“Việc khai trương cùng lúc 40 cửa hàng trên toàn quốc đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển thị trường, khẳng định vị trí của STBV trong ngành thương mại xây dựng”, ông Nguyễn Bá Hải - Tổng giám đốc STBV chia sẻ.
Từ bản vẽ đồng giá 6 triệu…
Theo ông Hải, STBV sử dụng nền tảng online kết nối các kiến trúc sư (KTS) và người dùng, qua đó giúp khách hàng giải quyết bài toán thiết kế bản vẽ nhà ở dân dụng, đặc biệt là ở nông thôn với mức giá hợp lý.
Với đồng giá 6 triệu, mỗi khách hàng sẽ có một bản thiết kế hoàn chỉnh về điện, nước, phối cảnh 3D mặt tiền, 3D cơ bản nội thất, mặt bằng bố trí công năng các tầng... thay vì phải bỏ ra 20 - 40 triệu đồng để thuê KTS.
Hệ thống Siêu thị bản vẽ vừa mới ra đời... |
Gần như ngay lập tức, sự xuất hiện của STBV đã tạo nên những dư luận trái chiều. Nhiều người cho rằng, cách làm của STBV là “luồng gió mới”, đem đến những bản thiết kế nhà ở dân dụng đẹp, tiện dụng, đầy đủ công năng và phù hợp với mức tài chính của người dân.
Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến nhận định hoạt động của STBV đang có những biểu hiện vi phạm tác quyền kiến trúc, gây thiệt hại cho nhiều KTS, công ty kiến trúc khác.
Tại Hội thảo “Tác quyền trong sáng tác kiến trúc tại Việt Nam” do Hội KTS TP Đà Nẵng phối hợp với Câu lạc bộ KTS trẻ Việt Nam tổ chức ngày 10/4, Luật sư Nguyễn Cao Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Kim Trọng Hùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, vấn đề mới đang nổi lên trong lĩnh vực kiến trúc thời đại 4.0 là quyền sở hữu công nghiệp. Mặc dù trong Luật Sở hữu trí tuệ đã có nêu nhưng Luật Kiến trúc và các Nghị định kèm theo lại chưa ghi nhận về quyền này.
Ông Hùng dẫn chứng, hiện tại, các STBV sản xuất hàng loạt bản vẽ xây dựng với đồng giá 6 triệu đồng; hoặc các nhà lắp ghép cũng sản xuất hàng loạt với cùng mẫu thiết kế; tương tự là các nhà shophouse, condotel, officetel… Đây đều là các loại hình liên quan đến sở hữu công nghiệp vì sản xuất hàng loạt, nhưng lại không được đề cập trong Luật Kiến trúc và các Nghị định liên quan, từ đó đang dẫn tới nhiều tranh cãi, bức xúc trong giới KTS.
Nhưng với mức đồng giá 6 triệu đồng/bản vẽ đã thu hút nhiều sự chú ý lẫn tranh cãi. |
…Đến băn khoăn về “lỗ hổng” pháp lý
Theo KTS Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT, Chủ tịch Hội KTS TP Đà Nẵng, quyền tác giả là vấn đề không mới, tuy nhiên thời gian qua nổi lên nhiều tranh cãi liên quan đến việc sử dụng bản quyền. Trong lĩnh vực kiến trúc, vấn đề quyền tác giả đang được nhắc tới khá sôi nổi. Phần lớn các ý kiến đều cho rằng phải coi kiến trúc là tác phẩm để làm cơ sở bảo vệ quyền tác giả, tạo môi trường hành nghề kiến trúc lành mạnh và xa hơn là gìn giữ tôn tạo di sản kiến trúc đô thị.
Trước những thử thách làm xấu đi môi trường cạnh tranh trong ngành xây dựng, vấn đề cần kíp hiện nay là phải có hệ thống luật pháp chặt chẽ và nghiêm khắc nhằm bảo vệ sản phẩm trí tuệ nói chung và tác quyền kiến trúc nói riêng.
Theo KTS Nguyễn Thu Phong, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Chủ nhiệm CLB KTS trẻ Việt Nam, sau gần 20 năm nỗ lực, Luật Kiến trúc mới được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ năm 2019; Bộ Xây dựng cũng đã có Nghị định 85 triển khai các tinh thần của Luật Kiến trúc vào đời sống hành nghề của gới KTS. Tuy nhiên, “Phải nói rằng còn rất ít và chưa có những hướng dẫn cụ thể liên quan đến vấn đề xác định phạm vi và bảo vệ quyền tác giả của các tổ chức, cá nhân hành nghề kiến trúc”, ông Phong nhấn mạnh.
KTS Nguyễn Thu Phong cũng nêu lên nhiều hiện tượng vi phạm quyền tác giả phổ biến trong hoạt động kiến trúc. Đó là hành vi sử dụng bản vẽ thiết kế của KTS, từ bản vẽ ý tưởng (Concept) cho đến bản vẽ kỹ thuật thi công, khi chưa thanh toán thiết kế phí. Đây là sự “ăn cắp” tác quyền trắng trợn, cho dù chỉ là việc “mượn đỡ” ý tưởng hay thô bạo hơn là sử dụng một phần hoặc toàn bộ thiết kế mà không thanh toán đúng, đủ.
Ở cấp độ nhẹ hơn, phổ biến là việc chỉnh sửa thiết kế không hỏi ý kiến tác giả, dẫn đến các tác phẩm kiến trúc thành hình không trọn vẹn hoặc khác xa; chất lượng thẩm mỹ lẫn công năng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Người KTS đau lòng nhưng bất lực và không dám nhận là tác giả “đứa con tinh thần” của chính mình.
Một hiện tượng khác cũng được nhiều KTS phản ánh là cạnh tranh không lành mạnh khi sử dụng bản vẽ, ý tưởng của các tổ chức, cá nhân đồng nghiệp một cách tùy tiện; “văn hóa” sao chép file đang trở nên phổ biển, biến tướng ngang nhiên ở cấp độ công trình nhỏ, nhất là nhà ở riêng lẻ. Thậm chí, phối cảnh công trình nhà đẹp của các KTS có xuất xứ rõ ràng vẫn bị “đồng nghiệp” làm kinh doanh bất chấp uy tín, sao chép, copy trên mạng và sử dụng kinh doanh quảng cáo cho cơ sở của họ.
Bên cạnh đó là hiện tượng không rõ ràng trong định danh quyền tác giả khi một đơn vị thực hiện thiết kế cơ sở, một đơn vị khác thực hiện thiết kế bản vẽ thi công. Chính độ vênh này đã làm cho tác phẩm kiến trúc ra đời như “đứa con rơi” không ai chăm sóc, bảo vệ.
Đáng chú ý là sự chưa rõ ràng trong chính các tổ chức hành nghề khi định danh chủ nhiệm, chủ trì và thiết kế đồ án. Hầu hết các KTS đồng nghiệp trong cùng doanh nghiệp ngại đề cập định danh tác giả chính - phụ khi thực hiện dự án mà chỉ nêu khi phát sinh tranh chấp về sau. Quyền tài sản trong sử dụng tác phẩm kiến trúc giữa cá nhân và tổ chức thiết kế cũng ít được rạch ròi…
Chính vì vậy, Luật sư Nguyễn Cao Hùng gửi gắm “hy vọng sau buổi hội thảo này, Hội KTS Việt Nam sẽ rút tỉa được nhiều nội dung để có những tham mưu, đóng góp nhằm bổ sung quyền sở hữu công nghiệp vào Luật Kiến trúc và các Nghị định có liên quan”.
Nhiều vấn đề cần làm rõNhiều KTS hành nghề lâu năm không thích STBV nhưng họ không biết làm thế nào, vì STBV có đăng ký kinh doanh đàng hoàng. Vậy, quyền tác giả các bản vẽ xây dựng của siêu thị này như thế nào, của ai? Vấn đề này còn mới, quy định pháp luật chưa có. Có thể STBV vận dụng việc từ ngày 1/1/2021, Luật Xây dựng sửa đổi cho phép một số trường hợp không phải xin phép để đi vào những phân khúc không phải xin giấy phép xây dựng; thứ hai là có thể họ vận dụng việc Luật Kiến trúc và các Nghị định liên quan chưa quy định về quyền sở hữu công nghiệp để triển khai hoạt động.Theo tôi, ý tưởng của STBV là rất hay, phù hợp với xu hướng mới của thời đại 4.0, để cho người dân có thể dễ dàng tiếp cận các bản vẽ thiết kế xây dựng nhà với mức giá vừa phải. Đây là vấn đề còn rất mới, tôi cũng chưa biết hết được, nhưng khi đưa những bản vẽ vào siêu thị như thế thì phần mềm máy tính phải có bản quyền hay nhượng quyền thương mại của ai đó. Về kiểu mẫu, từ phối cảnh bên ngoài đến nội thất bên trong, cảnh quan… thì họ phải lấy của một ai đấy chứ?Đã là siêu thị thì bán rất nhiều mặt hàng, rất nhiều bản vẽ, hàng trăm hàng ngàn chứ không chỉ một bản vẽ. Hàng trăm, hàng ngàn bản vẽ đó có thể là của hàng trăm, hàng ngàn KTS, thì liệu ở đâu đó, STBV có lấy của người này, người kia hay không? Nếu lấy thì có xin phép, có ký hợp đồng nhận chuyển nhượng hay chưa?Luật sư Nguyễn Cao Hùng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Kim Trọng Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội |
Hải Châu
>> Bài 2: Tiếng nói của người trong cuộc