Là một trong những doanh nghiệp (DN) XK trái cây hàng đầu của Việt Nam, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Vina T&T Group cho biết, trong 3 tháng đầu năm nay, cứ mỗi tuần công ty lại xuất khoảng 35 tấn xoài.
Tăng năng lực cho trái xoài
Cách đây 2 năm, công ty của ông Tùng đã có hợp đồng đầu tiên XK xoài sang thị trường Mỹ và hoạt động này đến nay đang khá tốt. Việc XK xoài vào các thị trường khác cũng vậy khi công ty biết tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA), cũng như áp dụng những công nghệ tiên tiến trong khâu bảo quản.
XK xoài của Việt Nam cần nâng cao năng lực để tăng tỷ trọng trong tổng kim ngạch XK trái cây. |
Trong quý I/2021, giá trị XK xoài của Việt Nam được ghi nhận có mức tăng trưởng 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù chỉ chiếm tỷ trọng 8% tổng kim ngạch XK trái cây nhưng sức tăng trưởng XK khá cao của quả xoài trong vài năm gần đây là rất đáng chú ý để tiếp tục cải thiện kim ngạch, nhất là khi nhìn vào tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng xoài trên thế giới vào năm 2020 đã đạt khoảng 12,3 tỷ USD.
Hồi năm ngoái, kim ngạch XK xoài của Việt Nam đạt hơn 180 triệu USD. Trong đó, riêng Trung Quốc chiếm gần 84% tổng kim ngạch, tiếp đến là các thị trường Nga, Mỹ, Hàn Quốc, EU, Australia, Nhật Bản…
Thông tin đưa ra từ Hội thảo “Nâng cao năng lực về XK xoài của Việt Nam” do Bộ NN&PTNT tổ chức tại Đồng Tháp ngày 12/4 cho thấy, mục tiêu cho trái xoài là đến năm 2030, cả nước đạt sản lượng 1,5 triệu tấn, có thể đạt kim ngạch 650 triệu USD. Và hơn thế nữa, sẽ cần có trên 70% cơ sở chế biến bảo quản XK đạt trình độ và công nghệ tiên tiến…
Để đạt được mục tiêu này còn nhiều việc phải làm. Đặc biệt là hiện nay, cả nước có khoảng 87.000ha xoài, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 48% diện tích, là yếu tố rất tốt để nâng chất lượng, đảm bảo các tiêu chuẩn phục vụ XK.
Theo chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Phước Tuyên, việc cải tiến chuỗi giá trị ngành hàng xoài ở Đồng Tháp là rất cần thiết. Bên cạnh đó, việc phát triển nhanh diện tích, sản lượng xoài cần đi đôi với xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm XK.
Để XK xoài sang các nước "khó tính" như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, ông Tuyên nhấn mạnh đến yếu tố xây dựng mã vùng trồng để truy nguyên nguồn gốc.
Như tại Đồng Tháp có 977,6ha xoài được cấp mã vùng XK sang những thị trường "khó tính", và 4.228ha được cấp mã vùng xuất sang thị trường Trung Quốc…
Trong khâu tổ chức sản xuất và tiêu thụ, để sản xuất xoài theo chuỗi giá trị, tỉnh đã thành lập 8 HTX, 37 tổ hợp tác và 23 Hội quán nông dân trồng xoài, liên kết sản xuất và tiêu thụ xoài dài hạn 1.073ha với hơn 10 DN như: Công ty Long Uyên, Công ty Injae Corporation - Hàn Quốc, Công ty TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong, Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Việt Đức…
Nâng kim ngạch từ khâu chế biến
Ngoài xoài trái tươi loại 1 xuất sang thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Trung Quốc, New Zealand…., một số công ty còn thu mua xoài loại 2 chế biến dạng gọt đông lạnh (Công ty Long Uyên) và loại 3 để sấy dẻo (Công ty Việt Đức). Như vậy, nếu sắp xếp liên kết tốt, nhà vườn đều bán được tất cả các loại xoài thu hoạch cho các công ty thu mua.
Chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Phước Tuyên cũng cho rằng, việc trồng xoài rải vụ đã khắc phục được tình trạng rớt giá do sản lượng tập trung vào một thời điểm, giúp nhà vườn thu nhập cao hơn.
Mặt khác, việc rải vụ xoài kết hợp với quy trình sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất GAP được chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP) góp phần ổn định giá bán và nâng cao chất lượng sản phẩm khi XK.
Cùng với sức tăng trưởng cao của XK xoài như hiện nay, cũng cần phải nhìn nhận XK trái cây trong quý I/2021 đã có mức tăng đáng kể, đạt 944 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Để lấy lại vị thế XK trái cây sau giai đoạn sụt giảm như năm 2020 vừa qua, trao đổi với VnBusiness, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhấn mạnh, việc nâng cao năng lực là điều cực kỳ quan trọng trong lúc này.
Đặc biệt là ở khâu chế biến. Theo ông Nguyên, năm vừa rồi, kim ngạch XK trái cây chế biến đã tăng gấp đôi so với những năm trước khi xảy ra dịch Covid-19, trong khi việc XK những mặt hàng trái cây tươi lại sụt giảm.
Điều này được lý giải do dịch Covid-19, nên vấn đề bảo quản trái cây là rất quan trọng. Với trái cây tươi thì khó bảo quản để đi xa được theo đường biển, trong lúc xuất theo đường hàng không vừa đắt đỏ vừa gián đoạn.
Vì thế, chính những mặt hàng trái cây chế biến lại có thể len lỏi đi xa, và khi đi xa được, bảo quản được thì việc tiêu thụ sẽ gia tăng. Cần nhấn mạnh, việc XK theo công nghệ chế biến trái cây ở Việt Nam hồi năm 2020 đã đạt khoảng 800 triệu USD, chiếm 25% tổng kim ngạch XK trái cây, trong khi trước đó chỉ đạt khoảng 10-15%.
“Năm nay, chúng tôi dự kiến XK trái cây dựa trên công nghệ chế biến sẽ tiếp tục tăng. Nhất là khi những mặt hàng trái cây tươi gặp khó khăn trong vấn đề tiêu thụ thì mặt hàng trái cây chế biến sẽ có cơ hội tăng cao, ít nhất là trên 30%”, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả chia sẻ.
Thế Vinh