận OCOP 3 sao.
Bình quân mỗi tháng các cơ sở xuất mãng cầu ở Ea Kly bán ra thị trường khoảng 70 kg trà khô (chế biến từ 600 kg quả tươi). Đặc biệt, trên địa bàn xã đang hình thành liên kết sản xuất mãng cầu trên quy mô 3 ha theo hướng thâm canh, với sự tham gia của hàng chục hộ nông dân, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Krông Pắc phân tích, ưu điểm lớn nhất của Chương trình OCOP là thay đổi tư duy về sản xuất, kinh doanh cho người dân, nghĩa là phát huy nội lực bằng cách gắn trách nhiệm của người sản xuất đối với sản phẩm họ làm ra.
Theo đó, sản phẩm tham gia chương trình phải đạt các yêu cầu về nguồn nguyên liệu, kho bảo quản, chế biến, kiểm soát chất lượng sản phẩm và nhận diện thương hiệu.
Thời gian tới, huyện Krông Pắc tiếp tục lựa chọn những sản phẩm mang tính đặc trưng sẵn có để đầu tư, nâng tầm sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cho người dân như bồ câu thảo dược tại xã Ea Kuăng, sầu riêng hữu cơ xã Ea Yông, Ea Knuếc, tinh dầu sả xã Ea Yiêng…
Huyện cũng sẽ nâng cao vai trò của các HTX, tổ hợp tác trong việc xây dựng các sản phẩm thế mạnh đặc trưng, mang lại giá trị cao cho người dân.
Cùng đó, huyện cũng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư như tổ chức Hội chợ thương mại nông sản Krông Pắc, hoàn thiện hồ sơ đưa sầu riêng trở thành sản OCOP cấp quốc gia…
Bài 4: Tìm 'cú hích' cho du lịch cộng đồng
Hưng Nguyên