NGUỒN LỰC DÂN TỘC TÔN GIÁO TRONG PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ |
Trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, năm 2014, ông Lê Văn Bản, người dân ở xóm đạo 15, Giáo xứ Xuân Dương, thuộc giáo phận Bùi Chu (xã Xuân Hòa, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) đã cùng với 18 thành viên trong xã đứng ra thành lập HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa (HTX thủy sản Xuân Hòa).
Những nốt trầm cuộc đời
Nước da rám nắng, nụ cười và ánh mắt đôn hậu, giọng nói trầm ấm, ông Lê Văn Bản 68 tuổi, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX thủy sản Xuân Hòa là một trong những giáo dân tiêu biểu của câu chuyện vượt lên những khó khăn để làm giàu cho gia đình và xã hội
Sinh ra trong vùng công giáo, kế thừa truyền thống gia đình, lớn lên ông Bản tham gia chiến trường và có đến 9 năm trong quân ngũ. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ trong quân đội, ông trở về quê làm kinh tế bằng việc mua 3 con tàu và thành lập doanh nghiệp chuyên chở vật liệu xây dựng.
Thực hiện chủ trương của tỉnh Nam Định về việc chuyển đổi đất nông nghiệp vùng trũng thấp, ngập mặn kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, năm 2002, ông Bản quyết định nghỉ làm vận tải, thuê hơn 12 ha đất khu vực đồng bãi ven sông Sò, xã Xuân Hòa, huyện Xuân Trường để đào ao nuôi tôm sú.
Ông Lê Văn Bản, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX thủy sản Xuân Hòa chia sẻ về thăng trầm cuộc sống và khi làm HTX. |
Khát vọng sản xuất, kinh doanh và làm giàu trên chính cánh đồng quê mình, năm 2004 ông Bản bán 100 cây vàng được 480 triệu đồng và 3 con tàu vận tải đang kinh doanh được 150 triệu đồng.
Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ông Bản dành toàn bộ số tiền đó chi phí cho việc đào 24 ao nuôi tôm sú và thành lập Tổ dịch vụ quản lý nuôi trồng thủy sản khu vực đồng bãi ven sông Sò, thả lứa tôm sú đầu tiên vào tháng 2/2005.
Với cơ ngơi kha khá cộng với quyết tâm làm giàu, một ngân hàng trên địa bàn huyện Xuân Trường khi đó đã cho ông Bản vay 200 triệu đồng để mua thức ăn cho tôm và chi trả lương cho người lao động cũng như đầu tư mua sắm thêm máy móc, thiết bị.
Chỉ sau 2 tháng thả nuôi, tôm sú của Tổ dịch vụ quản lý nuôi trồng thủy sản khu vực đồng bãi ven sông Sò lớn bằng ngón tay út và được lãnh đạo huyện tổ chức đoàn khách tham quan, học tập để triển khai nhân rộng mô hình.
Thế nhưng, cuộc đời không ai học được chữ ngờ, chưa đầy 1 tuần sau chuyến thăm quan của lãnh đạo huyện, tôm sú trong ao nổi lên, chết dạt vào dệ. Ban đầu chỉ lác đác vài ao, nhưng chỉ trong vòng 10 ngày, toàn bộ 24 ao nuôi tôm nổi trắng, bốc mùi hôi thối khó chịu khiến ông và những cộng sự không kịp trở tay.
Ông Lê Văn Bản kể về những thăng trầm trong cuộc sống và khi làm HTX
Hơn một tháng sau kiểm tra và kết luận của cơ quan chức năng cho thấy, tôm chết hàng loạt là do thả mật độ dày, nồng độ oxy trong ao thấp, tôm giống bị nhiễm Vibrio và bệnh đốm trắng.
Đang là người có tài sản tiền tỷ trong tay, trong vòng 10 ngày, ông Bản trở thành kẻ trắng tay, bạn bè trong xóm, ngoài làng đều xa lánh vì sợ ông đến vay mượn, tài sản khánh kiệt, không có việc làm. Bi đát hơn là chỉ 7 tháng sau, tức là giáp Tết năm 2006, tài sản còn lại là căn nhà hai tầng của ông cũng bị ngân hàng kê biên, niêm phong. Không còn chỗ ở, cả gia đình 8 người gồm hai vợ chồng và 6 người con của ông phải khăn gói ra ở ngoài lán trông tôm vào những ngày Tết nguyên đán với những ngọn đèn dầu leo lét, tăm tối.
Thắp sáng con đường tương lai
Với ý chí vươn lên của người lính cụ Hồ, cộng thêm sự may mắn vì có sự tin tưởng, động viên, hỗ trợ lãnh đạo của Trung tâm giống thủy sản Nam Định về kỹ thuật, cải tiến cách nuôi, giảm mật độ tôm và hướng dẫn thau rửa toàn bộ 24 ao nuôi tôm, đồng thời bán chịu cho 50.000 con tôm sú giống.
Để có thức ăn cho tôm, ngoài việc bán nốt chiếc xe máy cũ còn lại, hàng ngày ông Bản đi thả lồng bát quái ở sông Sò để đánh bắt tôm cá và bán lấy tiền mua cám ngô về nuôi tôm. Thời kỳ đó, tình trạng ô nhiễm chưa nhiều nên có ngày "trúng mánh", ông Bản thu được gần 2 triệu tiền tôm, cá.
Ông Lê Văn Bản cho biết, nhà máy mới chỉ khai thác được 30% công suất vì thiếu vốn. |
Cũng thời gian này, một người bạn từ Hải Phòng về chơi, thấy ông có khát vọng nuôi thủy sản làm giàu nên đã đồng ý bán chịu cho ông 7.000 con cá vược giống. Có cá vược, ông Bản về thả xen kẽ ao nuôi tôm để tiện chăm sóc, đồng thời cá sẽ ăn phần thức ăn thừa của tôm để tiết kiệm và hạn chế ô nhiễm nguồn nước.
Người ta vẫn nói rằng, thành công không phụ những người có ý chí, khát vọng vươn lên. Cuối năm 2006, ông Bản đánh bắt toàn bộ diện tích tôm, cá lên bán được gần 4 tỷ đồng, trừ toàn bộ chi phí, số tiền lãi thu về là 1 tỷ đồng.
“Cũng năm này, tôi làm thủ tục chi trả ngân hàng chuộc lại căn nhà, sửa chữa chút đỉnh đưa gia đình về ở”, ông Bản nhớ lại.
Số tiền còn lại được ông giữ làm vốn để tiếp tục đầu tư. Năm 2007, UBND huyện Xuân Trường ban hành chính sách về nuôi đa con trên diện tích ao hồ. Cũng thời điểm này, từ chủ trương của Huyện ủy, UBND huyện Xuân Trường, ông Bản và những gia đình nuôi thủy sản được lãnh đạo UBND xã Xuân Hòa hỗ trợ 1 năm không thu tiền đấu giá đất nuôi thủy sản.
Khó khăn đi qua, việc chăn nuôi thủy sản và kinh doanh của ông Bản gặp thuận lợi như diều gặp gió. Cũng thời điểm này, ông được người dân địa phương và chính quyền xã Xuân Hòa tín nhiệm bầu làm xóm trưởng xóm 15.
Nói về lý do khi nuôi và kinh doanh thủy sản đạt hiệu quả, không thành lập doanh nghiệp mà lại thành lập HTX, ông Bản cho biết, sau khi nghiên cứu kỹ Luật HTX năm 2012 và sự đồng thuận cao của các thành viên Tổ dịch vụ quản lý nuôi trồng thủy sản đã đi đến thống nhất thành lập HTX.
“Thành lập HTX là nguyện vọng của các thành viên để nâng cao hiệu quả kinh tế so với cách làm manh mún, nhỏ lẻ của các hộ gia đình”, ông Bản chia sẻ.
Với quyết tâm cao, ông Bản và các thành viên kiến nghị địa phương thực hiện theo đúng Luật HTX năm 2012 và đề nghị Liên minh HTX tỉnh Nam Định hỗ trợ về thủ tục, chính sách cũng như vận động cấp ủy, chính quyền địa phương cho thành lập HTX.
Khó khăn không làm nản lòng và ý chí của người lính, tháng 12/2014, HTX thủy sản Xuân Hòa chính thức thành lập và ra mắt với 18 thành viên, diện tích nuôi thủy sản 21ha.
Ông Bản cho biết, từ khi thành lập và đi vào hoạt động, HTX có cách làm bài bản, khoa học hơn bởi sự hỗ trợ, giúp đỡ của Liên minh HTX tỉnh Nam Định và nhất là sự gắn bó giữa các thành viên.
Đặc biệt, mỗi khi ao nuôi có biểu hiện bất thường, các thành viên đều thông báo với Hội đồng quản trị để có hướng xử lý, không còn tình trạng tháo trộm nước sang ao nhà khác để làm lây lan dịch bệnh như trước.
Khu vực nuôi trồng thủy sản của HTX Xuân Hòa. |
Làm ăn thuận lợi, quan hệ mở rộng, HTX đã đứng ra ký kết việc cung cấp con giống cũng như bao tiêu sản phẩm cho các thành viên với giá ổn định theo thị trường. Qua đó, hạn chế được việc sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, hiệu quả thấp và bị tư thương ép giá.
Năm 2018, HTX kết nạp thêm 7 thành viên, nâng tổng số thành viên lên con số 25. Cũng trong năm này, HTX đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thức ăn phục vụ cho các thành viên chăn nuôi tôm, cá với công suất 300kg/giờ, cung cấp được 30% thức ăn cho cả HTX.
Được biết, trong tổng số 25 thành viên, diện tích 25ha nuôi tôm, cá hiện nay có 15 thành viên là người có đạo. Dù là người có đạo hay không, các thành viên luôn đùm bọc, đoàn kết, hỗ trợ và thăm hỏi, chia sẻ động viên nhau vào những ngày lễ, Tết, Giáng sinh hay khi gia đình có việc hiếu, hỉ…
Từ việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn, cá chắc, thơm nên được thị trường tiêu thụ ổn định với mức giá cao hơn thị trường từ 5-7 giá tại một số địa phương như: Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội. Nhờ vậy, năm nào HTX cũng có doanh thu ổn định và tăng đều.
Năm 2018, doanh thu của HTX đạt gần 23 tỷ đồng. Năm 2019, với sản lượng hơn 400 tấn tôm sú, cá chép, trắm đen, trắm cỏ, cá lăng…, doanh thu của HTX đạt 25 tỷ đồng, thu lãi hơn 5 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2019, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX (Liên minh HTX Việt Nam) hỗ trợ cho vay gần 1,4 tỷ đồng để làm xưởng cấp đông, khu sơ chế đóng gói, hút chân không. Ngoài ra, HTX còn được các đơn vị chức năng như Liên minh HTX tỉnh Nam Định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ khoa học kỹ thuật, "test" mẫu nước kiểm tra thường xuyên nhằm đảm bảo an toàn trong nuôi trồng thủy sản…
Riêng năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, giá cả nông sản, thực phẩm hạ đột ngột, hơn 400 tấn chỉ bán được gần 23 tỷ đồng, lãi thu giảm hơn 2 tỷ đồng so với năm 2019.
“Đây là năm có lãi thấp nhất kể từ khi thành lập HTX đến nay”, ông Bản cho biết.
Hiện, ngoài 25 thành viên, mỗi năm HTX tạo việc làm thường xuyên cho 40-50 lao động, thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng và hàng trăm lao động mùa vụ khi vào thời điểm thu hoạch hoặc thau dọn ao, hồ.
Việc UBND tỉnh Nam Định đầu tư mở rộng đường vào xóm 15 đã mở ra cơ hội cho HTX Xuân Hòa phát triển bền vững. |
Dẫn phóng viên ra khu vực hồ thả cá, nơi có con đường bê tông rộng hơn 5m, dài gần 1km vừa được láng xi măng, ông Bản cho biết, đây là con đường mà UBND tỉnh Nam Định mới đầu tư làm cuối năm 2020 với kinh phí lên đến gần 20 tỷ đồng để giúp người dân xóm 15 đi lại. Đây cũng chính là con đường để các phương tiện vận tải vào cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi và vận chuyển các sản phẩm cá, tôm của HTX đến vụ thu hoạch ra ngoài thị trường.
Có thể nói, việc lãnh đạo tỉnh Nam Định quyết định đầu tư con đường này không chỉ là con đường đi lại, vận chuyển nông sản, mà còn là con đường của niềm tin mà chính quyền địa phương đã tin tưởng, gửi gắm đối với HTX thủy sản Xuân Hòa trong việc phát triển kinh tế tập thể, HTX và tạo việc làm cho lao động vùng nông thôn có đạo.
Đây cũng chính là con đường tương lai, con đường hy vọng giúp cho HTX ngày càng tiến bước đến thắng lợi lớn hơn...
Bài 2: Người lương - giáo đoàn kết cùng HTX làm giàu
Phạm Duy