PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN CAO NGUYÊN MỘC CHÂU
Mộc Châu vốn được thiên nhiên ưu đãi cho khí hậu mát mẻ quanh năm và thổ nhưỡng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ, công nghệ cao. Tận dụng những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhiều hộ dân, doanh nghiệp, HTX ở Mộc Châu đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, nâng cao kỹ năng và đầu tư và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản, góp phần nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Phát triển trồng cây ăn quả theo từng vùng
Hưởng ứng đề án phát triển cây ăn quả của tỉnh, huyện Mộc Châu chủ trương phát triển trồng cây ăn quả theo từng vùng. Tiêu biểu như vùng chuyên phát triển các loại cây ăn quả ôn đới như: mận hậu, bơ, chanh leo, hồng giòn…Vùng chuyên phát triển các loại quả nhiệt đới: cam vinh, nhãn ghép, bưởi diễn, bưởi da xanh, xoài lai. Vùng kết hợp phát triển được cả các loại cây ôn đới, nhiệt đới.
Chiềng Khừa vốn là xã vùng 3 của huyện Mộc Châu với tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, người dân chủ yếu là đồng bào Mông, Thái, Mường, Kinh, Sinh Mun... Trước đây, các hộ chỉ tập trung trồng ngô, sắn, dong riềng nhưng nay đã chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả như: Cam, xoài, mận, mơ, nhãn, sơn tra, chanh leo…
Chanh leo là một trong những cây trồng cho giá trị kinh tế cao tại xã Chiềng Khừa. |
Nhờ đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật và chuyển đổi sản xuất, đến nay diện tích trồng cây ăn quả của toàn xã là gần 180ha, sản lượng thu hoạch khoảng 460 tấn quả/năm, tập trung tại bản Cang, bản Khừa, bản Trọng... Nhờ vậy, mức thu nhập bình quân của nhân dân trong xã đạt trên 18 triệu đồng/người/năm.
Cùng đẩy mạnh phát triển cây ăn quả, xã Vân Hồ mạnh dạn thành lập HTX nhằm hỗ trợ người dân sản xuất. Tiêu biểu là mô hình HTX nông trại hữu cơ Vân Hồ chuyên trồng các loại cây có múi như cam đường canh, bưởi ruby và cam Vinh. Để các thành viên từng bước làm quen với sản xuất hàng hóa, ban đầu, HTX hướng dẫn mọi người áp dụng quy trình sản xuất an toàn, sau đó từng bước nâng lên sản xuất theo hướng hữu cơ để kết hợp làm du lịch.
Với diện tích 21ha, HTX đang tập trung thu hoạch thu cam đường canh với sản lượng khoảng 50 tấn/năm, cam Vinh với sản lượng 12 tấn/năm. HTX sẵn sàng cung cấp vào hệ thống siêu thị VinEco, Big C và một số chuỗi siêu thị theo đơn đặt hàng.
Khai thác thế mạnh sẵn có cùng với thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc của tỉnh, đến nay toàn bộ 8 xã và 2 thị trấn trên địa bàn huyện Mộc Châu đều đẩy mạnh phát triển trồng cây ăn quả. Theo Phòng Nông nghiệp huyện, Mộc Châu có 8.000 ha cây ăn quả, trong đó khoảng 300 ha được sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP và áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước.
Làm quen quy trình sản xuất tiên tiến
Có thể nhận thấy, việc sản xuất các loại cây ăn quả thông qua áp dụng các biện pháp kỹ thuật giúp chất lượng sản phẩm tốt hơn. Trong khi đó, trồng cây ăn quả trên đất dốc còn giúp cải tạo đất, tận dụng được nguồn phụ phẩm thừa từ nông nghiệp làm phân hữu cơ cung cấp cho cây trồng, góp phần bảo vệ môi trường.
Đặc biệt sản xuất theo hướng hàng hóa giúp đồng bào dân tộc thiểu số dần làm quen với quy trình sản xuất hiện đại. Ông Kiều Quốc Nhật, Phó Giám đốc HTX chanh leo Mộc Châu cho biết với diện tích 5ha chanh leo, HTX đã thu hút đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Tân Lập và tiểu khu 84/85, (thị trấn Nông trường Mộc Châu) tham gia sản xuất.
“Đến nay, người dân không chỉ nắm bắt được kỹ thuật mà còn làm quen với quy trình sản xuất theo chuỗi khi HTX liên kết với Công ty cổ phần chanh leo Nafoods (Nghệ An) để ổn định đầu vào cũng như đầu ra cho sản phẩm”, ông Nhật nói.
Xã Vân Hồ đang "phủ xanh" các ngọn đồi bằng cách trồng cây ăn quả, trong đó có một phần diện tích được đầu tư theo hướng công nghệ cao. |
Bà Lường Thị Phong, dân tộc Thái ở bản Dọi, xã Tân Lập, cho biết trước đây, bà chủ yếu trồng và chăm sóc cây chanh leo theo cách truyền thống nên năng suất, chất lượng còn thấp. Từ năm 2018, nhờ ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất theo mô hình tưới nhỏ giọt tự động, kết hợp với phun thuốc bảo vệ thực vật, nên gia đình bà đã tiết kiệm được thời gian, chi phí sản xuất, chất lượng được nâng cao. Hiện, với diện tích 3.000m2, mỗi năm bà thu lãi 150 triệu đồng.
Việc tập trung phát triển sản xuất cây ăn quả đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho huyện Mộc Châu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng cây ăn quả, đồng thời tạo điều kiện cho người dân áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh.
Đến nay, toàn huyện đã có gần 100 ha cây ăn quả được cấp mã vùng trồng, là vùng nguyên liệu chính cung cấp sản phẩm xuất khẩu. Rất nhiều sản phẩm nông sản của Mộc Châu đã và đang có mặt tại các siêu thị ở Hà Nội và được đánh giá cao về chất lượng.
Để tiếp tục phát huy những thế mạnh trên, mục tiêu của huyện Mộc Châu sẽ thành lập từ 5 HTX, 10 tổ hợp tác trở lên mỗi năm. Đồng thời, tiếp tục tăng cường các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy hoạt động của các tổ chức liên kết sản xuất, nhằm hình thành các mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần hình thành những vùng trồng cây ăn quả quy mô lớn, thu hút doanh nghiệp chế biến và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bài 3: Bước đột phá từ ngành công nghiệp không khói
Như Yến