Ngày 17/10 vừa qua, một tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại khuôn viên trường Đại học Công nghệ Tp.HCM (HUTECH), cướp đi sinh mạng của một nam sinh viên năm thứ 3 khi đang xếp hàng chờ đi thang máy, gây ra một cú sốc lớn cho hàng ngàn giảng viên, sinh viên trường HUTECH.
Tai nạn từ...trên trần rơi xuống
Nguyên nhân, theo những nhân chứng của vụ việc là do một mảng bê tông lớn từ trên cao rơi xuống giữa dòng người đang xếp hàng chờ thang máy, rơi trúng người nam sinh xấu số. Đại diện trường HUTECH cho hay nguyên nhân là do máng xối nước từ tầng 16 dãy B của trường rơi xuống khiến nam sinh tử vong.
Cũng trong ngày 17/10, một tai nạn ập đến tại trường tiểu học Thạnh Qưới A (xã Thạnh Quới, huyện Long Hồ, Vĩnh Long) khi trần phòng học bất ngờ rơi xuống, khiến 9 học sinh của trường phải nhập viện cấp cứu, trong đó có 1 học sinh bị thương nặng.
Ban Giám hiệu trường Thạnh Quới A cho biết, vụ việc xảy ra do một cơn gió mạnh thổi qua khiến la-phông trần nhà của 5 phòng học, trong đó có 3 phòng có học sinh, bị rơi xuống trúng người của 20 học sinh. Đáng chú ý, trường mới được tu sửa, nâng cấp cách đây hơn một năm.
Trước đó, ngày 26/8, một tai nạn cũng xảy ra tại trường THCS - THPT Đống Đa (Tp.Đà Lạt), làm 11 học sinh lớp 6 rớt xuống tầng 1, khiến nhiều em bị chấn thương phải nhập viện. Nguyên nhân ban đầu được xác định là trường xây dựng đã lâu nên xuống cấp.
Theo ghi nhận, từ năm 2016 đến nay, đã có hàng chục vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến cơ sở vật chất, công trình trường học.
Nguyên nhân có thể kể đến như đang xếp hàng thì bị mảng vữa bê tông rơi trúng đầu, đang ngồi học bị cánh quạt trần rơi xuống, bị la-phông rơi vào đầu, sập trần nhà, đổ cổng trường, điện giật... Rõ ràng, chất lượng công trình trường học đang thực sự có vấn đề.
Chị Hoàng Thùy Vân, KĐT Mỹ Đình (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội), chia sẻ: “Mới đây thôi (ngày 25/9), công trình trường mầm non hơn 500 m2 đang xây dựng tại khu này bất ngờ đổ sập toàn bộ tầng 2 và mặt sàn tầng 3. Chúng tôi nhìn thấy mà kinh hãi, trường mới, trường cũ bây giờ cũng đáng sợ vô cùng”.
Khi có tai nạn, sinh viên, học sinh là những người chịu hậu quả
Trách nhiệm thuộc về ai?
Các vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng liên tục xảy ra, những người chịu hậu quả thì đã rõ, nhưng câu hỏi đặt ra là ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Luật sư Phạm Quốc Đạt, Văn phòng luật Đạt và cộng sự (Cầu Giấy, Hà Nội), cho rằng trách nhiệm trước tiên thuộc về chủ sở hữu, tức là HĐQT nhà trường và các thành viên góp vốn liên quan.
“Trước tiên, chủ sở hữu phải có trách nhiệm bồi thường cho gia đình nạn nhân. Sau đó, chủ sở hữu có thể kiện lại nhà thầu thi công (đang thi công hoặc đã thi công nhưng công trình còn trong thời hạn bảo hành), vì sự cố xảy ra trong khuôn viên nhà trường thì nhà trường phải chịu trách nhiệm”, luật sư Đạt nói.
Ghi nhận tại các trường học trên địa bàn Tp.Hà Nội cho thấy hầu hết các trường đều có bộ phận chuyên trách việc kiểm tra chất lượng cơ sở vật chất, công trình trong trường. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của bộ phận này còn rất hạn chế, do trình độ, trách nhiệm yếu kém, khiến các nguy cơ sự cố chưa được kiểm soát kịp thời.
Sau những thảm họa tại các công trình trường học thời gian qua, các chuyên gia khuyến cáo các trường học cần rà soát lại chất lượng các công trình của trường như đường dây điện, quạt, cửa sổ có khung, ban công hành lang cao…; chú trọng việc kiểm tra, cảnh báo những nguy cơ tai nạn, kịp thời có phương án phòng tránh.
Ngoài ra, nhà trường cần có nội quy rõ ràng và nghiêm khắc với các hoạt động trong lớp, nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh… Đồng thời, thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa dạy học sinh cách phòng chống các tai nạn về điện, an toàn giao thông, đuối nước, khả năng quan sát, xử lý các xự cố bất ngờ…
Đặc biệt, Bộ GD&ĐT cùng các cơ quan quản lý nhà nước cần quy định rõ ràng về trách nhiệm khi có sự cố xảy ra, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm và “rút kinh nghiệm sâu sắc”(!).
Văn Nguyễn