Sơn Tây là một trong những huyện đi đầu ở Quảng Ngãi trong việc huy động nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để triển khai nhiều dự án hỗ trợ các HTX, hộ sản xuất phát triển kinh tế.
Phát huy nguồn lực
Điển hình, tại các xã Sơn Liên, Sơn Tinh, Sơn Long thuộc huyện Sơn Tây, hàng loạt chương trình, chính sách hỗ trợ đang được triển khai nhằm phát triển chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm như bò, heo, dê, gà.
Các hộ sản xuất cũng được định hướng liên kết để phát triển những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương, điển hình như mô hình trồng bưởi và cam Vinh. Nhờ đó, các hộ có thể chủ động lựa chọn hướng phát triển kinh tế, cùng nhau làm giàu.
![]() |
HTX, nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi đang đẩy mạnh số hóa trên đồng ruộng (Ảnh: BQN). |
Anh Đinh Văn Thiếu, người dân tộc Ca Dong, thành viên liên kết của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên (xã Sơn Liên), cho hay đây là năm thứ 4 anh áp dụng mô hình canh tác ổi theo tiêu chuẩn VietGAP. Có những thời điểm, sản lượng thu hoạch của anh đạt hơn 2 tấn/tháng nhưng vẫn không đủ cung ứng cho thị trường, kết quả mà trước đây anh chưa từng nghĩ tới.
Năm 2020, anh Thiếu cùng các hộ dân khác nhận được khoản đầu tư 135 triệu đồng từ HTX để lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm. Nhờ sự hỗ trợ này, thành viên HTX đã từng bước tiếp cận với khoa học kỹ thuật trong sản xuất, dần thay đổi tập quán canh tác truyền thống vốn phụ thuộc vào nước mưa.
Không chỉ liên kết với nông dân để phát triển mô hình trồng ổi VietGAP trên tổng diện tích 4ha, HTX Sơn Liên còn đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng, hỗ trợ bà con mở rộng sản xuất với các loại cây trồng khác như dứa, mít, chuối mốc, bưởi da xanh và mắc ca.
Bên cạnh đó, nhiều hộ sản xuất tại địa phương đã tham gia vào chuỗi liên kết của HTX để triển khai mô hình chăn nuôi heo rừng lai và bò. Trong 5 năm qua, HTX đã kết nối với gần 70 hộ dân trong khu vực, chiếm khoảng 18% tổng số hộ trong toàn xã, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển theo hướng bền vững.
Có thể thấy, trong những năm gần đây, nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước và sự đồng hành của các cấp chính quyền, đồng bào dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Quảng Nam đã có nhiều bước chuyển mình tích cực trong phát triển kinh tế.
Số hóa để mở cửa thị trường
Một trong những điểm sáng nổi bật trong phát triển nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi là việc các HTX, nông dân vùng dân tộc thiểu số miền núi của tỉnh đã ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử vào sản xuất và tiêu thụ nông sản, từ đó từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Trước đây, sản phẩm nông nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp hoặc bán quanh quẩn trong vùng. Nhưng nay, với sự phổ biến của điện thoại thông minh, internet và mạng xã hội, nhiều hộ gia đình, HTX đã biết cách đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso, Shopee...
Nhờ đó, các sản phẩm đặc sản như chuối mốc Trà My, sâm Ngọc Linh, măng núi luộc, rượu cần, tinh dầu quế… đã tiếp cận được người tiêu dùng khắp cả nước, nâng cao giá trị gia tăng.
Điển hình, tại huyện Nam Trà My, nhiều HTX do người dân tộc Xơ Đăng, Ca Dong thành lập đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị sơ chế, đóng gói và xây dựng nhãn hiệu sản phẩm. Thông qua thương mại điện tử và mạng xã hội, các sản phẩm này không chỉ được tiêu thụ thuận lợi mà còn góp phần quảng bá văn hóa bản địa đến với cộng đồng.
![]() |
Việc đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp HTX, nông dân Quảng Ngãi làm giàu (Ảnh: BQN). |
Đặc biệt, các HTX trên địa bàn huyện đang trở thành cầu nối liên kết các hộ thành viên, hướng dẫn hộ liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, đồng thời hỗ trợ về kỹ thuật canh tác, truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác và chiến lược tiếp thị.
HTX Dược liệu Trà Nam là một ví dụ điển hình. Từ mô hình nhỏ ban đầu, HTX đã tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa, liên kết các hộ dân trồng sâm, phát triển vùng nguyên liệu dược liệu bền vững.
HTX còn chủ động kết nối với các doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử và các kênh phân phối hiện đại để mở rộng đầu ra cho sản phẩm. Nhờ đó, đời sống người dân từng bước được cải thiện, số hộ nghèo giảm rõ rệt.
Tương tự, HTX Nông nghiệp – Dịch vụ Thôn 3 (xã Trà Don) đã tập huấn cho bà con cách sử dụng smartphone, giới thiệu sản phẩm qua Zalo, Facebook, TikTok và đưa hàng lên các sàn điện tử. Các thành viên được chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau học hỏi và từng bước làm chủ công nghệ.
Tiếp đà phát triển bền vững
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, trên địa bàn hiện có hàng chục mô hình, dự án sản xuất nông nghiệp tiên tiến, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng, tập quán canh tác của người dân và định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong đó, nhiều mô hình, dự án đã được các địa phương chủ động nhân rộng như: Mô hình trồng rau sạch đạt chuẩn VietGap; vùng chuyên canh cây ăn quả; trồng ngô sinh khối; chăn nuôi bò vỗ béo; nuôi lợn rừng lai; nuôi thủy sản xen ghép lồng bè trên sông, trên biển,...
Có thể nói, cùng với sự đồng hành của các HTX, tổ hợp tác, diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi ở Quảng Ngãi ngày càng khởi sắc. Những thành công này không thể không nhắc đến đóng góp của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh.
Năm 2024, Liên minh HTX tỉnh Quảng Ngãi đã giải ngân hơn 4,3 tỷ đồng cho 9 HTX và hộ thành viên vay vốn, giúp họ mở rộng sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh doanh. 74 lượt HTX đã được hỗ trợ tham gia 7 hội chợ và hoạt động xúc tiến thương mại trong nước, với hơn 200 mặt hàng được giới thiệu và quảng bá.
Về đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, những năm qua, Liên minh HTX Việt Nam, cùng Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức hàng loạt lớp đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ và năng lực quản trị cho cán bộ quản lý HTX, giúp các đơn vị điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn.
Ngoài ra, vào cuối năm 2024, Liên minh HTX tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại nhằm giải quyết các vướng mắc của khu vực kinh tế tập thể, tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận thông tin và chính sách hỗ trợ. Trước đó, Liên minh HTX tỉnh Quảng Ngãi đã ký kết chương trình phối hợp nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể và hỗ trợ các HTX trong tỉnh…
Những chương trình hỗ trợ từ Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện đời sống của người dân tại Quảng Ngãi.
Nam Phong