Có truyền thống hơn 30 năm, tuy nhiên, nghề nuôi cá lồng trên sông ở xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch chỉ thực sự phát triển mạnh từ năm 2000, mang lại giá trị kinh tế cao cho đồng bào công giáo địa phương, khi Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới và hoạt động du lịch ngày càng khởi sắc.
Điểm sáng cá lồng trên sông
Là xã thuần nông, với phần lớn là đồng bào công giáo sinh sống, Sơn Trạch có địa thế đặc biệt để phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nghề nuôi cá lồng, với hai nhánh sông Chày và sông Son.
Nuôi cá lồng trên sông Son là một trong những mũi nhọn kinh tế, được đầu tư mạnh ở huyện Bố Trạch. |
Ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bố Trạch, cho biết Sơn Trạch đang có trên 300 hộ dân phát triển nghề nuôi cá, với xấp xỉ 450 lồng. Thời gian qua, đây là một trong những mũi kinh tế chủ lực, góp phần thúc đẩy xóa đói, giảm nghèo, mang lại sự sung túc cho người dân trên địa bàn xã.
Hiện, toàn xã có 7 thôn nuôi cá lồng, trong đó tập trung đông nhất ở các thôn Xuân Tiến, Trằm Mé, Xuân Sơn, Gia Tịnh, Na… với các giống cá truyền thống, được thị trường ưa chuộng, như cá mè, cá trắm cỏ, cá rô phi.
Đáng chú ý, không chỉ phát triển riêng lẻ, nhiều hộ nuôi cá lồng trên sông ở Sơn Trạch đã liên kết để thành lập các HTX, tổ hợp tác, nhằm nâng cao năng lực sản xuất, gia tăng sức cạnh tranh và đặc biệt là tranh thủ được sự quan tâm, hỗ trợ của địa phương.
Đơn cử, Tổ hợp tác nuôi cá lồng thôn Xuân Tiến, đang là một trong những đơn vị kinh tế điểm ở Sơn Trạch, với gần 20 hộ thành viên, 100% các hộ là người công giáo, triển khai trên 50 lồng cá.
Anh Trần Văn Kiên, thành viên Tổ hợp tác Xuân Tiến, chia sẻ mô hình nuôi cá lồng ở Xuân Tiến có truyền thống nhiều năm, đến nay phần lớn cư dân dọc sông Son đều có 1 - 2 lồng. Với diện tích khoảng 20 khối, mỗi lồng có thể nuôi trên 200 cá giống.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, thị trường tiêu thụ các loại cá lồng khá ổn định, giá bán đạt bình quân 80.000 – 100.000 đồng/kg. Đặc biệt, kể từ khi hoạt động du lịch ở Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng phát triển mạnh, thị trường tiêu thụ lại càng được mở rộng, thường xuyên “cháy hàng”, cung không đủ cầu.
“Với 2 lồng cá, bình quân mỗi vụ tôi thu hoạch khoảng 400 con, trọng lượng trung bình 6 – 7 kg/con, chủ yếu là cá trắm và rô phi. Với giá cả ổn định, mỗi năm 2 vụ (được nuôi gối đầu), tôi thu về trên 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí”, anh Kiên phấn khởi nói.
Cùng với việc nuôi cá trắm cỏ, rô phi, cá trôi, hiện tại, một số hộ dân ở xã Sơn Trạch đã đưa vào nuôi thử nghiệm cá chình, cá leo để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Không chỉ riêng Sơn Trạch, mô hình nuôi cá lồng phát triển mạnh tại hầu hết các địa phương ở ven dòng sông Son như Liên Trạch, Hưng Trạch, thị trấn Nông Trường Việt Trung và nhiều nhất tại thị trấn Phong Nha, với tổng số hơn 1.200 lồng nuôi ở thời điểm hiện tại.
Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt dự án chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cá lồng, huyện Bố Trạch đang chỉ đạo các phòng, ban có liên quan hỗ trợ người dân đẩy mạnh phát triển chuỗi cá trắm, đồng thời xây dựng thương hiệu cá trắm sông Son gắn với phát triển du lịch. Kết nối tour - tuyến nhằm khai thác có hiệu quả nhất tài nguyên du lịch tại chỗ trong tổng thể tài nguyên du lịch của tỉnh.
Thi đua phát triển kinh tế
Bên cạnh mô hình “điểm sáng” nuôi cá lồng, huyện Bố Trạch cũng đang hình thành nhiều mô hình đồng bào công giáo sản xuất giỏi, mang lại hiệu quả vượt trội. Điển hình như mô hình trồng cao su tiểu điền của 140 hộ gia đình giáo dân ở giáo xứ Sen Bàng (xã Hòa Trạch).
Giáo dân ở Bố Trạch cũng đang triển khai hiệu quả mô hình trồng rừng, với cây cao su chủ lực. |
Gây ấn tượng mạnh nhất phải kể đến khu trang trại tổng hợp của gia đình ông Dương Văn Thế, Chủ tịch Hội đồng mục vụ giáo xứ Sen Bàng, với quy mô khoảng 10 ha vừa trồng cao su kết hợp với nuôi lợn bản, vịt trời và đào ao nuôi cá.
Sản xuất ổn định, gia đình ông Thế đạt doanh thu bình quân 500 - 600 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm với mức lương ổn định 3-5 triệu đồng/người/tháng cho hàng chục lao động là người công giáo tại địa phương.
Cùng với thành công của gia đình, ông Dương Văn Thế luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất giúp bà con phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, với vai trò Chủ tịch Hội đồng mục vụ giáo xứ, ông luôn nêu cao tinh thần, tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào giáo - lương đoàn kết, thực hiện tốt các nội dung mô hình “Xứ, họ đạo bình yên, gia đình hòa thuận”, chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới.
Tương tự, cũng có thể kể đến mô hình trồng nấm đang được triển khai rất thành công trong vùng đồng bào công giáo ở Bố Trạch từ năm 2020. Cụ thể, hơn một năm qua, huyện tổ chức hỗ trợ mô hình cho 20 hộ thành viên, thuộc 2 tổ hợp tác thôn Bồng Lai 2 (xã Hưng Trạch) và thôn Trằm Mé (Thị trấn Phong Nha).
Trước khi nhận hỗ trợ mô hình trồng nấm, các thành viên trong 2 tổ hợp tác đã được huyện phối hợp với HTX sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh tập huấn kỹ thuật, tổ chức ký kết hợp đồng trách nhiệm giữa các bên có liên quan, gồm các thành viên tổ hợp tác, UBND xã, Uỷ ban Mặt trận xã.
Hiệu quả của mô hình trồng nấm đang góp phần giúp các hộ nghèo vùng đồng bào công giáo ở 2 thôn có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững.
Có thể thấy, các các chính sách phát triển mô hình kinh tế điểm trong vùng đồng bào công giáo huyện Bố Trạch đang cho thấy hiệu quả cao. Trong thời gian tới, để tiếp tục nhân rộng, huyện sẽ tích cực động viên đồng bào công giáo cùng toàn dân đẩy mạnh lao động sản xuất, vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống.
Huyện cũng sẽ chủ động thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, hưởng ứng các cuộc vận động, trong đó tập trung thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh sống tốt đời đẹp đạo”, gắn với phong trào nhân đạo, từ thiện khác... từ đó gắn kết trách nhiệm giữa đạo và đời, đồng hành cùng dân tộc trên mọi lĩnh vực của đời sống.
Lệ Chi