PHÁT TRIỂN KINH TẾ HỢP TÁC XÃ TRONG VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC |
Sự vào cuộc đồng bộ này cho thấy chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, của Liên minh HTX về phát triển KTHT, HTX ở những vùng đồng bào dân tộc, vùng cao vốn còn nhiều khó khăn, trở ngại này.
Liên kết chuỗi - hướng đi cho các HTX vùng cao
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Võ Nhai cho biết, thế mạnh của địa phương là lâm sản; trồng trọt các loại cây như chè, bưởi, na, nhãn, ổi… với diện tích hàng nghìn ha mỗi loại.
Năm 2020, UBND huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân và các HTX về khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình liên kết, mô hình sản xuất sạch, an toàn và tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Theo đó, huyện Võ Nhai đã đầu tư nhiều chương trình, nội dung như: quy trình sản xuất VietGAP; tuyên truyền, tập huấn để bà con thay đổi hình thức canh tác truyền thống, chăm sóc bằng phân bón hóa học, sử dụng hóa chất sang sản xuất, chăm bón bằng hữu cơ, sinh học; quy trình về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm để bà con và các thành viên HTX nâng cao chất lượng sản phẩm.
Nhờ sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, sự nỗ lực vươn lên của các HTX, KTHT, HTX trên địa bàn huyện Võ Nhai ngày càng phát triển. |
Bên cạnh đó, huyện cũng tổ chức các lớp tập huấn, thăm quan các mô hình sản xuất có chất lượng, hiệu quả tại các tỉnh, thành phố khác để bà con sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, đang định hướng xây dựng các sản phẩm OCOP 3 sao của địa phương.
“Huyện Võ Nhai đã quy hoạch vùng sản xuất theo Đề án sản phẩm chủ lực của tỉnh để áp dụng việc ứng dụng công nghệ cao, quy hoạch trụ sở làm việc cho các HTX, 10 điểm thu gom, sơ chế, trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP. Để thực hiện tốt việc này, huyện cũng đã đầu tư xây dựng 10 mô hình sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị để các HTX có kế hoạch sản xuất và tiêu thụ”, ông Tuấn thông tin.
Được biết, trước đây sản xuất nông nghiệp của người dân, HTX tại địa phương theo hướng mạnh ai nấy làm nên hiệu quả đạt được rất thấp, nguồn tiêu thụ không ổn định. Đến nay, địa phương xác định liên kết là xu hướng tất yếu, là con đường đi đến thành công, đồng thời giúp người dân nhận ra phải sản xuất an toàn, theo đúng tiêu chuẩn của doanh nghiệp, người tiêu dùng đặt ra.
Liên kết là xu hướng của sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn tới. Để làm được điều này, trong thời gian không xa, HTX sẽ đóng vai trò chủ đạo của chuỗi liên kết.
“Quan trọng nhất là tạo ra chìa khóa, giải pháp để cho một bộ phận người dân chưa tham gia vào KTHT, HTX nhận thấy phải liên kết, phải tham gia vào HTX, nhất là đồng bào các dân tộc vùng cao như Võ Nhai”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Tham gia HTX- con đường cho kinh tế hộ đồng bào dân tộc
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên, Thái Nguyên hiện có 583 HTX, trong đó có 366 HTX nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có hơn 70 sản phẩm OCOP từ 3-4 sao với các mặt hàng chủ lực là gạo, chè, thịt, cá, rau củ quả. Nhờ sản xuất an toàn, sản phẩm ngày càng chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của thị trường, nên những năm qua, thu nhập của các thành viên HTX tăng từ 10-15%/năm, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người dân.
Các HTX nông nghiệp tại tỉnh Thái Nguyên đang phát triển nhanh và bền vững. |
Dù chưa có con số thống kê chính thức về số lượng HTX trong vùng đồng bào dân tộc, nhưng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có các huyện có đông đồng bào dân tộc sinh sống là Định Hóa, Võ Nhai… So với các huyện, thành phố trong toàn tỉnh, các HTX trong vùng cao, vùng có đồng bào dân tộc sinh sống và tham gia làm thành viên những năm qua cũng phát triển khá đồng đều và từng bước đi lên.
KTHT, HTX trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên những năm qua phát triển khá tốt và đồng đều nhờ có sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc đồng bộ của các sở, ngành, địa phương và sự nỗ lực vươn lên của mỗi HTX. Đặc biệt phải kể đến Đề án phát triển KTHT, HTX giai đoạn 2017-2020 do Tỉnh ủy Thái Nguyên ban hành.
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Văn Dũng: Các HTX trong vùng đồng bào dân tộc đang có sự phát triển nhanh chóng nhờ sự vào cuộc hỗ trợ đồng bộ của cả chính quyền và Liên minh HTX.
“Đây là sự chỉ đạo, là căn cứ để có sự vào cuộc đồng bộ từ chính quyền đến các cấp, ngành, giúp cho KTHT, HTX tỉnh Thái Nguyên phát triển như hiện nay”, ông Dũng khẳng định.
Ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên cho biết, đồng bào vùng dân tộc đang từng ngày phát triển nhờ có thêm sự đóng góp của khu vực KTHT, HTX. |
Theo ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên, tính đến thời điểm này, tỉnh Thái Nguyên có 51 dân tộc cùng sinh sống. Trên địa bàn tỉnh có 123 xã, thị trấn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, chiếm trên 90% diện tích toàn tỉnh, được phân định thành 3 khu vực (I, II, III) gồm: 25 xã khu vực I; 62 xã khu vực II; 36 xã khu vực III; 542 xóm, bản đặc biệt khó khăn.
Ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên
Dưới sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương, vùng đồng bào dân tộc tỉnh Thái Nguyên cơ bản đã có sự thay đổi tương đối và toàn diện, đời sống từng bước được nâng lên, tỷ lệ giảm nghèo trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm từ 19,22% năm 2016 xuống còn 6,17%, giảm bình quân trên 3,2%/năm.
Đáng phấn khởi là các xã 135 giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 5%/năm. Công tác giảm nghèo đã góp phần quan trọng đưa Thái Nguyên tăng 3 bậc, xếp thứ 2 trong 11 tỉnh miền núi phía Bắc có tỷ lệ hộ nghèo thấp chỉ sau tỉnh Quảng Ninh.
Đặc biệt là đã xuất hiện nhiều tấm gương người dân tộc làm kinh tế giỏi, trong đó có giám đốc một số HTX. Đây là những điển hình cho thấy người dân tộc và dân tộc thiểu số cũng rất có ý chí và điều kiện vươn lên phát triển kinh tế.
“Chỉ có phát triển KTHT, HTX mới tạo cơ hội cho kinh tế hộ gia đình phát triển. Do vậy, việc chỉ đạo phát triển các HTX trong vùng dân tộc là rất cần thiết và cần phải có những chính sách đồng bộ để tạo cơ hội cho đồng bào dân tộc tham gia vào HTX nhiều hơn nữa”, ông Nam nhấn mạnh.
Phạm Duy