![]() |
Nghề nuôi ong lấy mật mang lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân ở xã Trường Xuân. (Ảnh: Int) |
Phát huy lợi thế của địa phương
Xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh có 850 hộ dân với gần 2.800 nhân khẩu, sinh sống tại 9 thôn, bản, trong đó đồng bào dân tộc Vân Kiều 222 hộ (chiếm trên 26% dân số toàn xã), chủ yếu tập trung ở các bản: Khe Ngang, Khe Dây, Hang Chuồn, Lâm Ninh, Nà Lâm…
Phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, chính quyền xã đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế, như: đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế vườn đồi, trang trại; mở rộng diện tích trồng các loại cây có giá trị…
Tận dụng lợi thế vùng đồi núi với nhiều loại cây rừng, hoa rừng, những người nuôi ong ở xã Trường Xuân có thể nuôi hàng chục đàn ong ngay trong vườn nhà. Tuy nhiên, đa số người dân Trường Xuân trước đây nuôi ong theo hướng tự phát, năng suất thấp, sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu tại chỗ.
Năm 2016, với sự hỗ trợ của Dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo (SRDP), xã Trường Xuân đã thành lập 2 tổ hợp tác nuôi ong lấy mật tại thôn Kim Sen và Quyết Thắng nhằm hỗ trợ các hộ nuôi ong về kỹ thuật, kỹ năng nâng cao tay nghề. Cùng với đó, những hộ nuôi ong có điều kiện hỗ trợ nhau trong bao tiêu sản phẩm, mang lại hiệu quả về giá trị sản xuất.
Theo ông Lâm Ninh Hồ Hơn, dân tộc Vân Kiều ở bản Lâm Ninh, nghề nuôi ong tuy ít chi phí đầu tư và công sức nhưng lại đòi hỏi kỹ thuật cao, tỉ mỉ trong từng công đoạn. Chính vì vậy, nếu không nắm bắt kỹ thuật thì người nuôi cũng rất khó để theo nghề lâu dài.
Với mong muốn phát triển nghề, mở rộng thị trường tiêu thụ, năm 2018, chị Võ Thị Hòe cùng những thành viên trong tổ hợp tác Quyết Thắng đã mạnh dạn thành lập HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ ong Trường Xuân, thu hút hàng chục hộ nuôi ong tham gia, với khoảng 3 tấn mật/vụ.
Theo tính toán của chị Hòe, với giá thu mua tại nhà khoảng 300.000 đồng/kg, bình quân mỗi vụ nuôi ong, không ít hộ trên địa bàn xã Trường Xuân thu về khoảng 130-150 triệu đồng.
Để sản phẩm địa phương có điều kiện vươn xa, HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ ong Trường Xuân đã tiến hành thu gom mật ong của các hộ nuôi uy tín trên địa bàn xã, tiến hành đóng chai, gắn nhãn mác và tích cực tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm.
Nhờ sự chủ động, bền bỉ cùng sự hỗ trợ của huyện, năm 2020, mật ong Trường Xuân đã đạt chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Đây chính là bước đi cơ bản trong việc xây dựng thành công thương hiệu “mật ong Trường Xuân”. Đồng thời, cũng là cơ hội để sản phẩm mật ong Trường Xuân phát huy danh tiếng, tạo cơ sở và động lực thúc đẩy sản xuất, góp phần bảo đảm cho sự phát triển bền vững của nghề nuôi ong.
Nâng cao giá trị sản phẩm
Tương tự, Sơn Lộc là một xã miền núi khó khăn của huyện Bố Trạch, có nhiều đồng bào DTTS sinh sống như: Vân Kiều, Chứt, Tày. Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từ khi HTX sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh ra đời đã giúp hàng trăm lao động địa phương ổn định công việc và thu nhập.
![]() |
Khách hàng tham quan ở cơ sở sản xuất của HTX sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh. (Ảnh: Int) |
Ông Nguyễn Quốc Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết: HTX thực hiện dự án phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu giữa HTX với các hộ dân, tổ hợp tác trồng nấm trong tỉnh. Qua đó, tạo việc làm cho hơn 360 lao động ở các địa phương, trong đó có người DTTS với mức thu nhập bình quân mỗi lao động gần 5 triệu đồng/tháng.
Hiện nay, ngoài sản phẩm chế biến từ các loại nấm như nấm mộc nhĩ khô, nấm sò khô, nấm hoàng đế, rượu nấm linh chi, HTX đã sản xuất trà xanh linh chi, trà cà gai leo linh chi. Ông Hương cho biết: “Từ năm 2019 đến nay, HTX có 8 sản phẩm đạt 3 sao và 1 sản phẩm đạt 4 sao OCOP cấp tỉnh. Từ khi các sản phẩm được công nhận OCOP, nhất là OCOP 4 sao, HTX có nhiều thuận lợi để tiếp cận các thị trường trong và ngoài nước... Sắp tới, HTX ấp ủ nhiều dự định để nâng cấp sao cho sản phẩm trà nấm linh chi Tuấn Linh, hướng tới các tiêu chuẩn cao hơn”.
Hiện nay, HTX đã ký hợp đồng liên kết tiêu thụ nấm thương phẩm và sản phẩm chế biến từ nấm với Co.opmart ở một số tỉnh miền Trung, các cửa hàng nông sản trong và ngoài tỉnh Quảng Bình. Sản phẩm trà xanh linh chi của HTX đã xuất khẩu sang Thái Lan và Nga…
Có thể thấy, những năm qua, nhiều mô hình HTX kiểu mới được thành lập ở những địa phương có số lượng người DTTS sinh sống lớn ở tỉnh Quảng Bình hoạt động có hiệu quả, phát huy tốt những lợi thế của địa phương.
Trong năm 2020, huyện Bố Trạch có 13 HTX mới đăng ký thành lập. Tính đến nay, toàn huyện có 39 HTX, 7 Quỹ tín dụng nhân dân chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012; duy trì và củng cố 136 tổ hợp tác và có 93 trang trại đạt cả hai tiêu chí về quy mô sản xuất và giá trị hàng hoá.
Các thành phần kinh tế tập thể trên toàn huyện có bước phát triển, tiếp tục phát huy vai trò, vị trí của kinh tế hợp tác trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Nhiều mô hình tổ hợp tác, HTX, kinh tế trang trại, liên kết hộ trong sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hoạt động có hiệu quả, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn.
Nhờ đó, toàn huyện đã giải quyết việc làm mới cho 3.175 lao động; nâng mức thu nhập bình quân đầu người từ 43,6 triệu đồng/người/năm 2019 lên 48,1 triệu đồng/người/năm 2020.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, quy mô doanh nghiệp của huyện còn nhỏ, năng lực tài chính và sức cạnh tranh thấp, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh chưa cao; kinh tế HTX và tổ hợp tác chưa phát huy được vai trò và vị trí.
Thời gian tới, Bố Trạch tiếp tục chú trọng củng cố, phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các loại hình kinh tế hợp tác; hỗ trợ thành lập mới, đào tạo bồi dưỡng, xúc tiến thương mại,... để từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế hợp tác, góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Hoàng Hà
Bài cuối: Tạo đột phá cho HTX miền núi