Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm ước tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ ước tăng 17%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước tăng 18%.
Tốc độ tăng trưởng của nhóm bảo hiểm phi nhân thọ ghi nhận sự bứt phá mạnh so với mức tăng khiêm tốn cùng kỳ - ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã khiến doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ chỉ tăng vỏn vẹn 5%.
Trong khi đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ 9 tháng đầu năm 2021 tăng 17%. Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng năm 2021 tăng 13% so với cùng kỳ.
Dự báo doanh thu ngành bảo hiểm tăng trưởng bình quân 15%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025. |
Theo đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, thị trường bảo hiểm Việt Nam đang có nhiều dư địa để phát triển khi mà thị trường dần ổn định, mức sống của người dân không ngừng tăng lên. Các doanh nghiệp bảo hiểm đang rất tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh doanh của mình cũng như đẩy mạnh hợp tác với các đối tác ra mắt các sản phẩm mới… đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng khách hàng. Hiện, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đang tăng tốc nhằm hoàn thành kế hoạch đề ra trong năm 2022.
Để hoàn thành mục tiêu mở rộng và phát triển, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đang tìm kiếm đối tác để thực hiện thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A). Điều này đã được chứng minh qua các thương vụ thành công trong thời gian qua.
Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2022, thị trường bảo hiểm Việt Nam ghi nhận 2 thương vụ hoàn tất thâu tóm 100% cổ phần từ Manulife và Tasco.
Mở màn là thương vụ Aviva plc (Aviva) thông báo hoàn tất việc bán 100% cổ phần của mình tại Aviva Việt Nam cho Manulife. Qua đó, Manulife chính thức thâu tóm toàn bộ đơn vị bảo hiểm này.
Chiến lược tài chính đến năm 2030 định hướng phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế. Doanh thu ngành bảo hiểm tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 15%/năm, đến năm 2025, quy mô đạt khoảng 3 - 3,3% GDP; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026 - 2030 là 10%/năm, đến năm 2030 quy mô đạt khoảng 3,3 - 3,5% GDP.
Cách đây ít ngày, Bộ Tài chính cũng có công văn chấp thuận cho CTCP Tasco (mã chứng khoán: HUT) được nhận chuyển nhượng 100% phần vốn góp của Công ty TNHH Bảo hiểm Tổng hợp Groupama Việt Nam từ tập đoàn Groupama Assurances Mutuelles - tập đoàn bảo hiểm danh tiếng của Pháp.
Bên cạnh 2 thương vụ nổi bật từ đầu năm 2022, trong năm 2021, thị trường chứng kiến thương vụ M&A giữa Sumitomo Life chi 7.098 tỷ đồng (tương đương 340 triệu USD) mua 122,5 triệu cổ phiếu BVH từ HSBC Insurance Holdings Limited. Hay như thương vụ giữa Công ty cổ phần Bảo hiểm AAA công bố cổ đông lớn nắm quyền chi phối mới - Công ty cổ phần Bamboo Capital (mã BCG) thay thế cho cổ đông lớn là Tập đoàn IAG International Pty Limited.
Ngoài các thương vụ đã hoàn tất, thị trường M&A bảo hiểm Việt Nam đến thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều màn thâu tóm khác dự kiến diễn ra trong thời gian sắp tới, chẳng hạn như: giữa tháng 7, Hội đồng quản trị Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thông qua việc đầu tư mua/nhận chuyển nhượng cổ phần phổ thông tại Công ty cổ phần bảo hiểm OPES từ các cổ đông hiện hữu.
Theo đó, ngân hàng dự kiến nhận chuyển nhượng tổng cộng 47,85 triệu cổ phần OPES (tương đương với 87% vốn điều lệ - 550 tỷ đồng ). Với đơn giá trung bình 12.200 đồng, tổng số tiền cần chi ra cho thương vụ này là 585 tỷ đồng .
Hiện, VPBank là một trong các cổ đông ban đầu của OPES với tỷ lệ nắm giữ 11% vốn. Như vậy, sau khi thâu tóm thành công, tỷ lệ chi phối sẽ lên tối đa 98% và chính thức trở thành công ty mẹ để hợp nhất báo cáo tài chính.
Với việc thâu tóm công ty này, VPBank tiếp tục tiến sâu vào phân khúc bảo hiểm phi nhân thọ bên cạnh mảng bảo hiểm nhân thọ đang hợp tác độc quyền với AIA.
Mới đây nhất, ngày 23/9, CTCP Tập đoàn Đầu tư IPA (mã chứng khoán: IPA) cũng công bố nghị quyết HĐQT về việc dự kiến chào bán hơn 213,8 triệu cổ phiếu phổ thông (tỷ lệ 1:1) với giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu ra công chúng.
Số tiền huy động dự kiến hơn 2.138 tỷ đồng, sẽ được IPA phân bổ cho nhiều hoạt động, trong đó 1.600 tỷ đồng dùng đầu tư, mua cổ phần Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (mã chứng khoán: PTI).
Trước đó, IPA từng nhiều lần đánh tiếng mua gom PTI nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa nắm cổ phiếu. Gần nhất vào tháng 7, IPA đã đăng ký mua 4,3 triệu cổ phiếu PTI để trở thành cổ đông lớn nhưng sau đó đã không thực hiện mua với lý do thay đổi kế hoạch đầu tư và điều kiện giao dịch chưa phù hợp.
Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường bảo hiểm vẫn còn phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới khi hàng loạt giải pháp cải thiện cấu trúc tổng thể của thị trường như: Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm đến năm 2030. Chiến lược này sẽ xác định rõ ràng, cụ thể mục tiêu, định hướng và các giải pháp, cũng như lộ trình phát triển thị trường bảo hiểm trong thời gian tới. Hay như Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sẽ hỗ trợ tích cực cho thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển mạnh và bền vững hơn trong tương lai.
Thanh Hoa