NGƯỜI ĐAN LAI TRONG RỪNG PÙ MÁT HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI SÁNG
Những năm 1980, Bộ đội Biên phòng Nghệ An phát hiện một tộc người lạ ở giữa vùng lõi Vườn quốc gia (VQG) Pù Mát, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Nhóm cư dân này sinh sống hoang dã như người nguyên thủy. Thấy bóng người lạ là họ lại lẩn vào rừng sâu.
Trường mầm non và trường tiểu học được xây dựng tại bản Cò Phạt. |
Rất khó khăn, Bộ đội Biên phòng mới có thể tiếp cận được với nhóm người này. Đó là tộc người Đan Lai, nhóm người mà dân số chỉ có hơn 3.000 người, cư trú chủ yếu ở rừng sâu xã Môn Sơn.
Nghèo đói, lạc hậu vì hủ tục
Theo truyền ngôn, tổ tiên của người Đan Lai phải chạy trốn sự ác bá của bạo chúa miền Hoa Quân (nay thuộc Thanh Chương, Nghệ An) cách đây khoảng 400 năm trước. Tên bạo chúa tàn ác đã bắt họ phải tìm ra cho được “100 cây nứa bằng vàng, một chiếc thuyền liền chèo”. Nếu không tìm được sẽ giết sạch trẻ già, trai, gái. Bởi vậy, họ trốn chạy vào rừng sâu, đêm ngủ hốc đá, ngày ra suối bắt cá, đào củ mài kiếm ăn. Họ chạy mãi đến thượng nguồn con sông Giăng, không còn nghe thấy tiếng người mới dám dừng chân. Từ đó, cả tộc người không dám bước chân ra khỏi bản làng.
Sống ẩn khuất, quanh quẩn giữa rừng thẳm. Tộc người Đan Lai ra đời từ đó, tên Đan Lai được ghép từ chữ “Đan” nghĩa là tên Đan Nhiệm từ xưa, chữ “Lai” là do người dân sống giữa núi rừng lai tạp với các dân tộc khác...
Ông La Tám, Trưởng bản Cò Phạt cho biết: Nguồn gốc của người Đan Lai được ghi trong bài cúng cổ: “Theo dấu chân cọp đi trồng hạt ngô/theo dấu chân nai đi trồng hạt lúa”, vì vùng này ngày xưa đi đâu cũng gặp nai với cọp. Ở nơi rừng sâu núi thẳm, trước đây thú dữ rất nhiều, chúng vào bản bắt người như cơm bữa, vì vậy từ xa xưa người Đan Lan không dám ngủ nằm, mà phải ngủ ngồi.
Tục ngủ ngồi để tránh thú dữ của người Đan Lai đã kéo theo hủ tục đẻ ngồi. Khi phụ nữ Đan Lai sắp sinh thì được đưa ra chòi canh ở trên nương để đẻ. Khi vợ đẻ xong, người chồng đem con xuống suối rửa rồi nhúng 7-9 lần mặc cho nước suối lạnh hay nóng. Vì đẻ ngồi như vậy, đã có người bị băng huyết và tử vong. Còn khi đẻ xong, nhúng đứa trẻ xuống nước, đứa sống sót thì khỏe mạnh lắm, nhưng cũng có nhiều trẻ không qua được.
Theo ông Tám, những năm trước đây, người Đan Lai vẫn duy trì hôn nhân trực hệ, cùng huyết thống nội tộc, cả hàng trăm gia đình Đan Lai ở tất cả các bản từ Cò Phạt đến bản Cồn, bản Búng (Môn Sơn), bản Bu ở Châu Khê đều chung một họ La. Hôn nhân cùng dòng tộc, huyết thống khiến cho người Đan Lai dần bị suy thoái. Có thời điểm người Đan Lai sinh ra chết nhiều hơn số người sinh ra sống sót. Vì thế người Đan Lai đều có dáng vóc nhỏ bé, thấp lè tè.
“Nghèo đói, thất học, sống biệt lập trong rừng sâu, người Đan Lai còn bị đe dọa bởi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống kéo dài, làm suy vong giống nòi. Anh em ruột thịt thì không dám lấy nhau, nhưng xa một tí là phải lấy nhau, vì không lấy nhau thì biết lấy ai. Người dân trong bản cũng không ai biết mình gốc họ gì, cứ tự lấy họ là “Lê” hoặc “La” ngụ ý là tộc người lê la thôi”, ông Tám chia sẻ.
Đổi thay nơi lõi rừng quốc gia
Nhưng giờ đây, cuộc sống đã đổi thay, từ hệ thống trường, trạm được Nhà nước đầu tư, Đồn biên phòng 555 trực tiếp tiến hành xây dựng và tổ chức hoạt động. Ông La Văn Linh - Bí thư Chi bộ bản Cò Phạt kể, trước kia, tất thảy con em trong bản đều không được đi học. Do ví trí của bản quá biệt lập, chỉ có duy nhất một con đường đi thuyền trên sông Giăng để đi ra bên ngoài, mất khoảng 20km phải vượt qua hàng trăm ghềnh thác và xoáy nước mới ra được đến nơi có trường học. Sau đó, Nhà nước xây dựng cho con đường đất vào bản, nhưng đường này chỉ đi bộ, không đi xe được, cũng phải mất gần hai chục cây số mới ra được đến trung tâm xã Môn Sơn - nơi có trường học.
Mỗi khi đau ốm, bà con đều ra Trạm được khám bệnh, cấp thuốc miễn phí. |
“Có trường lớp ở trung tâm xã, nhưng vận động học sinh đến lớp khó lắm. Có giáo viên đến nhà, thậm chí trèo đèo lội suối bở hơi tai lên tận nương rẫy để vận động phụ huynh thì nhận được câu trả lời cụt lủn: “Học chữ có no được cái bụng không…”. Cả bản Cò Phạt chỉ có mỗi anh La Văn Long đậu được tốt nghiệp PTTH, rồi đi học Trường trung cấp lâm nghiệp đã được coi như sự kiện “chấn động” ở bản”, ông Linh nói.
Cách đây hơn 3 năm, Đồn biên phòng 555 với tiền đầu tư của Nhà nước, đã xây dựng ngay tại bản Cò Phạt một trường học mầm non và trường tiểu học. Đồn 555 “cắm” 12 chiến sĩ cùng ăn cùng ở với dân Đan Lai để giúp họ thoát nghèo, vận động các gia đình cho con em đến trường, đồng thời vận động người dân từ bỏ các hủ tục.
Ông La Văn Linh bày tỏ: “Điểm trường tại đây có 60 em từ cấp mầm non đến lớp 5. Có 1 thầy và 5 cô giáo. Bản làng tiếp tục đổi mới là nhờ những lứa học sinh này đây. Biết tiếng Kinh, biết cái chữ, biết những điều mới lạ trong sách vở sẽ làm chúng tự tin để đi ra với thế giới bên ngoài. Bộ mặt của bản làng nhờ đó sẽ khởi sắc".
Chúng tôi vào thăm Trạm quân dân y kết hợp kề sát ngay Trạm Biên phòng Khe Khặng, ở đầu bản Cò Phạt. Chiến sĩ Trần Đình Kiên ở Trạm quân dân y cho hay: Trước đây người dân có bệnh thì hay khai, cúng con ma rừng, khiến nhiều người bệnh chết oan. Nay, bà con không còn tin vào ma rừng nữa. Mỗi khi đau ốm, bà con đều ra Trạm được khám bệnh, cấp thuốc miễn phí.
Ông La Đoàn, một người dân trong bản tấm tắc khoe: “Bộ đội nó tài lắm, làm con “ma rừng” phải sợ, làm cho dân Đan Lai “hoãn” được cái đẻ. Đến nay, bà con trong bản đều nghe lời biên phòng, xoá được tình trạng đưa trẻ sơ sinh mới lọt lòng ngâm suối, người chết không còn quấn chiếu để cúng bái cả tuần như trước nữa”.
“Từ khi được Đảng và Chính phủ quan tâm, nay bản lại có Trạm quân dân y kết hợp của Bộ đội Biên phòng, có giường đẻ hẳn hoi nên không còn ai ngồi đẻ ở trên nương nữa. Bộ đội Biên phòng và Trạm kiểm lâm dạy bà con ở đây biết cách trồng lúa nước, chăn nuôi và vận động người dân từ bỏ những hủ tục. Hiện nay, những hủ tục đẻ ngồi, nhúng trẻ sơ sinh xuống suối, vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống… không còn nữa”, ông La Tám khẳng định.
Bài 2: Từ thợ săn trở thành người bảo vệ muông thú
Chu Minh