Bão số 3 và hoàn lưu bão đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để kịp thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khắc phục thiệt hại, ngay sau khi bão tan, Bộ Tài chính đã có nhiều công văn gửi các doanh nghiệp bảo hiểm. Trong đó đề nghị tiếp tục tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, bố trí nhân sự hỗ trợ, hướng dẫn cho khách hàng bị ảnh hưởng thiệt hại về hồ sơ, thủ tục yêu cầu bồi thường.
Cùng với đó là đẩy nhanh quá trình giám định, xác định thiệt hại, đánh giá tổn thất, tạm ứng, bồi thường... đảm bảo việc bồi thường được nhanh chóng, đầy đủ, đúng quy định.
Đến đầu tháng 12, các doanh nghiệp đã chi trả, tạm ứng, bồi thường gần 566 tỷ đồng cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và mưa lũ. |
Đối với bảo hiểm phi nhân thọ, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tiếp nhận khoảng 14.772 thông tin thiệt hại về bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tài sản kỹ thuật, bảo hiểm xe cơ giới và các nghiệp vụ khác bao gồm bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm nông nghiệp.
Thống kê từ các doanh nghiệp bảo hiểm, đến đầu tháng 12, các doanh nghiệp đã chi trả, tạm ứng, bồi thường gần 566 tỷ đồng cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và mưa lũ.
Bà Nguyễn Thị Minh Phương, Giám đốc Tài chính Công ty TNHH Dệt Pacific Crystal cho biết, ảnh hưỡng từ cơn bão số 3 khiến hơn 10.000 m2 nhà xưởng của doanh nghiệp bị hư hại. Sau khi hoàn tất thủ tục, doanh nghiệp được bảo hiểm tạm ứng 10 tỷ đồng để sửa chữa nhà xưởng, máy móc, thiết bị, giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, sản xuất tiếp các đơn hàng và đảm bảo việc làm cho toàn thể cán bộ công nhân viên.
Ông Dương Thanh Tùng, Trưởng ban Giải quyết khiếu nại, Tổng Công ty bảo hiểm PVI chia sẻ: ảnh hưởng từ cơn bão số 3, PVI ghi nhận trên 780 trường hợp thiệt hại.
Thống kê từ ABIC cho biết, tổng số khách hàng của công ty bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 lên tới 536 trường hợp, bao gồm cả khách hàng của ngân hàng mẹ Agribank. ABIC dự kiến phải chi trả tổng cộng 177 tỷ đồng để giải quyết các yêu cầu bồi thường.
"Trong đơn bảo hiểm, thường có hồ sơ trong 15 ngày, chúng tôi mới trả lời. Nhưng các trường hợp bị ảnh hưởng do bão số 3, để giúp các doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, chỉ trong vòng 24 giờ, chúng tôi phải có phản ứng ngay như có phương án khắc phục hiện trường, giải phóng hiện trường và đưa ra phương án khắc phục tạm thời để hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Tùng cho hay.
Mới đây, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, hiện Cục chưa ghi nhận phản ánh nào của khách hàng về việc chậm bồi thường hoặc từ chối bồi thường khi có đầy đủ hồ sơ tài liệu theo quy định tại hợp đồng bảo hiểm.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số doanh nghiệp tại Quảng Ninh phản ánh chưa nhận bảo hiểm thiệt hại do bão số 3. Điển hình như một khách sạn tại Hạ Long bị thiệt hại lên tới cả trăm tỷ đồng. Ngay sau bão, các công ty bảo hiểm đã xuống kiểm tra hiện trường và thẩm định thiệt hại, nhưng sau hơn 2 tháng vẫn chưa nhận được tiền chi trả của công ty bảo hiểm.
Hậu quả do bão số 3 để lại là vô cùng nặng nề, cả về người và tài sản. Việc mua bảo hiểm và chi trả tiền bảo hiểm sẽ là một phương án "cứu cánh" cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có tài sản, nhà xưởng lớn. Tuy vậy, không phải trường hợp nào mua bảo hiểm cũng đủ điều kiện để được hưởng bảo hiểm.
Theo các chuyên gia, bảo hiểm tài sản là một trong những biện pháp hiệu quả nhất giúp doanh nghiệp giảm thiểu tổn thất. Bảo hiểm tài sản bao gồm nhà xưởng, máy móc và hàng hóa, giúp doanh nghiệp có thể nhanh chóng khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh mà không phải gánh chịu toàn bộ tổn thất.
Tuy nhiên, khi tham gia bảo hiểm, điều mấu chốt là doanh nghiệp phải hiểu rõ về hợp đồng bảo hiểm, phạm vi được bảo hiểm và các điều khoản loại trừ. Nếu không nắm rõ các quy định này thì rất dễ dẫn đến những hiểu lầm và tranh chấp khi yêu cầu bồi thường.
Thực tế cho thấy, một trong những rủi ro phổ biến nhất mà doanh nghiệp gặp phải là các điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Nhiều hợp đồng có điều khoản loại trừ các sự cố thiên tai như sạt lở đất, ngập lụt do nước tràn từ hồ hoặc đập, sương muối…
Bộ Tài chính cũng khuyến cáo, một số doanh nghiệp chỉ mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cho nhà xưởng mà không mua các gói bảo hiểm mở rộng để bảo vệ trước các rủi ro như giông bão. Vì thế, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ hợp đồng khi mua bảo hiểm.
Thanh Hoa