Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gần 10 năm qua, huyện Yên Sơn đã từng bước hình thành nhiều vùng chuyên canh cây ăn quả, qua đó nâng cao thu nhập, giá trị kinh tế cho nông dân, nâng tầm thương hiệu cây ăn quả tại địa phương.
Chú trọng sản xuất sạch
Tứ Quận đang là một trong những xã có diện tích cây ăn quả lớn nhất huyện Yên Sơn. Sau hơn 3 năm phát triển, các loại cây ăn quả gần như đã phủ kín những khu đất trống và đất nương bạc màu của một số thôn, bản.
Cây ăn quả cho hiệu quả cao ở Yên Sơn nhờ những đổi mới trong sản xuất. (Ảnh TL). |
Theo thống kê, toàn xã hiện có xấp xỉ 50 ha trồng cây ăn quả, trong đó trên 60% được triển khai theo quy trình VietGAP, thân thiện môi trường. Cây ăn quả trở thành cây trồng chủ lực trên địa bàn xã.
Đáng chú ý, để nâng cao hiệu quả sản xuất, xã đã hỗ trợ thành lập các HTX, tổ hợp tác để liên kết, dẫn dắt các hộ canh tác theo hướng hàng hóa, hình thành chuỗi giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Ông Trần Văn Cường, thành viên tổ hợp tác nông nghiệp xã Tứ Quận, một trong những người tiên phong trồng cam tại địa phương chia sẻ, trước đây, gia đình ông chủ yếu trồng ngô và sắn nên vừa vất vả mà thu nhập lại thấp.
Khi được tổ hợp tác vận động và hỗ trợ sản xuất theo hướng hàng hóa, gia đình ông đã đầu tư gần 100 triệu lắp đặt hệ thống tưới tự động, xây dựng hàng rào, hệ thống thoát nước… để triển khai mô hình trồng cam sạch.
Tham gia vào THT, gia đình ông được tập huấn quy trình sản xuất VietGAP, loại bỏ hoàn toàn các loại phân bón, thuốc trừ sâu hóa học độc hại, ưu tiên sử dụng phân hữu cơ, hợp chất vi sinh, thân thiện môi trường... Nhờ sản xuất sạch, hiệu quả sản xuất của gia đình ngày càng tăng, mang lại nguồn lợi kinh tế rõ rệt.
Tương tự, HTX nông lâm nghiệp Xuân Vân, xã Xuân Vân cũng đang là đơn vị điển hình trong lĩnh vực trồng cây ăn quả huyện Phù Yên, với mô hình trồng bưởi VietGAP.
Ông Phạm Trung Văn, Giám đốc HTX Xuân Vân cho biết, bưởi Xuân Vân đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể cho HTX. Để có được thành công này, thành viên HTX đã áp dụng quy trình sản xuất sạch, thân thiện môi trường.
"Trong quá trình sản xuất, thành viên HTX luôn áp dụng nguyên tắc “4 đúng” trong việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, gồm: đúng loại, đúng liều, đúng thời gian và đúng cách", ông Văn nói.
Hình thành chuỗi giá trị
Hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác, cùng sự đồng hành của địa phương đang giúp các mô hình trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện Yên Sơn phát triển ổn định, liên tục mở rộng cả về quy mô và giá trị.
Dù đã có những thành công bước đầu, nhưng vẫn cần thêm động lực để phát triển chuỗi giá trị, hình thành thương hiệu trái cây Yên Sơn. (Ảnh TL). |
Thống kê cho thấy toàn huyện đang có trên 1.000 ha diện tích trồng cây ăn quả, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng cây ăn quả đạt trên 150 triệu đồng/năm.
Nhiều vùng trồng cây ăn quả quy mô lớn của huyện đang phát triển theo hướng liên kết, với sự tham gia của các HTX, tổ hợp tác, đã thu hút được các doanh nghiệp đầu tư để hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.
Việc liên kết trong chuỗi giá trị giúp các hộ trồng cây có thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán cao, song đổi lại sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất VietGAP, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao hơn.
Theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện Yên Sơn, trong thời gian tới, huyện sẽ chủ động xây dựng sản phẩm trái cây của địa phương theo tiêu chuẩn VietGAP, thân thiện môi trường, giúp bà con nông dân có bao bì nhãn mác, nhãn hiệu sản phẩm.
Huyện cũng khuyến khích các hộ dân sản xuất cây ăn quả theo mô hình trang trại hoặc các hộ gia đình góp đất, vốn, thành lập nhóm hộ, HTX và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo sản phẩm hàng hóa tập trung nhằm xoá bỏ lối làm ăn manh mún, góp phần hình thành các chuỗi giá trị.
Nhật Minh