Trong bối cảnh đó, hợp tác xã (HTX) kiểu mới có khả năng tập hợp sức mạnh của cộng đồng, tối ưu hóa nguồn lực và tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Sự tham gia tích cực của các HTX trong việc xây dựng và phát triển chuỗi giá trị có thể mang lại những tác động tích cực và bền vững cho vùng đồng bào DTTS.
HTX thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị
Về Sơn La, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước mô hình của HTX Nông nghiệp Dịch vụ Tổng hợp Mường La. HTX tập trung vào trồng trọt và chế biến các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương như xoài, nhãn, cà phê, chè... theo hướng hữu cơ và VietGAP. HTX còn phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. HTX chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị, giúp sản phẩm nông sản của địa phương có đầu ra ổn định.
Điểm đặc sắc của HTX chính là các thành viên chủ yếu là người dân tộc Thái sinh sống tại huyện Mường La. Sau khi liên kết cùng nhau sản xuất kinh doanh theo mô hình kinh tế tập thể, HTX đã giúp các thành viên chuyển từ phương thức canh tác truyền thống sang sản xuất theo tiêu chuẩn, tạo ra sản phẩm có chất lượng và giá trị cao hơn, từ đó tăng thu nhập ổn định cho thành viên.
Không dừng lại ở đó, việc phát triển du lịch cộng đồng giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, đồng thời tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách.
Đây chính là ví dụ điển hình về sự thành công của mô hình HTX trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS, góp phần bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế xã hội bền vững.
![]() |
HTX có vai trò quan trọng trong phát triển chuỗi giá trị hàng hóa ở vùng đồng bào DTTS. |
Theo số liệu của Liên minh HTX Việt Nam, vùng đồng bào DTTS và miền núi có gần 12.000 HTX, chiếm 42% tổng số HTX của cả nước, thu hút hàng triệu lao động.
Các HTX này đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, bảo tồn văn hóa và phát triển bền vững.
Điều đặc biệt là HTX vùng đồng bào DTTS hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau (trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản), dịch vụ (du lịch cộng đồng), và các ngành nghề truyền thống nên hỗ trợ người dân phát triển những giá trị tiềm năng của địa phương.
Điển hình như HTX Thổ cẩm Làng nghề Mỹ Nghiệp (Sóc Trăng) tập trung sản xuất và kinh doanh các sản phẩm thổ cẩm truyền thống của đồng bào Khmer (khăn rằn, sarong, túi xách, vật phẩm trang trí...). Ngoài ra, HTX phát triển du lịch cộng đồng trải nghiệm nghề dệt.
Điều đặc biệt là trong quá trình sản xuất, HTX đã chú trọng phát triển theo chuỗi giá trị hàng hóa từ sản xuất, tạo sản phẩm, tiêu thụ. Các thành viên cũng chú trọng xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm thông qua các kênh trực tiếp (cửa hàng tại làng nghề, hội chợ) và trực tuyến. HTX còn liên kết với các công ty du lịch để tổ chức các tour tham quan làng nghề, trải nghiệm quy trình dệt, giao lưu văn hóa với người dân địa phương.
Qua những điều này, ông Y Vinh Tơr, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo, cho biết trong các nội dung của dự án ở vùng đồng bào DTTS, các HTX đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững cũng như phát triển theo mô hình cộng đồng.
Liên minh HTX Việt Nam và các HTX có vai trò then chốt trong việc xây dựng và triển khai các mô hình hợp tác sản xuất, đặc biệt là trong việc kết nối các sản phẩm nông sản từ các vùng miền núi đến thị trường. HTX không chỉ giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình, đảm bảo sự phát triển bền vững cho cộng đồng dân tộc thiểu số.
Cũng tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, chuyển đổi xanh là một nội dung quan trọng. Việc áp dụng các mô hình sản xuất xanh, bền vững tại các HTX vùng đồng bào DTTS sẽ góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Các HTX cần phải đáp ứng được các yêu cầu này để hỗ trợ hiệu quả phát triển chuỗi giá trị trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo nhấn mạnh.
Gặp khó trong ứng dụng công nghệ
Tuy nhiên, có một thực tế đó là vùng đồng bào DTTS ở Việt Nam thường đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng yếu kém, trình độ sản xuất còn lạc hậu và khả năng tiếp cận thị trường hạn chế. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển chuỗi giá trị hàng hóa của các HTX.
Như ở Hà Giang, giao thông đi lại khó khăn, hệ thống điện, nước, thông tin liên lạc chưa phát triển gây trở ngại cho quá trình sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm.
Còn tại HTX Thổ cẩm Làng nghề Mỹ Nghiệp, dù đã chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhưng trong thời buổi công nghệ phát triển mạnh mẽ, nhiều thành viên là đồng bào DTTS vẫn còn rất bỡ ngỡ với marketing, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo.
![]() |
Thổ cẩm vươn xa nhờ có HTX. |
Do đó, các thành viên mong muốn được nâng cao năng lực, kiến thức và kỹ năng về quản lý chuỗi giá trị, marketing, tài chính và phát triển bền vững. Điều này sẽ giúp HTX thích ứng với công nghệ nhưng vẫn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống làm nền tảng và lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm/dịch vụ của HTX trên thị trường.
Ông Y Vinh Tơr cho biết các HTX vùng đồng bào DTTS đang gặp khó trong việc ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu.
Ưu điểm của các mô hình chuỗi giá trị trong Chương trình mục tiêu quốc gia là tạo ra một hệ thống liên kết chặt chẽ giữa các khâu trong quá trình sản xuất và tiêu thụ. Tuy nhiên, nhược điểm lớn là thiếu sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật và vốn đầu tư cho các HTX, cũng như thiếu sự liên kết mạnh mẽ giữa các HTX, doanh nghiệp và nhà nước.
Trong số các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp tính đến hết quý I/2025 tỷ lệ giải ngân đạt 47,17%, Dự án 3 sử dụng phần lớn là vốn sự nghiệp. Nội dung Dự án 3 lại có cách tiếp cận mới, nhiều nội dung chính sách lần đầu tiên được triển khai trên địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi như mô hình chuỗi giá trị nên còn có những lúng túng trong triển khai thực hiện.
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế này là do sự thiếu hụt về đào tạo nghề, công nghệ thấp, cơ sở hạ tầng còn yếu và thiếu nguồn lực tài chính cho các HTX tại các vùng DTTS và miền núi.
Tăng cơ hội kết nối HTX-doanh nghiệp
Để vượt qua những thách thức này và phát huy tối đa vai trò của HTX trong phát triển chuỗi giá trị bền vững tại vùng đồng bào DTTS, cần có các giải pháp đồng bộ từ các cấp chính quyền, các tổ chức hỗ trợ và chính bản thân các HTX và cộng đồng.
Trong đó, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản lý kinh tế, quản trị HTX, marketing, ứng dụng khoa học kỹ thuật cho cán bộ và thành viên HTX. Hỗ trợ HTX xây dựng kế hoạch kinh doanh, phát triển sản phẩm và tìm kiếm thị trường là những vấn đề được các chuyên gia đưa ra nhằm nâng cao vai trò của HTX vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Bà Lương Thị Niệm, Giám đốc HTX Nông nghiệp an toàn và hữu cơ Lang Chánh, xã Đồng Lương (Thanh Hóa), cho biết HTX mong muốn được hỗ trợ để tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi nhằm đầu tư sản xuất và đẩy mạnh khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm hiệu quả.
Nhằm tạo động lực cho các HTX vùng đồng bào DTTS tiếp tục phát triển, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Y Vinh Tơr đề nghị các địa phương cần có cơ chế, chính sách đặc thù ưu tiên đối với các HTX tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, đặc biệt là các chuỗi có sự tham gia của đồng bào DTTS và miền núi.
Đi liền với đó, cần có chính sách hỗ trợ nguồn lực để giúp các HTX có thể tiếp cận nguồn vốn đầu tư cho phát triển sản xuất. Đồng thời, các HTX cần được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi để phát triển các mô hình sản xuất xanh.
“Việc đầu tư hạ tầng giao thông, kho bãi và các cơ sở chế biến tại các địa phương DTTS sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX kết nối sản phẩm nông sản từ vùng miền núi ra thị trường, đồng thời thúc đẩy mối liên kết với các doanh nghiệp”, Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Y Vinh Tơr nhấn mạnh.
Tùng Lâm