15 năm về trước, Hưng Thịnh vẫn là một trong những địa phương còn rất nhiều khó khăn của huyện Trấn Yên. Nhưng đến nay, gần 70% hộ dân đã có nhà xây kiên cố, 27,7% số hộ có nhà bán kiên cố, không còn nhà dột nát. Đặc biệt, thôn Yên Thành đi đầu với 100% số hộ có nhà xây.
Điểm mạnh từ cây ăn quả
Phát huy thế mạnh địa phương về nông lâm nghiệp, những năm gần đây xã Hưng Thịnh đã đẩy mạnh phát triển diện tích cây ăn quả có múi. Xã vận động người dân chuyển đổi diện tích cây chè kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa cây ăn quả thành cây mũi nhọn có chất lượng cao của địa phương.
Đến nay, xã đã có hơn 200ha cây ăn quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Anh Hà Đình Giáp, thành viên HTX cây ăn quả Hưng Thịnh cho biết, gia đình anh có 2 ha bưởi da xanh và bưởi diễn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, anh đã thành công trong việc cho bưởi ra hoa trái vụ nên bán được giá cao hơn.
Trung bình 1kg bưởi có giá 50 nghìn đồng, tương đương với 84 nghìn đồng/quả, cao hơn gấp 2-3 lần so với bán bưởi chính vụ. Hiện với 2 ha bưởi, mỗi năm gia đình anh cầm chắc trong tay 200 triệu đồng, giúp kinh tế gia đình ngày càng vững chắc hơn.
![]() |
HTX Hưng Thịnh là mô hình kinh tế hoạt động hiệu qủa trên địa bàn xã |
HTX Hưng Thịnh hiện có 13 thành viên sản xuất trên diện tích 30ha. Các thành viên trong HTX liên kết chặt chẽ với nhau từ việc lựa chọn giống cây đưa vào trồng và áp dụng tiêu chuẩn an toàn VietGAP nhằm nâng cao chất lượng. HTX có đầu ra ổn định tại thị trường Hà Nội, Hải Phòng…
Không chỉ HTX Hưng Thịnh, hiện xã đã xây dựng được 9 tổ hợp tác trồng các loại cây ăn quả có múi (cam sành, cam đường canh, bưởi Diễn, chanh đào, chanh tứ thời...). Từ khi người dân chuyển đổi sang trồng các cây ăn quả, hiệu quả sản xuất của xã nâng lên rõ rệt, đời sống nhân dân thay đổi từng ngày. Nhà ít thì một năm cũng lãi vài chục triệu đồng, nhà nhiều thì lãi hàng trăm triệu đồng và một số hộ có thu nhập khoảng 1 tỷ đồng từ cây ăn quả mỗi năm.
Theo đánh giá của UBND xã, đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 4,16%. Diện mạo nông thôn với hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan ngày càng được cải thiện rõ rệt.
Chung sức xây dựng NTM
Người dân Hưng Thịnh không chỉ tích cực lao động sản xuất nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững mà họ còn xây dựng đường mẫu, vườn mẫu, cùng địa phương xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng đường, bê tông hóa đường giao thông nông thôn... lan tỏa tính tích cực đến từng thôn xóm, đến hộ gia đình, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Vì lợi ích chung, không hiếm hộ dân đã tự nguyện góp công, góp của quyết tâm xây dựng các công trình phúc lợi khang trang. Theo UBND xã, ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, người dân đã ủng hộ gần 60 triệu đồng, 1,4 ha đất, trên 1.500 ngày công lao động để cứng hóa đường, xây dựng nhà văn hóa, vệ sinh môi trường, đường làng ngõ xóm.
![]() |
Cuộc sống đổi thay nhờ sự chung tay của người dân |
Từ năm 2011 đến nay, giao thông trên địa bàn xã không ngừng được cải thiện, tỷ lệ cứng hóa năm sau cao hơn năm trước, một số tuyến được mở mới, một số tuyến được mở rộng mặt đường, hành lang nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tình hình an ninh trật tự đảm bảo, văn hóa được nâng cao, không có trẻ em trong độ tuổi bỏ học. Đời sống dần nâng cao, nhận thức của người dân cũng thay đổi tích cực, thể hiện ở sự nhiệt tình, trách nhiệm đóng góp xây dựng nông thôn mới. Chuyển biến rõ nét nhất trong cuộc sống của người dân là không còn hộ nào chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới gầm nhà sàn như trước.
Để các thôn, bản ngày càng phát triển toàn diện, theo kịp sự phát triển chung, huyện Hưng Thịnh tiếp tục quan tâm, vận động bà con chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh phát triển sản xuất… để ổn định, nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đây cũng là điều kiện để xã nâng cao các tiêu chí nông thôn mới và đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị bền vững.
Huyền Trang