Số liệu từ Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, tổng doanh thu phí bảo hiểm trong 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 96.799 tỷ đồng, tăng 16,22% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, doanh thu bảo hiểm nhân thọ ước đạt 66.818 tỷ đồng, tăng 19,4% so với cùng kỳ; mảng phi nhân thọ tăng trưởng khiêm tốn hơn, chỉ 10,5%, nhưng vẫn cao hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm trước.
“Ông lớn” tăng trưởng âm
Theo khảo sát của VnBusiness, trong mảng kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ đang có sự thay đổi về tăng trưởng lợi nhuận cũng như thị phần. Trong đó, ghi nhận sự vươn lên mạnh mẽ của các doanh nghiệp top dưới, còn các "ông lớn" liên tục ghi nhận sự sụt giảm doanh thu.
Cụ thể, trong 2 quý đầu năm, mảng bảo hiểm nhân thọ của Tập đoàn Bảo Việt đạt 4.910 tỷ đồng, giảm 4,97% so với cùng kỳ. Điều này đã làm rút ngắn khoảng cách với “đối thủ” liền sau là Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm (PVI), bởi doanh thu phí bảo hiểm gốc của PVI tăng 13% so với cùng kỳ, đạt 4.566 tỷ đồng trong nửa đầu năm.
Mảng kinh doanh bảo hiểm nhân thọ ghi nhận mức tăng trưởng tốt và chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu của các doanh nghiệp. |
Trước đó, năm 2020, cả Bảo Việt và PVI đều đánh mất lần lượt 1,4% và 0,2% thị phần. Bảo hiểm Bảo Minh, Bảo hiểm Bưu điện từng giữ vị trí thứ 3 và thứ 4 trong năm 2020 cũng gặp khó trong bài toán tăng trưởng thị phần, với doanh thu phí nửa đầu năm chỉ tăng trưởng ở mức thấp hoặc đi ngang. Với khoảng cách không quá cách biệt, doanh thu phí bảo hiểm của PJICO đạt gần 1.850 tỷ đồng, chỉ còn thấp hơn 450 tỷ đồng so với doanh thu của Bảo hiểm Bưu điện.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhóm dưới ghi nhận sự bứt phá. Trong nửa đầu năm 2021, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đạt được mức tăng trưởng doanh thu hai con số như Bảo hiểm Quân đội tăng 35%; Bảo hiểm Hàng không tăng 33%; Bảo hiểm BIDV tăng 18%; Bảo hiểm Bảo Long tăng 18%, PJICO tăng 13%.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh thu mảng kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ sụt giảm do tác động của đại dịch Covid-19 khiến các mảng dịch vụ dừng hoạt động như: các chuyến bay dừng, tour du lịch giảm mạnh, xuất nhập khẩu kém… kéo theo hàng loạt sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ không bán được. Cùng với đó, một số khách hàng gặp khó khăn kinh doanh nên cũng xin huỷ hợp đồng, gia hạn phí hay nợ bảo hiểm.
Cuộc đua mới về bảo hiểm nhân thọ
Ngược lại, mảng kinh doanh bảo hiểm nhân thọ ghi nhận mức tăng trưởng tốt và chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu của các doanh nghiệp.
Lãnh đạo một công ty bảo hiểm cho biết, nhìn vào số liệu 6 tháng đầu năm 2021 có thể thấy, doanh thu phí khai thác mới của hầu hết công ty bảo hiểm nhân thọ vẫn ghi nhận sự tăng trưởng, nhưng so với mức tăng của tháng 3 là tháng cuối quý I thì mức tăng của tháng cuối quý II không mấy đáng kể. Đây là một sự thay đổi đáng lo ngại vì thông thường, tháng cuối mỗi quý là thời điểm thưởng doanh số cao nên các đại lý “chạy” thi đua rất quyết liệt.
Chẳng hạn, đứng đầu về doanh thu bảo hiểm nhân thọ trong nửa đầu năm 2021 vẫn là “ông lớn” Bảo Việt, đạt 18.424 tỷ đồng, tăng trưởng 8,2% so với cùng kỳ 2020, trong đó tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 14.705 tỷ đồng, tăng trưởng 14,9%.
Tiếp theo là Manulife ghi nhận doanh thu phí khai thác mới trong 6 tháng đầu năm 2021 với gần 5.000 tỷ đồng. Sự tăng trưởng mạnh mẽ từ kênh bancassurance cũng mang lại cho nhà bảo hiểm Dai-ichi Life gần 3.000 tỷ đồng.
Ở nhóm dưới, thị trường ghi nhận sự bứt phá của FWD và Sun Life khi các kênh hợp tác mới về bancassurance bắt đầu đẩy mạnh khai thác, giúp doanh thu phí khai thác mới trong nửa đầu năm 2021 của 2 doanh nghiệp cùng đạt con số hơn 1.000 tỷ đồng…
Những sản phẩm đã và đang được các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đẩy mạnh là bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm liên kết với các ngân hàng và đơn vị khác.
Theo đánh giá của tổng giám đốc một công ty bảo hiểm, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến căng thẳng như hiện nay, tình hình khai thác kinh doanh quý III của các công ty bảo hiểm nhân thọ được dự báo sẽ khó khả quan hơn so với quý II. Trường hợp dịch bệnh được khống chế vào những tháng cuối quý III thì tăng trưởng doanh thu quý này cũng khó bật mạnh do khách hàng "ngấm đòn" Covid-19 khiến sức mua giảm.
Tất nhiên, không phải doanh nghiệp bảo hiểm nào cũng có cái nhìn bi quan. Nhiều doanh nghiệp cho biết, nếu dịch bệnh sớm được kiểm soát thì nhiều khả năng thị trường sẽ khả quan hơn trong quý cuối năm, các doanh nghiệp tiếp tục tập trung cải tiến công nghệ và tung ra nhiều chương trình bán hàng hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng trở lại…
Thực tế, trong 6 tháng qua, cùng với nỗ lực thúc đẩy bán hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã tập trung đầu tư hoàn thiện hệ sinh thái công nghệ của mình để gia tăng trải nghiệm cho khách hàng. Đơn cử, Bảo Việt Nhân thọ liên tục nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông minh vào quá trình quản lý vận hành và phục vụ khách hàng như chatbot tự động phục vụ khách hàng 24/24 giờ; ứng dụng My BVLife thân thiện nhanh chóng, đa dạng hình thức thanh toán; rút ngắn thời gian giải quyết quyền lợi bảo hiểm trong 15 phút. Các hãng bảo hiểm khác như Manulife, Chubb Life, Prudential… cũng đã đơn giản hóa quy trình giải quyết quyền lợi bảo hiểm để khách hàng có thể ngồi tại nhà gửi yêu cầu và nhận tiền bảo hiểm trực tuyến…
Khảo sát của Vietnam Report cho thấy, so với cách đây một năm, mức độ ảnh hưởng của đại dịch đến việc ra quyết định của doanh nghiệp trong một số lĩnh vực có sự thay đổi, trong đó hơn 50% doanh nghiệp bảo hiểm đang từng bước thay đổi các quyết định liên quan đến chuyển đổi số, quản lý và tiếp cận khách hàng, nghiên cứu và phát triển sản phẩm, giám định bồi thường…
Thanh Hoa