HTX GÓP PHẦN XÓA NGHÈO TRONG VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ
Công ty cổ phần Yên Thành, TP Yên Bái là đơn vị chuyên thu mua, chế biến nông, lâm sản, gỗ rừng trồng, gỗ dán, măng tre bát độ của gần 20 HTX và hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái và huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La).
HTX là "cánh tay nối dài"
Kiên Thành là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Trấn Yên với hơn 80% là người dân tộc. Người dân nơi đây sống chủ yếu dựa vào kinh tế đồi rừng, hình thức canh tác quảng canh, trồng tràn lan các loại cây, mức độ rủi ro cao, hay bị sâu bệnh nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn.
Từ khi thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xã vùng cao thuộc diện khó khăn này có những bứt phá mới trong tận dụng diện tích quỹ đất để nâng cao thu nhập cho người dân.
Cùng góp phần vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp là HTX dịch vụ tổng hợp Kiên Thành. HTX triển khai 2 vùng sản xuất tập trung theo chuỗi liên kết mang lại giá trị kinh tế cao, đó là vùng tre Bát độ, vùng quế với tổng diện tích trên 3.400 ha.
Người dân tộc xã Kiên Thành bóc và phơi gỗ để bán cho Công ty Yên Thành. |
Ông Trần Ngọc Sử, Giám đốc HTX Kiên Thành chia sẻ, 2 loại cây trồng này đã cho thu trên 77 tỷ đồng/năm và thúc đẩy các mô hình kinh tế hợp tác, HTX, các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng phát triển và giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Sản phẩm măng tre đạt chất lượng, HTX Kiên Thành được Công ty cổ phần Yên Thành ký kết bao tiêu sản phẩm hàng năm. Nhờ vậy, đến nay, HTX đã thu gom tiêu thụ 90% sản lượng măng tre Bát độ của thành viên HTX và người dân, doanh thu đạt trên 16 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 30 lao động với mức lương 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ có HTX Kiên Thành, Công ty cổ phần Yên Thành còn ký kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm măng tre Bát độ của HTX măng tre Bát độ Mỹ Gia (Yên Bình), HTX dịch vụ tổng hợp Hồng Ca, HTX măng tre Hưng Khánh (Trấn Yên), HTX măng tre sạch Xuân Nha (Vân Hồ, Sơn La); thu mua gỗ của Tổ hợp tác Bảo Ái, HTX dịch vụ tổng hợp Mông Sơn, HTX Hoàng Nam (huyện Yên Bình) và hàng nghìn hộ liên kết với tổng sản lượng lên đến gần 10.000 tấn/măng và 4.000m3 gỗ dán mỗi năm.
Doanh nghiệp tin vào HTX
Ông Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần Yên Thành cho biết, phần lớn các sản phẩm mà doanh nghiệp bao tiêu là do người dân tộc sản xuất ra.
Theo đó, chỉ có ở những xã vùng III, xã 135 với dốc núi cao cheo leo như Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên (Yên Bái), Vân Hồ (Sơn La) thì mới có diện tích lớn để trồng măng. Và chỉ có những người dân tộc tại chỗ như Mông, Dao, Tày… vốn quen với cảnh trèo đèo lội suối, ăn núi ngủ rừng mới có thể kiên cường sản xuất, thu hái được các sản phẩm này.
Ông Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Yên Thành cho biết, phần lớn các sản phẩm mà doanh nghiệp bao tiêu là của các HTX và do người dân tộc sản xuất.
“Măng chủ yếu được trồng ở các xã vùng III để xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Đây cũng là những vùng còn đất và là xã có đến 80% là người dân tộc sinh sống như xã Hồng Ca, xã Kiên Thành”, ông Dũng thông tin.
Từ sản phẩm bao tiêu của các HTX, Công ty cổ phần Yên Thành đã tạo việc làm cho hơn 250 lao động để chế biến thành măng khô, măng muối để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc).
Đại diện công ty cũng cho rằng, nếu sản phẩm làm ra mà tiêu thụ ở mức nhỏ lẻ, nhất là các hộ cá thể, HTX ở vùng miền núi có đông lao động là người dân tộc thì sức vươn ra thị trường còn hạn chế, tài chính có hạn, quan hệ ít thì rất khó tiêu thụ.
Người lao động của Công ty cổ phần Yên Thành đang thu gom măng khô để sơ chế chuẩn bị xuất khẩu sang Nhật. |
Trong khi đó, doanh nghiệp là đơn vị có vốn, có công nghệ, có kỹ năng kinh doanh mà lại phối hợp tích cực với người dân, HTX thì rất hiệu quả.
“HTX như "cánh tay nối dài" của doanh nghiệp với nông dân. Bởi, người dân đầu tư thiếu bài bản, không khoa học, ít hiệu quả, chữ tín của hộ cá thể với doanh nghiệp chưa cao. Nhưng khi thông qua HTX làm đại diện, có tư cách pháp nhân thì doanh nghiệp có niềm tin và sẵn sàng đầu tư từ đầu và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao hiệu quả và dễ thu hồi vốn”, ông Dũng nhấn mạnh.
Theo ông Đỗ Nhân Đạo, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái, căn cứ Quyết định số 1804/QĐ-TTg, ngày 13/11/2020 của Chính phủ phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021 - 2025, các sở, ngành liên quan đang nghiên cứu để tham mưu cho lãnh đạo tỉnh ban hành Chính sách hỗ trợ phát triển HTX, tổ hợp tác giai đoạn 2021-2025 với những chính sách hỗ trợ phù hợp, tạo đà cho khu vực KTTT tỉnh tiếp tục phát triển, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại địa phương, đặc biệt là lao động nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Để triển khai nhiệm vụ này, Liên minh HTX tỉnh Yên Bái đã báo cáo với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái cho phép phối hợp với Sở Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại kêu gọi các doanh nghiệp chung tay hỗ trợ tiêu thụ nông sản, hàng hóa của người dân và các HTX trên địa bàn, qua đó để doanh nghiệp làm đầu kéo bao tiêu sản phẩm của các HTX sản xuất ra.
Cũng nhờ vậy, đến nay có hơn 40 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã ký kết hợp tác liên kết, bao tiêu sản phẩm cho các HTX và người dân trên địa bàn.
“Đây là tín hiệu rất đáng phấn khởi để KTTT, HTX tỉnh Yên Bái, nhất là các HTX trong vùng đồng bào dân tộc, có thành viên và người lao động là người dân tộc phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới”, ông Đạo chia sẻ.
Bài 6: Khẳng định rõ hơn vai trò của kinh tế hợp tác
Phạm Duy