Theo UBND huyện Bố Trạch, hiện có khoảng 28.257 người dân theo đạo thiên Chúa, tham gia sinh hoạt tại 8 giáo xứ và 21 giáo họ. Từ việc tổ chức thực hiện hiệu quả nhiều chương trình, đề án quan trọng, tình hình chính trị, kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào có đạo ngày càng ổn định và có bước phát triển vững chắc.
Các chương trình hỗ trợ kịp thời
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, cho biết trong thời gian qua, huyện luôn xác định công tác tôn giáo là một trong những nhiệm vụ cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong việc ổn định an ninh trật tự, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Chính sách dân tộc, tôn giáo là nhiệm vụ hàng đầu ở Bố Trạch trong phát triển kinh tế, xã hội. |
Cụ thể, với đặc điểm đa số các xã có đồng bào theo đạo đều thuộc vùng sâu, vùng xa, miền núi khó khăn, những năm qua việc phát triển kinh tế - xã hội tại các địa bàn vùng công giáo luôn được cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện Bố Trạch quan tâm lãnh đạo, hướng dẫn thực hiện.
Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, huyện Bố Trạch đã tập trung chỉ đạo lồng ghép hiệu quả nhiều chương trình, dự án phù hợp với từng địa phương và được đông đảo bà con giáo dân tích cực tham gia hưởng ứng.
Thông qua việc chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, huyện đã hướng dẫn các địa phương thực hiện các đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, chủ động tham gia vào các HTX, tổ hợp tác để nâng cao nội lực, mở rộng các loại hình dịch vụ, phát triển mô hình đánh bắt cá xa bờ của ngư dân, hỗ trợ xuất khẩu lao động.
Kết quả, trên địa bàn huyện đã xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình đồng bào công giáo sản xuất giỏi, điển hình như mô hình trồng cao su tiểu điền của 140 hộ gia đình giáo dân ở giáo xứ Sen Bàng (xã Hòa Trạch), mô hình nuôi cá lồng trên sông Son của HTX thủy sản Sông Son cùng giáo dân các xã Sơn Trạch, Hưng Trạch và Liên Trạch, mang lại thu nhập hàng tỷ đồng/năm...
Ngoài ra, thực hiện Dự án 327 và 661 về phủ xanh đất trống đồi núi trọc, hàng trăm hộ giáo dân tại các xã Liên Trạch, Lâm Trạch, Phúc Trạch... đã tham gia trồng rừng với tổng diện tích trên 930 ha, mang lại nguồn thu nhập đáng kể, giúp nhiều hộ gia đình giáo dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ.
Song song với với việc quan tâm phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng được huyện Bố Trạch tập trung chỉ đạo khá đồng bộ. Đến nay, 8/8 xã vùng giáo đạt chuẩn quốc gia về y tế. Nhiều trường học đóng trên địa bàn xã vùng giáo đã đạt chuẩn Quốc gia.
Huyện cũng đang thực hiện hiệu quả các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, sống “Tốt đời, đẹp đạo”. Đồng bào giáo dân đã thực hiện tốt việc cưới, việc tang và lễ hội đúng quy định của pháp luật.
Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao nhân các ngày lễ, Tết của đồng bào giáo dân trên địa bàn huyện đều được tổ chức lành mạnh, sôi nổi. Việc xây dựng các công trình văn hóa, phúc lợi đều được bà con giáo dân tích cực hưởng ứng, đóng góp thiết thực bằng ngày công lao động, tiền bạc...
Duy trì tính ổn định, bền vững
“Các chương trình, dự án, đề án vùng đồng bào công giáo được cả hệ thống chính trị huyện tập trung triển khai đã dần thay đổi tư duy sản xuất, nhận thức về các hủ tục lạc hậu của người dân, qua đó tạo nên sự đổi mới căn bản, toàn diện, góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh, đẩy nhanh quá trình xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững”, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Các chính sách dân tộc, tôn giáo đi vào đời sống, nâng cao thu nhập cho người công giáo trên địa bàn huyện. |
Cụ thể, trong những năm qua, đời sống của nhân dân vùng có đạo trên địa bàn huyện Bố Trạch ngày càng ổn định, từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 49,4% năm 2003, xuống còn 15,6% tính đến đầu năm 2021.
Ngoài ra, thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, Mặt trận và các đoàn thể huyện đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác vận động, tập hợp quần chúng, xây dựng lực lượng chính trị trong vùng đồng bào có đạo.
Nhờ đó, tỷ lệ tập hợp đoàn viên, hội viên của các tổ chức trong những năm gần đây đều tăng. Đặc biệt, năm 2016, tỷ lệ tập hợp đoàn viên, hội viên của Hội Nông dân đạt 78%, Hội Phụ nữ 77%, Hội Cựu chiến binh 97%.
Đời sống của người có đạo ngày càng được nâng lên. Hàng năm, vào các dịp lễ, Tết, cấp uỷ, chính quyền địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào vùng giáo.
Trao đổi về các mục tiêu, giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ chăm lo cho đồng bào theo đạo, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Ngọc Tuấn cho hay: “Huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về vị trí, nhiệm vụ công tác dân tộc, công tác tôn giáo trong tình hình mới”.
Theo đó, huyện sẽ đẩy mạnh rà soát, kịp thời đề xuất bổ sung những chính sách, chương trình hỗ trợ, đầu tư hiệu quả đối với vùng đồng bào tôn giáo, phát huy vai trò của các HTX, tổ hợp tác trong việc liên kết, tạo điểm tựa cho người dân phấn đấu vươn lên thoát nghèo một cách bền vững, theo kịp với tiến trình đổi mới của tỉnh, đất nước.
Huyện cũng sẽ tập trung làm tốt công tác vận động quần chúng, tranh thủ đội ngũ già làng, chức sắc, đội ngũ cốt cán vùng có đạo để xây dựng khối đoàn kết toàn dân, chủ động phát hiện, ngăn chặn hiệu quả mọi âm mưu, thủ đoạn, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước, hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương…
Bài 2: Điểm nhấn từ các mô hình tự quản
Lệ Chi