Hồng Ca (Trấn Yên, Yên Bái) vốn là xã đặc biệt khó khăn với hơn 90% số dân là đồng bào Tày, Mông sinh sống. Nhờ những chính sách hỗ trợ hiệu quả, sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, đến nay cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã khấm khá, cơ sở hạ tầng của địa phương ngày càng khang trang.
Bản người Mông nỗ lực thoát nghèo
Trước đây, thôn Khuôn Bổ (Hồng Ca, Trấn Yên) rất khó khăn, nhưng nay đã có sự thay đổi kỳ diệu và trở thành "hình mẫu" xây dựng nông thôn mới (NTM) của cả nước. Những năm gần đây, người Mông ở thôn Khuôn Bổ đã biết cải tạo vườn tạp, bố trí lại cơ cấu cây trồng để tăng thêm thu nhập. Nhiều hộ đã biết tận dụng những mảnh đất nhỏ tại vườn nhà để trồng rau, quả, phục vụ cho nhu cầu gia đình, bước đầu đã có sản phẩm bán ra thị trường để tăng thêm nguồn thu nhập.
![]() |
Đồng bào người Mông hăng say sản xuất, chuyển đổi cây trồng. |
Thôn Khuôn Bổ thành lập năm 2000, gồm 25 hộ dân từ thôn Khe Lóng, xã Mỏ Vàng và thôn Hồng Lâu trong xã Hồng Ca chuyển đến. Đến nay, Khuôn Bổ đã có 80 hộ dân với 387 nhân khẩu. Ông Sổng A Dũng, Trưởng thôn Khôn Bổ, chia sẻ: "Cuộc sống hôm nay của bà con thôn mình đang khởi sắc”.
Thôn Khuôn Bổ cách trung tâm xã Hồng Ca 3,5km, cách đây vài năm về trước không thể đi ô tô vào được, đường xá đi lại khó khăn. Nhờ NTM người dân có đường bê tông để đi, ai cũng thấy phấn khởi”.
Theo ông Phạm Xuân Toàn, Bí thư xã Hồng Ca: “Xã Hồng Ca có 13 thôn, trong đó có 6 thôn đặc biệt khó khăn. Để đưa xã Hồng Ca về đích NTM, chúng tôi xác định phải xây dựng NTM từ các thôn, càng những thôn khó khăn càng cần phải làm trước. Đối với vùng cao xã chọn thôn Khuôn Bổ”, ông Phạm Xuân Toàn chia sẻ.
Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thôn Khuôn Bổ gặp rất nhiều khó khăn bởi trình độ dân trí, nhận thức còn thấp; việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế nên khó khăn trong phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Chị Cháng Thị Nhà, Bí thư chi bộ thôn Khuôn Bổ cho hay: Trong quá trình xây dựng NTM tại thôn, bản thân tôi phải gương mẫu làm trước, sau đó vận động người dân làm theo. Hàng ngày, phải đến từng hộ vận động người dân, cầm tay chỉ việc. Giờ mọi người trong thôn ai cũng biết làm kinh tế, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng măng, trồng quế, chăn nuôi... để nâng cao thu nhập cho gia đình.
Nhờ đó mà diện mạo nông thôn của Khuôn Bổ khởi sắc từng ngày, đời sống vật chất của người dân được nâng lên, được biết từ năm 2018 thôn Khuôn Bổ hoàn thành các tiêu chí NTM.
Thay đổi cách thức sản xuất
Không chỉ thôn Khuôn Bổ, việc phát triển các mô hình nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng tăng cả về số lượng và chất lượng ở xã Hồng Ca. Hiện nay, toàn xã Hồng ca có 121 hộ đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi.
![]() |
Cuộc sống của người dân tộc thiểu số ở Hồng Ca ngày càng khấm khá. |
Đó là những người nông dân có tinh thần tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm không cam chịu đói nghèo, mạnh dạn đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chủ động xây dựng phương thức sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường. Tiêu biểu như mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ông Sổng A Dũng ở thôn Khuôn Bổ trồng được 5 ha cây quế, trồng các loại cây dược liệu dưới tán; trồng hơn 1,5 ha cây cam, 2,5 ha tre măng Bát độ và đào ao thả cá... mỗi năm cho thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng.
Ông Trần Nhật Tân, Bí thư huyện ủy Trấn Yên chia sẻ: Để xây dựng NTM ở vùng đặc biệt khó khăn ngoài nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế cho người dân vai trò người cán bộ vô cùng quan trọng. Để hoàn thành xây dựng NTM tại các xã khó khăn trên địa bàn huyện, trong đó có xã Hồng Ca, huyện đã cử ủy viên Ban thường vụ phụ trách từng xã, bám sát địa bàn với cách làm “đi từng nhà, gặp từng người”.
Huyện luôn xác định cán bộ đảng viên là nòng cốt và phải phát huy vai trò của già làng, trưởng bản để từ đó tích cực tuyên truyền, vận động người dân xây dựng NTM. Nhờ đó, đời sống của người dân xã Hồng Ca được nâng lên.
Xã Hồng Ca cũng đã quy hoạch và phát triển một số loại cây trồng, vật nuôi thành vùng sản xuất hàng hóa như: Vùng tre măng Bát Độ với diện tích trên 1.000 ha, vùng trồng quế với diện tích gần 2.000 ha, trồng dâu nuôi tằm với diện tích gần 10 ha, trồng cây ăn quả có múi trên 80 ha, vùng trồng cây nguyên liệu gỗ trên 1.000 ha.
Trong chăn nuôi đã chuyển đổi từ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa tập trung quy mô lớn, trong đó tập trung chăn nuôi đại gia súc như trâu, bò…. Song song với phát triển vùng nguyên liệu, xã tập trung chỉ đạo đổi mới tổ chức sản xuất, thành lập các HTX, Tổ hợp tác làm đầu mối liên kết giữa doanh nghiệp với các hộ nông dân theo chuỗi giá trị.
Với lợi thế diện tích rừng trồng cây nguyên liệu lớn, xã đã tạo điều kiện, khuyến khích các hộ đầu tư dây chuyền sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng nhằm tạo công văn việc làm và nâng cao giá trị sản phẩm gỗ rừng trồng trên địa bàn xã.
Thy Lê
Bài 2: Liên kết để đưa sản phẩm thế mạnh đi xa