PHÁT TRIỂN KINH TẾ HỢP TÁC XÃ TRONG VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC |
Với mục tiêu phát triển rừng theo hướng bền vững, HTX Hòa Bình không những giúp cho người dân nâng cao được hiệu quả kinh tế từ rừng trồng, mà còn đảm bảo được lợi ích về môi trường, trở thành điểm sáng trong công tác bảo vệ, phát triển rừng.
Từ quy ước của tổ tự quản và HTX
Ông Hà Trung Thông, Giám đốc HTX Hòa Bình cho biết, trước năm 2012, xã vùng cao 135 Bình Long còn nhiều khó khăn, người dân sinh sống chủ yếu nhờ sản xuất nông, lâm nghiệp và khai thác rừng tự nhiên. Vì vậy, những cánh rừng tự nhiên ở địa phương bị tàn phá trở nên trọc lóc.
Trước cảnh rừng bị tàn phá nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, tác động xấu đến thiên nhiên và tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở vì mưa lũ, trên cơ sở những quy quy định của Nhà nước về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và Luật HTX năm 2012, đến năm 2013, HTX nông lâm nghiệp và môi trường Hòa Bình được thành lập với nhiệm vụ chính là phát triển, quản lý và bảo vệ rừng cộng đồng, thu hút 946 hộ gia đình trên địa bàn tham gia.
Sau khi thành lập, HTX được các cấp chính quyền giao khoán quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với diện tích hơn 946 ha rừng và đất rừng trong tổng số hơn 1.168ha rừng của toàn xã Bình Long.
Việc giao đất, giao rừng, thực thi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững đã tác động tích cực đến ý thức của người dân đối với công tác quản lý bảo vệ rừng.
Chủ trương giao đất, giao rừng cho các HTX trên địa bàn xã Bình Long, huyện Võ Nhai quản lý đã từng bước phủ xanh diện tích đồi núi trọc. |
Theo đó, các diện tích rừng bị khai thác cạn kiệt trước đây bắt đầu được người dân chú trọng trồng và phát triển rừng. Mỗi hộ thành viên được giao 1ha rừng để bảo vệ và trồng rừng, sau 3 năm, toàn bộ diện tích đồi núi trọc trước đây gần như được phủ xanh toàn bộ.
Để hỗ trợ cho các thành viên HTX và người dân, các cơ quan chức năng, các tổ chức phi chính phủ như: Dự án trồng rừng và chống biến đổi khí hậu (Tổ chức Z+) và Trung tâm nghiên cứu và phát triển vùng cao (CERDA) hỗ trợ 400.000 đồng/ha/năm với cam kết phát triển rừng bền vững.
Để thực hiện tốt những cam kết này, HTX đã chủ động xây dựng kế hoạch quản lý rừng cộng đồng, quy ước quản lý rừng cộng đồng và tự tổ chức quản lý bảo vệ rừng.
HTX quy định người dân chỉ được tiến hành các hoạt động sản xuất tại vùng ven rừng theo diện tích xác định, đã được quy hoạch và công bố công khai. Người đi làm phải đeo thẻ ra vào rừng, khi ra khỏi vùng sản xuất không được mang bất cứ tài nguyên gì của rừng ra khỏi rừng.
Hàng năm, Tổ tự quản tiến hành xây dựng và tổ chức thực hiện phương án phòng cháy chữa cháy trên diện tích rừng được giao. Việc khai thác các sản phẩm từ rừng (gỗ, lâm sản ngoài gỗ ...) chỉ được tiến hành theo phương án của Tổ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Đáng chú ý, các thành viên HTX cũng được phổ biến những hành vi bị nghiêm cấm như: Tự ý đi vào khu vực rừng; tự ý khai thác rừng trái phép, chặt phá rừng, chặt gỗ, đốt than, lấy củi, chặt cành tươi, chặt cây tươi; đốt than, đốt hoặc phá rừng làm nương rẫy; lấy đất, đá, sỏi, lấy lâm sản ngoài gỗ trái phép; săn, bắn, bắt, bẫy, nuôi nhốt, giết mổ động vật rừng trái phép; lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng rừng trái phép; chứa chấp, tiếp tay, bao che những hành vi làm tổn hại đến rừng...
Bên cạnh đó, HTX Hòa Bình còn liên kết với nhiều HTX khác tại các xã trên địa bàn huyện Võ Nhai để cùng phối hợp chung tay bảo vệ rừng như: HTX nông lâm nghiệp và môi trường Dương Tiến (xã Dân Tiến), HTX nông lâm nghiệp và môi trường Tràng Xá (xã Tràng Xá), HTX nông lâm nghiệp và môi trường Ba Nhất (xã Phú Thượng), HTX nông lâm nghiệp và môi trường Phương Giao (xã Phương Giao), HTX nông lâm nghiệp và môi trường Thống Nhất Bình Long (xã Bình Long).
Giúp rừng ngày càng thêm xanh
Ông Phùng Văn Kiên, Chủ tịch HĐQT HTX Hòa Bình cho rằng, việc được giao đất giao rừng đã đem lại nguồn thu nhập nên người dân, cộng đồng sống gần rừng rất quan tâm đến công tác quản lý bảo vệ rừng. Đồng thời, thường xuyên thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng trên diện tích được giao.
Ông Phùng Văn Kiên, Chủ tịch HĐQT HTX Hòa Bình
Những cánh rừng của các thành viên HTX Hòa Bình ngày càng phát triển, xanh bạt ngàn, phủ kín khắp vùng đồi núi xã Bình Long, nơi giáp ranh với huyện Yên Thế của tỉnh Bắc Giang và huyện Hữu Lũng của tỉnh Lạng Sơn. Điều này càng khẳng định thêm sự đúng đắn của những chính sách pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là việc giao rừng cho cộng đồng và các HTX quản lý, bảo vệ.
“Từ những giá trị mang lại của hoạt động giao rừng cộng đồng đã giúp người dân nâng cao trách nhiệm của mình”, ông Kiên nói.
Chủ tịch UBND xã Bình Long, ông Long Văn Lưu cho biết, Bình Long là xã vùng cao 135 với hơn 80% đồng bào dân tộc gồm: Dao, Tày, Nùng, Cao Lan, H’mông, Mường sinh sống.
Ông Long Văn Lưu, Chủ tịch UBND xã Bình Long cho biết, việc giao rừng cho cộng đồng thông qua các HTX quản lý đã đem lại hiệu quả thiết thực cả về kinh tế cũng như phát triển rừng bền vững. |
Những năm gần đây, việc giao rừng cho cộng đồng quản lý là một hình thức thực hiện chủ trương xã hội hoá công tác bảo vệ và phát triển rừng, làm cho rừng có chủ thực sự, gắn quyền lợi với trách nhiệm, tạo điều kiện để người dân bảo vệ rừng.
Đời sống của người dân cũng nhờ đó được cải thiện, nhận thức bảo vệ và phát triển rừng được nâng cao, tạo tâm lý phấn khởi, động viên cộng đồng cùng tham gia. Người dân bảo vệ rừng và được hưởng lợi ích từ chi trả các dịch vụ môi trường rừng, từ đó một chuỗi các giá trị lợi ích sẽ được mang lại từ việc giao rừng cho cộng đồng quản lý thông qua dự án tăng cường lâm nghiệp cộng đồng này.
Ông Long Văn Lưu, Chủ tịch UBND xã Bình Long
Đặc biệt, kể từ khi rừng được giao cho 2 HTX gồm HTX Hòa Bình và HTX Thống Nhất Bình Long đã không còn xảy ra nạn khai thác gỗ, săn bắt động vật, vận chuyển và buôn bán lâm sản trái phép.
"Việc giao rừng theo mô hình cộng đồng cho các HTX giúp cho người dân trong xã có sinh kế lâu dài. Mặt khác, người dân quản lý rừng ngay tại nơi mình cư trú nên rất dễ phát hiện lâm tặc để cùng với chính quyền địa phương và kiểm lâm địa bàn tạo thành 3 lực lượng bảo vệ rừng hiệu quả", ông Lưu nhấn mạnh.
Phạm Duy
Bài 3: Bình yên về với người dân vùng cao