Khai thác lợi thế của từng địa phương, hầu hết các xã của huyện Trấn Yên đã hình thành được những chuỗi giá trị bền vững.
Điểm sáng chuỗi dâu tằm
Tiêu biểu là mô hình HTX dâu tằm tơ Việt Thành (xã Việt Thành). Nằm trong dòng chảy phát triển thế mạnh về trồng dâu nuôi tằm của địa phương, HTX đứng ra cung ứng dịch vụ trồng dâu và mua bán giống cây dâu tằm, cung ứng dịch vụ chăn nuôi tằm và mua bán tằm giống, kén tằm. Cùng với đó, HTX thực hiện mua bán vật tư phục vụ ngành dâu tằm, máy móc, thiết bị nông, lâm nghiệp...
Không chỉ hoạt động trong xã Việt Thành, HTX còn mở rộng liên kết sang một số xã lân cận. Đến nay, HTX liên kết với Công ty Dâu tằm tơ Miền Bắc trong cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm. Với hướng đi cụ thể, HTX đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện, đồng thời thúc đẩy nghề trồng dâu nuôi tằm ở địa phương pháp triển theo hướng bền vững.
Là HTX dịch vụ tổng hợp, những năm gần đây, HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đào Thịnh (xã Đào Thịnh) đã mở rộng sang trồng dâu nuôi tằm. HTX đã thu hút được 60 thành viên phát triển 43 ha dâu. Cùng với áp dụng kỹ thuật nuôi tằm lên né ô vuông, HTX còn liên kết với công ty Dâu tằm tơ Miền Bắc đảm bảo cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm để nâng cao thu nhập cho thành viên và người dân.
![]() |
Trồng dâu nuôi tằm thúc đẩy nông thôn mới Trấn Yên |
Hiện, nghề trồng dâu nuôi tằm đang phát triển mạnh ở các xã Việt Thành, Báp Đáp, Tân Đồng, Đào Thịnh, Y Can, Quy Mông, Hòa Cuông, Hồng Ca. Tổng diện tích dâu toàn huyện là 760 ha. Giá trị thu nhập từ 1 ha trồng dâu và nuôi tằm trung bình đạt 220 - 250 triệu đồng/ha/ năm, cao gấp nhiều lần thu nhập từ các loại cây trồng truyền thống khác. Hiệu quả kinh tế thu được từ trồng dâu, nuôi tằm đã trực tiếp góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho nhiều hộ nông dân ở Trấn Yên.
Có được điều đó là nhờ, huyện chú trọng phát triển các tổ hợp tác, HTX nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương. Đến nay, huyện đã có 8 HTX và 80 tổ hợp tác được thành lập và hoạt động liên kết sản xuất trong nuôi tằm và tiêu thụ sản phẩm kén tằm, tạo việc làm và thu nhập cho khoảng 800 thành viên và hàng trăm nghìn hộ dân.
Các tổ hợp tác, HTX đã làm tốt vai trò liên kết với doanh nghiệp nhằm xây dựng và phát triển chuỗi dâu tằm tơ theo hướng bền vững. Hiện, sản phẩm của người dân được Công ty Cổ phần dâu tằm tơ Miền Bắc thu mua. Đơn vị này cũng xây dựng nhà máy ươm tơ, dệt lụa tại xã Báo Đáp với công suất 200 nghìn tấn tơ/năm nhằm nâng cao giá trị sản xuất cho người dân cũng như các tổ hợp tác, HTX.
Xây dựng NTM bền vững
Không chỉ phát triển trồng dâu nuôi tằm, các xã trong huyện đã tận dụng tốt các lợi thể để giúp người dân phát triển kinh tế hiệu quả. Tiêu biểu là huyện đã xây dựng được vùng măng tre Bát độ với sự dẫn dắt củaHTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành (xã Kiên Thành).
Với vai trò hạt nhân trong chuỗi giá trị sản phẩm măng tre Bát độ, Công ty Cổ phần Yên Thành ký hợp đồng với HTX, tiếp đó HTX ký kết trực tiếp với người trồng măng, đầu tư vật tư, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch đồng thời thu mua toàn bộ sản phẩm do nông dân sản xuất. Đến nay, HTX đã xây dựng được vùng nguyên liệu tre măng Bát độ với diện tích trên 300 ha và liên kết với 200 hộ dân trồng tre măng Bát độ. Việc này góp phần làm lợi cho bà con thành viên về cả giá trị sản phẩm và sản lượng thu hoạch, đưa cây măng tre Bát độ thành cây xóa đói giảm nghèo của huyện.
![]() |
Măng tre Bát độ hỗ trợ Kiên Thành xây dựng nông thôn mới |
Nhờ có HTX, diện tích măng tre Bát độ trên địa bàn xã Kiên Thành đã đạt trên 1.700 ha, mang về nguồn thu hàng chục tỷ đồng, giúp tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 11%. Đây cũng là tiền đề để Kiên Thành hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trong năm 2019.
Nhờ đẩy hỗ trợ người dân phát triển sản xuất kinh tế theo hướng hàng hóa, huyện đã hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa chủ lực đem lại nguồn thu nhập chính của nhân dân như: Vùng trồng dâu nuôi tằm 700 ha, vùng cây ăn quả 1.000 ha, vùng chè hơn 900 ha, vùng quế 16.000 ha, vùng măng tre Bát Độ 3.500 ha…
Xác định giai đoạn 2020-2025, xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, Trấn Yên xác định tiếp tục duy trì, củng cố và không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí xã, huyện NTM. Phấn đấu năm 2020 toàn huyện có 5-7 thôn đạt tiêu chí thôn NTM kiểu mẫu, có 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, có 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đến năm 2025 có 70% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 50% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, Trấn Yên tiếp tục huy động các nguồn lực để tạo điều kiện để phát triển các tổ hợp tác, HTX cũng như thành lập mới các tổ hợp tác, HTX.
Huyện phấn đấu mỗi năm phát triển thêm 1-2 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm làm cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương. Đồng thời phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng bền vững thông qua áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào chế biến sâu các sản phẩm công nghiệp giá trị gia tăng lớn nhằm tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Huyền Trang