PHÁT TRIỂN KINH TẾ HỢP TÁC XÃ TRONG VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC |
Các HTX thành lập và đi vào hoạt động tại những vùng có đồng bào dân tộc sinh sống đã tạo việc làm, ổn định thu nhập, giúp người dân không phải dời bỏ quê hương làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, nên hạn chế được tình trạng vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình, kéo giảm tỷ lệ ly hôn, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Đó là trao đổi hết sức thẳng thắn của chị Hoàng Thị Hải, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX nông sản an toàn Liên Minh, xã Liên Minh, huyện miền núi Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.
Xóm làng không yên ả
Xóm Ngọc Mỹ, xóm Khuôn Đã, xóm Kẹ, xóm Khuôn Nang, xóm Nác 1, 2 ,3 vốn là vùng quê yên bình của xã vùng cao 135 Liên Minh, với hơn 65% dân số là người Dao, Tày, Nùng sinh sống. Trước đây, người dân vốn quen với cuộc sống quây quần nơi núi rừng Việt Bắc thôn dã, không quen với việc kinh doanh, buôn bán và cũng chẳng đi làm ăn xa.
Những năm gần đây, kinh tế thị trường phát triển, nhiều khu, cụm công nghiệp được các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, thu hút số lượng lớn lao động vào làm công nhân với mức thu nhập ổn định. Nhiều người dân, nhất là phụ nữ trẻ, phụ nữ trong độ tuổi lao động được tiếp cận thông tin, đi làm trong các nhà máy, khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Các xóm, bản của xã Liên Minh đã từng bước đổi thay. |
Có việc làm ổn định, thu nhập cao hơn nhiều so với làm nông nghiệp, xã nghèo Liên Minh giờ đã có nhiều đổi thay. Những ngôi nhà sàn, nhà tranh tre vách nứa trước đây được thay bằng căn nhà kiên cố, bê tông hóa, tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm nhanh chóng.
Tuy nhiên, sự phát triển về kinh tế xã hội cũng đồng thuận với tỷ lệ nam, nữ vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình. Tỷ lệ cặp vợ chồng trẻ ly hôn cũng diễn ra phổ biến mà nhiều năm trước chưa hề xảy ra với người dân nơi đây.
Ông Nguyễn Hữu Trong, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Minh cho biết, câu chuyện vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình, ly thân, ly hôn ở địa phương những năm trước đây diễn ra khá phổ biến.
Dù chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng theo ông Trong, vài năm trước, một số thanh niên sau khi đi làm công nhân hoặc là ly thân, hoặc là ly hôn.
“Câu chuyện ly hôn của người đồng bào dân tộc địa phương có xảy ra vì việc làm của một trong hai người không ổn định, thu nhập khác biệt dẫn đến mâu thuẫn gia đình nảy sinh”, ông Trong nói.
Ông Nguyễn Hữu Trong, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Minh
HTX “mở cánh cửa” cho hạnh phúc gia đình
Là người từ địa phương khác đến lập nghiệp tại xóm Thâm, chị Hoàng Thị Hải nhận thấy rõ tiềm năng, thế mạnh từ đất đai và cây chè. Quá trình sinh sống, chị Hải cũng cảm nhận được sự chăm chỉ của người dân địa phương.
Tuy nhiên, việc ít áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăm sóc, thu hái, chế biến cộng với thị trường tiêu thụ tại chợ truyền thống nên không cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế như mong đợi, do đó đời sống của người dân còn khó khăn.
Chị Hoàng Thị Hải, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Liên Minh đang sao chè chuẩn bị cho mẻ xuất bán mới. |
Chị Hải trăn trở làm sao để góp phần giúp người dân có việc làm tại địa phương, ổn định thu nhập, hạn chế tình trạng mâu thuẫn gia đình dẫn đến ly hôn. Được sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên, đồng thời tích cực tìm hiểu Luật HTX năm 2012, đến năm 2018, chị tập hợp được15 phụ nữ mà gia đình có diện tích trồng chè, cùng nhau thành lập HTX.
Chị Hoàng Thị Hải, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Liên Minh
“Thái Nguyên là vùng đất có truyền thống trồng chè. Tuy nhiên, người dân vẫn canh tác manh mún, nhỏ lẻ, ít áp dụng phương pháp khoa học kỹ thuật nên chất lượng, hiệu quả kinh tế chưa như mong đợi. Do vậy, bản thân tôi có nguyện vọng thành lập HTX và tập hợp một số người dân để xây dựng chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị, ổn định thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt là để một bộ phận người dân gắn bó với gia đình, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương”, chị Hải nói.
Từ khát vọng đến quyết tâm và ý chí vươn lên, hiện HTX Liên Minh đã thu hút được 50 thành viên, diện tích hơn 41ha chè. Trong số thành viên có 2/3 là phụ nữ và 50% là người dân tộc.
Ngoài đầu tư lò sao sấy chè, từ những kiến thức được học, tập huấn của Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên, chị Hải đã hướng dẫn các thành viên sản xuất chè một cách khoa học theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.
Kể từ khi thành lập HTX, thu nhập của mỗi thành viên tăng lên đáng kể. HTX cũng tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương vào các mùa thu hoạch chè với thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Các thành viên tham gia HTX có thu nhập ổn định, kéo giảm tỷ lệ số thành viên nghèo và cận nghèo từ 2/3 năm 2018 xuống còn chưa đến 1/3 vào đầu năm 2021.
Chị Triệu Thị M., thành viên HTX Liên Minh cho biết, trước năm 2019, chị đi làm công nhân tại huyện Đông Anh (Hà Nội), do điều kiện làm việc nên mỗi tháng về nhà một lần. Vườn chè 8 sào đang trong thời kỳ thu hoạch nhưng bị bỏ bê nên năng suất kém, giá bán thấp, gia đình cũng đứng trước nguy cơ đổ vỡ.
Năm 2019, được sự vận động của HTX, chị đã trở về quê và tham gia vào làm thành viên, sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Được HTX hỗ trợ về khoa học kỹ thuật trong canh tác, thu hái nên trong 2 năm 2019-2020, gia đình chị thu gần 140 triệu đồng.
“Khi tham gia vào HTX, thu nhập của gia đình ổn định tại quê hương. Đặc biệt, chồng và con được quan tâm chăm sóc nên gia đình trở nên đầm ấm, hạnh phúc và gắn bó hơn”, chị M. phấn khởi nói.
Phó Chủ tịch UBND xã Liên Minh Nguyễn Hữu Trong cho biết thêm, xã Liên Minh có 9 xóm với 65% đồng bào dân tộc sinh sống. Về sản xuất, cây chủ lực của địa phương là chè với 386 ha, 270 ha lúa và hàng trăm ha rừng trồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo còn 15%, hộ cận nghèo còn 12% theo tiêu chí mới.
Thành viên và người lao động của HTX Liên Minh thu hoạch chè. |
“Cùng đồng hành với HTX, năm 2020, UBND xã đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện Võ Nhai, Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên tổ chức 4 lớp tập huấn, tham quan học tập về kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến chè cho hơn 100 người dân để giúp bà con nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống”, ông Trong cho biết.
Trên địa bàn xã có 2 HTX gồm HTX Đại Tiến và HTX Liên Minh. Hai đơn vị này tạo việc làm cho 150 hộ gia đình với thu nhập khá cao. Cùng với công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ của các cấp chính quyền, 2 HTX cũng góp phần kéo giảm tỷ lệ số vụ ly hôn trong 2 năm gần đây.
Phạm Duy
Bài 2: Giữ rừng nhờ HTX