PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA DÂN TỘC TRÊN VÙNG 'SƠN CƯỚC' LỤC NGẠN
Những năm qua, công tác dân tộc miền núi của huyện Lục Ngạn đang có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trong huyện được nâng lên rõ rệt, bộ mặt nông thôn khởi sắc từng ngày, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố.
Lục Ngạn là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, có 8 dân tộc anh em cùng sinh sống ở 30 xã, thị trấn, trong đó có 12 xã vùng cao, với 141 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 49% với các dân tộc bản địa sinh sống từ lâu đời như Tày, Nùng, Sán Chí, Sán Dìu, Hoa, Dao, Cao Lan…
Triển khai kịp thời các chính sách dân tộc, miền núi
Theo đại diện UBND huyện Lục Ngạn, trước những năm 2000, khó khăn về địa lý khiến điều kiện sản xuất và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện gặp vô vàn khó khăn.
Các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lục Ngạn đang phát huy tác dụng. |
Để tạo điểm tựa cho người dân, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được huyện triển khai kịp thời, đúng đối tượng và phát huy hiệu quả rõ rệt.
Điển hình, có thể kể đến các hạng mục đầu tư thuộc dự án xây dựng kết cấu hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Quyết định 102, ngày 7/8/2009, của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn.
Các chương trình, dự án giảm nghèo đối với các thôn bản, các xã đặc biệt khó khăn, đối với đồng bào các dân tộc được huyện triển khai hiệu quả. Trong đó nổi bật là Đề án hỗ trợ sản xuất cho 13 xã nghèo có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%.
Bên cạnh đó, huyện còn thực hiện lồng ghép việc triển khai có hiệu quả nguồn vốn từ các Dự án đầu tư nguồn viện trợ liên minh Châu Âu, viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ailen đầu tư xây dựng 8 công trình phúc lợi tại 4 xã Phong Vân, Tân Sơn, Hộ Đáp và Cấm Sơn, với tổng kinh phí gần 8 tỷ đồng.
Đến nay, các công trình được đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác đều đã và đang phát huy được hiệu quả, góp phần đắc lực cho sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc ở các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tạo đà bứt lên
Chính sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng sự đồng hành của địa phương như đã nói ở trên đã và đang trở thành động lực rất lớn, giúp người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Lục Ngạn vươn lên mạnh mẽ.
Các chính sách hỗ trợ kịp thời là "điểm tựa" giúp người dân tộc thiểu số vươn lên. |
Đến nay, huyện Lục Ngạn đã xây dựng được 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tỷ lệ tiêu chí nông thôn mới bình quân toàn huyện đạt 15/19 tiêu chí. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm sâu từ 21% năm 2005 xuống còn 4,01% năm 2020, giảm 3 xã và 22 thôn đặc biệt khó khăn.
Đáng chú ý, các chính sách hỗ trợ đang góp phần hình thành nhiều HTX, tổ hợp tác điển hình, phát huy vai trò bệ đỡ kinh tế hộ, liên kết người nông dân trong sản xuất hàng hóa, hình thành các mặt hàng nông sản, tiểu thủ công nghiệp đặc trưng, thế mạnh của địa phương.
Ông Luân Văn Hảo, thành viên tổ hợp tác nông nghiệp thôn Chằm Khon, xã Cấm Sơn, cho biết trước kia, do thiếu vốn, thiếu kiến thức sản xuất nên cuộc sống của gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn.
Năm 2009, nhờ sự kết nối của tổ hợp tác, ông Hảo được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội, từ đó có điều kiện đầu tư thâm canh cây vải thiều và trồng rừng hiệu quả. Đến nay, cuộc sống của gia đình ông đã trở nên khấm khá, với thu nhập 60 – 70 triệu đồng/năm.
Hay như gia đình anh Trần Văn Hành, dân tộc Sán Dìu, xã Giáp Sơn, từ một hộ nhiều khó khăn đã vươn lên khá giả nhờ các chính sách hỗ trợ từ địa phương. Hiện, với hơn 600 cây vải thiều, hàng năm gia đình anh có thu nhập khoảng trên 150 triệu đồng.
Rõ ràng, các chính sách cho đồng bào dân tộc miền núi đang phát huy ở Lục Ngạn, từ đó bà con nâng cao đoàn kết thi đua lao động sản xuất phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo bền vững.
Hưng Nguyên
Bài 2: Cơ hội bứt phá từ du lịch cộng đồng