Dựa trên tinh thần “Gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, những năm qua, huyện Krông Pắc đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, lành mạnh trong lĩnh vực văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao... thu hút sự sáng tạo, lôi cuốn đông đảo đồng bào các dân tộc tham gia.
Vùng đất giàu bản sắc
Huyện Krông Pắc hiện có 3 lễ hội tiêu biểu được tổ chức hằng năm, thu hút đông đảo du khách là: Lễ hội võ vật truyền thống xã Vụ Bổn, Lễ hội mừng lúa mới xã Krông Búk và Lễ hội ném còn của dân tộc Tày Nùng xã Ea Kênh.
![]() |
Krông Pắc có nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng. |
Ngoài ra, việc quan tâm, chú trọng phục dựng một số nghi lễ truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn cũng đã góp phần bảo tồn, lưu giữ các làn điệu dân ca, dân vũ khá độc đáo như hát Ay ray, hát Then, hòa tấu nhạc cụ...
Theo Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Krông Pắc, huyện hiện còn lưu giữ 211 dàn chiêng Ê Đê, Xơ Đăng, Vân Kiều trong các thôn, buôn; 35 đội nghệ thuật quần chúng với gần 300 nghệ nhân, diễn viên đều là hạt nhân tiêu biểu về hát dân ca, kể khan ở cơ sở.
Nghệ nhân ưu tú Y Tai Kpơr (buôn Kniêr, xã Tân Tiến) được người dân trong buôn quý trọng bởi sự am hiểu, say mê và tích cực giữ gìn văn hóa truyền thống của người Ê Đê.
Với vốn hiểu biết về văn hóa truyền thống, lại có uy tín trong cộng đồng, những năm qua, nghệ nhân Y Tai Kpơr đã tích cực vận động người dân trong buôn cùng bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc, không bán đi những bộ chiêng cổ, những vật dụng quý của tổ tiên để lại. Bản thân ông đã mở lớp dạy về nhạc cụ dân gian cho các thế hệ sau.
“Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình yêu văn hóa truyền thống, ngay từ thuở nhỏ đã được theo cha mẹ tham gia vào các nghi lễ, lễ hội của buôn. Thấm đẫm trong những giai điệu ngọt ngào ấy, năm 8 tuổi tôi theo những nghệ nhân lớn tuổi trong buôn học cách đánh chiêng và chơi các nhạc cụ dân tộc”, nghệ nhân Y Tai chia sẻ.
Bên cạnh nguồn tài nguyên du lịch văn hóa đa dạng, Krông Pắc còn là địa phương có nhiều hồ lớn, phù hợp phát triển du lịch sinh thái như hồ Tân An (thị trấn Phước An), hồ Ea Nhái (xã Ea Knuếc), hồ Ea Wy (xã Ea Yông)…
Ngoài ra, đây cũng là vùng nông nghiệp trù phú với nhiều nông sản đặc thù là cà phê, ca cao và các loại cây ăn trái như bơ, sầu riêng..., phù hợp với du lịch trải nghiệm các sản phẩm nông nghiệp.
Khơi dậy tiềm năng du lịch
Có rất nhiều điều kiện để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm văn hóa, tâm linh... Tuy nhiên, do thiếu nguồn lực cũng như khó khăn trong thu hút đầu tư nên những tiềm năng này vẫn chưa được huyện Krông Pắc khai thác hiệu quả.
![]() |
Cần thêm hỗ trợ để phát huy tiềm năng du lịch cộng đồng ở Krông Pắc. |
Đơn cử, quần thể di tích đồn điền Cada (xã Ea Yông) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận Di tích Lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1999, song do thiếu kinh phí nên nhiều hạng mục chưa được tôn tạo.
Hiện tại, quần thể di tích đồn điền Cada đang trong tình trạng xuống cấp nhanh chóng. Vì vậy, điểm di tích nổi tiếng này cũng chưa tạo được sức hút đối với du khách trong và ngoài nước.
Theo thống kê sơ bộ của Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Krông Pắc, kể từ năm 2019 đến nay, bình quân mỗi năm, toàn huyện chỉ thu hút được khoảng 1.200 – 3.000 lượt khách, doanh thu không đáng kể.
Ông Y Dít Byă, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tiến, chia sẻ Tân Tiến là địa phương giàu bản sắc văn hóa, với không gian âm nhạc truyền thống của người Ê Đê, với người dẫn dắt là nghệ nhân ưu tú Y Tai Kpơr. Tuy nhiên, việc thu hút khách du lịch vẫn còn là “bài toán” không dễ giải.
Theo ông Y Dít Byă, để khơi dậy tiềm năng du lịch địa phương, các cấp, ngành du lịch huyện, tỉnh cần ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch nhà hàng, khách sạn, đặc biệt là hệ thống giao thông đường bộ nội buôn. Bên cạnh đó là phát triển nguồn nhân lực du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù sinh thái cộng đồng, du lịch văn hóa, sinh thái gắn với trải nghiệm tham quan các sản phẩm nông nghiệp.
Đại diện Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Krông Pắc cho biết trong giai đoạn tới, huyện sẽ tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư vào các dự án như Di tích danh lam thắng cảnh thác Dray Dăng - di tích cấp tỉnh, Di tích Lịch sử đồn điền Cada, Thiền viện Trúc Lâm tự giác (xã Ea Yông), hồ Tân An, Ea Nhái, đập Krông Búk Hạ cũng như các mô hình trang trại cây ăn quả.
Đặc biệt, huyện sẽ hỗ trợ các HTX điểm, phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả như HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân An, HTX Nông nghiệp hữu cơ Krông Pắk, HTX Dịch vụ nông nghiệp Thăng Tiến, HTX Dịch vụ nông nghiệp Ea Yiêng… hình thành các vùng trải nghiệm, thu hút khách du lịch trải nghiệm.
Huyện cũng sẽ khuyến khích thành lập các HTX khai thác "chất liệu" văn hóa truyền thống để triển khai các hoạt động du lịch, quảng bá thu hút khách tham quan, trải nghiệm. Đẩy mạnh nguồn lực hỗ trợ quảng bá hình ảnh, kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp, xây dựng các homestay, khu lưu trú,… tạo nên “cú hích” cho du lịch cộng đồng tại các địa phương.
Hưng Nguyên