Mới đây, đoàn chuyên gia quốc tế bao gồm đại diện FAO, và ông Constante De Jesus Palabrica - đại diện Bộ Nông nghiệp Philippines, các chủ trang trại Philippines cùng với một số chuyên gia của Việt Nam đã tiến hành khảo sát tại một số trang trại lợn ở Hưng Yên, Lạng Sơn, huyện Mê Linh và huyện Mỹ Đức, Hà Nội về thực trạng tiêm vắc xin tả lợn châu Phi. Sau khi kết thúc chuyến khảo sát, đoàn chuyên gia quốc tế đã có buổi gặp mặt và trao đổi với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).
Tại cuộc gặp mặt, ông Constante cho biết, trước khi dịch bệnh tả lợn châu Phi bùng phát vào đầu quý III, tổng đàn lợn của Philippines có khoảng 1 triệu lợn nái, 15-20 triệu lợn thịt. Tuy nhiên dịch bệnh đã khiến số lượng lợn đã suy giảm mạnh, có tới 40-50% số lợn bị tiêu hủy. Điều này gây thiệt hại vô cùng lớn cho nền kinh tế nước này, đặc biệt là những người chăn nuôi nhỏ lẻ.
Nhờ tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi của công ty AVAC, bảo vệ được đàn lợn mà còn mang lại lợi nhuận đáng kể. |
Sau một thời gian nghiên cứu, thử nghiệm, Philippines đã cấp phép lưu hành vắc xin tả lợn châu Phi AVAC ASF Live của Việt Nam vào tháng 7 và đặt mua 600.000 liều, nhận theo nhiều đợt. Những vắc xin này khi nhập về đã được tiêm trên lợn thịt tại nhiều trang trại khắp Philippines.
Ông Constante cho biết, bên cạnh là một cán bộ phụ trách mảng lợn và gia cầm cho Bộ Nông nghiệp thì tôi cũng là chủ tịch của doanh nghiệp chăn nuôi lợn với 250.000 con, ông đã tiến hành tiêm thử nghiệm 10.000 liều vắc xin AVAC ASF Live trên lợn thịt tại trang trại của mình, cho thấy kết quả rất tốt.
"Hiện nay vắc xin này cũng đã được sử dụng tại 1 số trang trại khác cho kết quả tương tự. Vì thế, tôi đã đi tất cả các tỉnh của Philippines để cung cấp thông tin chi tiết về vắc xin cho người chăn nuôi. Nhiều trang trại đã bày tỏ mong muốn được sử dụng vắc xin để phòng bệnh cho đàn lợn của mình. Khi nhận được thông tin từ Việt Nam rằng loại vắc xin này có hiệu quả trên cả lợn nái và đực giống, trong khi Philippines cũng đang tiến hành thử nghiệm tiêm trên lợn nái nên đoàn công tác đến Việt Nam để tiến hành khảo sát.
Theo ông Contante Palabrica, mục đích của chuyến khảo sát lần này là xác định khả năng sử dụng vắc xin AVAC ASF LIVE trên lợn nái. Chính phủ Philippines đã đặt hàng 500.000 liều vắc xin cho lợn thịt theo quy trình kiểm soát. Tuy nhiên, việc tiêm vắc xin cho lợn nái cũng được coi là rất quan trọng. Do đó, Philippines mong muốn tiến hành khảo sát và đánh giá việc sử dụng vắc xin này trên lợn nái tại các hộ chăn nuôi ở Việt Nam nhằm đưa ra những quyết định phù hợp.
Được biết, đoàn khảo sát sẽ căn cứ vào dữ liệu từ nhà sản xuất AVAC để đánh giá mức độ an toàn của vaccine trên đàn lợn nái. Tiếp theo, họ sẽ tiến hành thử nghiệm thực tế trên lợn nái tại Philippines. Sau khi có kết quả, Bộ Nông nghiệp sẽ trình bày các đề xuất lên Chính phủ ban hành việc phê duyệt sử dụng vaccine này trên đàn lợn nái và không qua kiểm soát của Chính phủ như hiện tại.
“Chúng tôi rất hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ sớm phê duyệt sản phẩm vaccine này cho lợn nái, điều này sẽ làm cơ sở vững chắc cho chúng tôi trong việc phê duyệt vắc xin tương tự tại Philippines”, ông Contante Palabrica bày tỏ.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ, hiện tại Bộ NN&PTNT cũng đã có văn bản đề xuất lên Chính phủ mua thêm vắc xin để tiêm rộng rãi cho người chăn nuôi tại Việt Nam và đang chờ ý kiến của Bộ Tài chính.
Ông Tiến khuyến cáo Chính phủ Philippines nên nhanh chóng hoàn tất các thủ tục để tiến hành tiêm vắc xin rộng rãi đảm bảo sinh kế cho người chăn nuôi, đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn, góp phần phát triển đất nước. Ông Tiến khẳng định đây là một dấu mốc quan trọng trong việc tăng cường mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Philippines. Đồng thời Thứ trưởng ngỏ ý sẵn sàng đưa các chuyên gia sang tập huấn hỗ trợ cho Philippines
Hồng Hương