NGUỒN LỰC TÔN GIÁO TRONG KHU VỰC HỢP TÁC XÃ |
HTX dịch vụ Linh Phát là đơn vị mạnh dạn ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất, chế biến các sản phẩm từ nấm như nấm linh chi, nấm sò, nấm bào ngư thành các sản phẩm như rượu nấm linh chi, nấm linh chi khô, trà nấm linh chi, nấm bào ngư khô, các sản phẩm nấm tươi và khai thác hải sản xa bờ…
Mong được hỗ trợ vốn để mở rộng sản xuất
Với cách làm chuyên nghiệp và bài bản, đến nay HTX đang sở hữu 3 sản phẩm OCOP 3 sao và bước đầu tạo được tên tuổi trong thị trường, giúp doanh thu hàng năm tăng dần.
Năm 2018, doanh thu đạt gần 4,2 tỷ đồng, sang năm 2019 đạt hơn 5,7 tỷ đồng. Riêng năm 2020, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nên doanh thu đạt 5,7 tỷ đồng. Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nấm không chỉ tăng năng suất và sản lượng nấm mà còn thu hút thêm các thành viên tham gia HTX. Tính đến nay, HTX có 25 thành viên, giải quyết việc làm cho 45 lao động với mức thu nhập hơn 7 triệu đồng/tháng.
Có khát vọng mở rộng sản xuất và thị trường tiêu thụ, thế nhưng HTX thiếu nguồn lực, khó vay vốn tại các ngân hàng thương mại. Ngoài ra, HTX cũng đang gặp nhiều khó khăn do diện tích sản xuất còn hạn chế (3.500m2), lại nằm giữa khu dân cư nên sản xuất không được thuận lợi, ảnh hưởng đến các mục tiêu mà HTX đặt ra.
Anh Nguyễn Văn Thành, Giám đốc HTX dịch vụ Linh Phát kiểm tra phôi nấm phát triển có đảm bảo hay không? |
Để tháo gỡ khó khăn cho HTX, anh Nguyễn Văn Thành, Giám đốc HTX Linh Phát kiến nghị: “Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ về đất đai, vay vốn mở rộng sản xuất”.
Theo đại diện nhiều HTX, càng có nhu cầu mở rộng, liên kết sản xuất, thu mua bao tiêu sản phẩm nhiều thì nhu cầu về đất đai và vốn càng lớn. Do vậy, mong muốn lớn nhất của HTX là được vay vốn ưu đãi để thực hiện các kế hoạch mở rộng sản xuất.
Còn anh Nguyễn Văn Bình, Giám đốc HTX thủy sản Hải Điền nói rằng, vốn đầu tư máy móc, nhà xưởng thì có thể vay được do các thành viên thế chấp tài sản cá nhân, còn vốn lưu động để thu mua, bao tiêu và tích trữ nông sản, thủy sản để chế biến thì rất khó tiếp cận.
Anh Nguyễn Văn Bình, Giám đốc HTX thủy sản Hải Điền
“Chúng tôi đề nghị với lãnh đạo tỉnh Nam Định, huyện Hải Hậu, Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Nam Định có hướng phối hợp với các ngân hàng, với Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, quỹ tín dụng nhân dân giúp các HTX có thể tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để chủ động sản xuất, kinh doanh trong cả năm chứ không chỉ theo mùa vụ”, anh Bình kiến nghị.
Cũng đề xuất về các chính sách hỗ trợ để các HTX có điều kiện phát triển, ông Lê Văn Bản, Giám đốc HTX thủy sản Xuân Hòa cho rằng, vốn là nhu cầu rất cần hiện nay của các HTX, nhất là các HTX sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị.
“Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Nam Định và các ngân hàng có chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi để HTX chủ động kế hoạch sản xuất”, ông Bản bày tỏ.
Sớm vào cuộc hỗ trợ cho các HTX
Theo ông Huỳnh Thái Phụng, Chủ tịch UBND xã Hải Chính, huyện Hải Hậu, các HTX trên địa bàn đang phát triển và có những điều kiện thuận lợi nhất định do sự vào cuộc hỗ trợ theo đúng tinh thần chỉ đạo chung của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, HTX.
|
Đáng phấn khởi là bản thân các HTX cũng đã chủ động nỗ lực vươn lên, bám sát nhu cầu thị trường, chủ động sản xuất, chế biến, bảo quản và liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho các thành viên và hộ liên kết.
Tuy nhiên, ông Phụng cũng thẳng thắn cho rằng, đúng là các HTX trên địa bàn đang gặp những vấn đề khó khăn chung về đất đai sản xuất, chăn nuôi, về vốn, về khoa học công nghệ, về nhà xưởng, thiết bị máy móc...
Từ những khó khăn này, ông Phụng mong muốn các cấp chính quyền sớm có chính sách hỗ trợ, nhất là về vốn vay ưu đãi để các HTX có vốn sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống cho lao động là người công giáo địa phương.
Ông Huỳnh Thái Phụng, Chủ tịch UBND xã Hải Chính
“Riêng đối với địa phương, chúng tôi đã có văn bản trình lãnh đạo huyện Hải Hậu có chính sách hỗ trợ mở rộng địa điểm sản xuất của HTX dịch vụ Linh Phát lên 10.000m2 và đưa ra khỏi khu dân cư như hiện nay. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong các ngân hàng thương mại tạo điều kiện hỗ trợ cho HTX tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất, kinh doanh”, Chủ tịch UBND xã Hải Chính nói.
Ông Trần Văn Phiệt, Phó Chủ tịch phụ trách Liên minh HTX tỉnh Nam Định cho biết, ngoài sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, của Liên minh HTX Việt Nam, để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các HTX phát triển, Liên minh HTX tỉnh Nam Định cũng thường xuyên cử cán bộ bám sát cơ sở, tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ, chính sách, nâng cao năng lực quản trị HTX, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại…
Ông Trần Văn Phiệt, Phó Chủ tịch phụ trách Liên minh HTX tỉnh Nam Định
“Liên minh HTX tỉnh Nam Định luôn bám sát và nắm rất kỹ các HTX để sớm có hướng đề xuất hỗ trợ, giúp đỡ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các HTX”, ông Phiệt nhấn mạnh.
Theo tìm hiểu, Nam Định hiện là tỉnh có số lượng người theo đạo sinh sống ở hầu hết các huyện, thành phố. Tỉnh hiện có 462 HTX đều nằm xen kẽ trong vùng có đạo, việc đầu tư hỗ trợ các HTX không có sự phân biệt giữa các tôn giáo với nhau.
Những năm qua, các HTX đều được sự quan tâm hỗ trợ của UBND tỉnh, của Liên minh HTX Việt Nam cả về vốn vay ưu đãi, khoa học kỹ thuật, xây dựng chuỗi giá trị để giúp các HTX phát triển nhanh và bền vững.
Cụ thể, năm 2018, UBND tỉnh hỗ trợ 7 tỷ, năm 2019 là 18 tỷ và năm 2020 là 59 tỷ đồng trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã có 82 HTX được hỗ trợ và xây dựng hệ thống đường giao thông nội đồng, kênh mương, nhà xưởng, trụ sở làm việc, máy móc, trang thiết bị…
Bên cạnh đó, mỗi năm Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ xây dựng 1 chuỗi giá trị, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX triển khai cho 8 HTX vay vốn ưu đãi với số tiền hơn 16 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ thực tế nêu trên có thể thấy các HTX nói chung và HTX trong vùng có đạo nói riêng đều đang rất cần sự hỗ trợ và chung tay của các cấp chính quyền, Liên minh HTX Việt Nam, đặc biệt là vấn đề vốn, đất đai, công nghệ...
Với tiềm lực còn hạn chế, nhưng với sự nỗ lực của mình, các HTX đã và đang phối hợp cùng chính quyền địa phương phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Từ đó, thu nhập của người dân ngày một tăng, con em được đến trường học hành, cơ sở hạ tầng nông thôn ngày một khang trang, sạch đẹp. Điều này đã củng cố thêm nhận định, các HTX nói chung, HTX trong vùng xứ đạo ở nhiều địa bàn của tỉnh Nam Định ngày càng phát triển phồn vinh, thịnh vượng.
Phạm Duy