Phúc Trạch là một xã miền núi phía Tây huyện Bố Trạch, tổng dân số trên 2.830 hộ, xấp xỉ 12.000 nhân khẩu, được phân bổ ở 12 thôn, trong đó có hơn 95% đồng bào theo đạo Công giáo, tham gia sinh hoạt tại 2 giáo xứ và 6 giáo họ, có 3 linh mục quản 2 xứ và 1 họ đạo.
Sức lan tỏa mạnh mẽ
Trước năm 2015, đời sống kinh tế của đại bộ phận nhân dân trên địa bàn xã Phúc Trạch còn rất bấp bênh, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 35,16%, 9/12 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Để khắc phục khó khăn, nâng cao đời sống của người dân, xã Phúc Trạch đã được chọn làm điểm để thực hiện kế hoạch củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng mô hình “Xứ, họ đạo bình yên, gia đình hòa thuận” trên địa bàn huyện Bố Trạch.
Các mô hình tự quản như "xứ, họ đạo bình yên", "sống tốt đời đẹp đạo"... đang lan tỏa mạnh ở Bố Trạch. |
Nhờ sự đồng hành của địa phương, sự hưởng ứng tích cực của người dân, các kế hoạch nhanh chóng tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, đem lại những kết quả vô cùng ấn tượng, trong đó có sự chuyển biến rõ nét về công tác tôn giáo nói chung, công tác vận động, phát huy vai trò của chức sắc, chức việc, giáo dân nói riêng.
Cụ thể, đa số chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo của xã phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua xây dựng kinh tế, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa phương.
Hoạt động của các xứ, họ đạo, chức sắc, chức việc, tín đồ cơ bản thuần túy tôn giáo, tuân thủ pháp luật, mối quan hệ giữa giáo xứ, giáo họ trên địa bàn xã với chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể cũng ngày càng cởi mở, gắn bó hơn.
Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại xã Phúc Trạch đã có sự lan tỏa sâu rộng đến toàn thể người dân. Đến nay, phong trào đã phát triển đến 12/12 khu dân cư trong xã.
Đặc biệt các hộ dân trong toàn xã đã ký cam kết thực hiện xây dựng gia đình ấm no, hòa thuận, bình đẳng, không có bạo lực gia đình, chấp hành kỷ cương, pháp luật, “sống tốt đời, đẹp đạo”, góp phần xây dựng xã Phúc Trạch ngày càng đổi mới.
Ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, cho biết những năm qua, cùng với quá trình thực hiện hiệu quả chính sách tôn giáo, huyện đã phối hợp cùng địa phương triển khai hỗ trợ người dân về nhiều mặt như giống cây trồng, vật nuôi, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, nuôi cá lồng trên sông...
Chi bộ, lãnh đạo thôn, Ban công tác Mặt trận, các tổ chức đoàn thể cùng với toàn thể nhân dân trong huyện đã nỗ lực, hưởng ứng, tích cực tham gia các phong trào thi đua để phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Trong đó, mô hình “Xứ, họ đạo bình yên, gia đình hòa thuận” ở Phúc Trạch là để hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.
Tạo chuyển biến sâu rộng
Từ xã điểm Phúc Trạch với mô hình “Xứ, họ đạo bình yên, gia đình hòa thuận” đến nay đã được nhân rộng ra ở tất cả các địa phương vùng giáo trong toàn huyện, với các hành động thiết thực như tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn, bảo vệ môi trường, làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông.
Hiệu quả của mô hình tự quản góp phần tăng tinh thần đoàn kết, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. |
“Việc triển khai mô hình nhằm động viên, khuyến khích, hướng dẫn đồng bào công giáo tham gia các chương trình xã hội, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, đồng thời nâng cao tinh thần yêu nước, phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống, các phong tục lành mạnh ở địa phương”, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Hồng cho hay.
Không chỉ có mô hình “Xứ, họ đạo bình yên, gia đình hòa thuận”, huyện Bố Trạch cũng đang triển khai rất thành công mô hình “Giao lưu kết nghĩa, trao đổi kinh nghiệm, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau giữa các khu dân cư".
Điền hình, thôn Thanh Bình 3, xã Hưng Trạch, hiện có 90 hộ, với 475 khẩu, trong đó 100% bà con theo đạo thiên Chúa. Cuộc sống của bà con nơi đây đã bao đời sống phụ thuộc vào rừng, nay rừng bị cạn kiệt, thiên tai, hạn hán thường xuyên xảy ra, cuộc sống của đồng bào còn khó khăn.
Trước tình hình đó, huyện đã tạo điều kiện để hai khu dân cư thôn Thanh Bình 3 và khu dân cư thôn Nội Hải, xã Phú Hải, tổ chức buổi giao lưu kết nghĩa, trao đổi kinh nghiệm, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau.
Sau khi kết nghĩa, người dân Nội Hải đã mang đến những món quà quý, thiết thực như một số tủ, bàn, và đồ trang trí khánh tiết trong nhà văn hóa… tặng quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và các cháu có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi.
Bên cạnh đó, lãnh đạo và người dân Nội Hải đã mang tinh thần, tình cảm, ý nghĩa của buổi giao lưu kết nghĩa lên website của thôn để kêu gọi, động viên con em công tác và làm ăn ở xa quyên góp, ủng hộ, động viên người dân thôn Thanh Bình 3 vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng.
Kết quả, sau hơn 4 năm triển khai kết nghĩa (từ năm 2017), kinh tế - xã hội thôn Thanh Bình 3 tăng trưởng khá, toàn thôn chỉ còn 3 hộ nghèo, hộ giàu tiếp tục tăng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, bộ mặt thôn ngày càng khởi sắc, bà con giáo dân yên tâm giữ Đạo và chu toàn nghĩa vụ công dân.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, ông Nguyễn Hữu Hồng khẳng định: “Các hoạt động sau giao lưu kết nghĩa trên địa bàn huyện đã và đang thực sự đi vào cuộc sống, trở thành cầu nối, khơi dậy tinh thần cộng đồng, trách nhiệm, sự chung tay của nhân dân, các tổ chức đoàn thể, góp phần cải thiện đời sống, thay đổi diện mạo ở các khu dân cư”.
Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai sâu rộng các mô hình tự quản như “ Xứ, họ đạo bình yên, gia đình hòa thuận”, “Sống tốt đời, đẹp đạo”, “Giao lưu kết nghĩa, trao đổi kinh nghiệm, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau giữa các khu dân cư"… từ đó phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng kinh tế, xã hội, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân.
Bài cuối: Lan tỏa các 'điểm sáng' kinh tế hợp tác
Lệ Chi