Với tổng số 27.232 hộ dân, trong đó trên 90% là hộ đồng bào DTTS, huyện Kim Bôi đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong công tác giảm nghèo bền vững. Nằm trong số các huyện nghèo trên cả nước nhận được sự hỗ trợ của Chương trình 30a, Kim Bôi đã tích cực triển khai nhiều chương trình, chính sách, dự án đặc thù dành cho vùng đồng bào DTTS và miền núi đặc biệt khó khăn. Từ đó, tạo động lực cần thiết để vươn lên thoát nghèo, hướng tới phát triển toàn diện về KT-XH.
Khai thác thế mạnh
Là địa phương có thế mạnh về trồng màu, huyện đã tập trung phát triển các loại cây như bí xanh, bí đỏ tại các xã Nam Thượng, Hợp Kim, Sào Báy, Mỵ Hòa, Đú Sáng; vùng trồng khoai tây tại các xã Vĩnh Đồng, Hạ Bì... Huyện đã xây dựng các chuỗi sản xuất liên kết với các doanh nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm như: Chuỗi ngô ngọt tại xã Mỵ Hòa 100 ha/vụ liên kết với công ty Xuất nhập khẩu Đồng Giao - Ninh Bình; 20 ha dưa chuột Nhật với công ty Pacific Hòa Bình; 3 ha trồng đậu đũa liên kết với công ty CP miền bắc; 46 ha sản xuất hạt giống với công ty Tân Lộc Phát; 6 ha trồng măng tây tại xã Nam Thượng và Hạ Bì; 5 ha ớt với công ty ớt Việt Nam, chuỗi rau an toàn với diện tích 10 ha tại các xã Nam Thượng, Hạ Bì.
Huyện Kim Bôi đang đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp để giảm nghèo bền vững |
Cùng với đó, huyện tập trung phát triển diện tích cây ăn quả tại các xã Tú Sơn, Vĩnh Tiến, Bình Sơn, Kim Sơn, Mỵ Hòa, Nam Thượng. Hiện, toàn huyện có trên 1.600ha cây ăn quả, trong đó cây ăn quả có múi 1.000ha, nhãn 231 ha, cây khác 433 ha; diện tích kinh doanh hiện tại là 787ha. Bình quân thu nhập cây có múi đạt từ 350 - 400 triệu đồng/năm.
Trên địa bàn huyện đang có 21 HTX, 15 trang trại, 1 nông trại. Trong đó 11 HTX hoạt động theo hình thức liên kết với doanh nghiệp, có 2 HTX đã xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu và cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, 1 HTX chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Các HTX hoạt động ngày càng có hiệu quả, tích cực đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và tăng thu nhập cho người dân. Điển hình, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Bắc Sơn tham gia làm nông nghiệp hữu cơ từ khi mới thành lập (tháng 11/2012).
Nhằm giúp nông dân trên địa bàn tiếp cận và ứng dụng hiệu quả tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, hơn 3 năm qua, HTX đã mở được 6 lớp tập huấn miễn phí về giống cây trồng, chăn nuôi thú y và dệt thổ cẩm cho 360 học viên là người dân xã Bắc Sơn và một số xã lân cận. Từ đó, các hộ dân xã Bắc Sơn đã xây dựng và từng bước nhân rộng mô hình phát triển kinh tế với các loại vật nuôi mới đem lại hiệu quả kinh tế cao như thỏ, dế, gà Đông Tảo và sắp tới là vịt trời.
Người dân có thể làm giàu
Những năm trước đây, trong phát triển kinh tế rừng, cây trồng duy nhất ở Bắc Sơn là keo lai. Khi HTX đi vào hoạt động, trên đồi rừng Bắc Sơn đã phát triển được hơn 4 ha Thiên Ngân, một loại cây lấy gỗ làm nguyên liệu giấy, giá trị kinh tế được đánh giá gấp 10 lần cây keo.
Ông Nguyễn Ngọc Can, Giám đốc HTX khẳng định: "Thiên Ngân là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, tốc độ tăng trưởng mạnh và được thị trường ưa chuộng. Cùng một chu kỳ sản xuất như keo lai nhưng loại cây này trồng thí điểm ở Nghệ An, Phú Thọ đã đem lại hiệu quả rõ rệt cả về năng suất, sản lượng và giá trị kinh tế. Chúng tôi hy vọng, qua mô hình điểm đã được triển khai, Thiên Ngân sẽ dần thay thế diện tích rừng trồng bằng cây keo trên địa bàn để người dân có thể làm giàu từ phát triển kinh tế rừng".
Nét nổi bật trong hoạt động của HTX là việc tìm tòi, nghiên cứu và thực hiện thành công mô hình lúa thảo dược, loại cây khỏe, đẻ nhánh khỏe, không sợ giông bão, chỉ cấy một dảnh nên tiết kiệm được giống, năng suất bình quân đạt 72-75 tạ/ha.
Với chất lượng đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Việt Nam và Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia khẳng định, lúa thảo dược có giá thành rất cao (giá lúa giống 100.000 đồng/kg, giá gạo 80.000 đồng/kg). Đặc biệt, rơm, rạ của lúa thảo dược còn được chế biến thành chè thảo dược với giá 100.000 đồng/kg. Tính riêng lúa thịt, trừ chi phí, giá trị 1 ha lúa thảo dược cũng đạt 40 triệu đồng/vụ. Loại cây trồng này sẽ mở ra triển vọng mới trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân trên địa bàn Kim Bôi.
Nhìn chung, việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với các mô hình kinh tế làm ăn hiệu quả đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 53,79% (năm 2011) còn 21,15% (năm 2014); giai đoạn 2016 - 2020, chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm từ 35,04% (năm 2015) còn 20,14% (năm 2018). Với đà giảm nghèo đang có, huyện đặt mục tiêu trong giai đoạn 2019 - 2024 giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân khoảng 4%/năm; phấn đấu đến năm 2024, thu nhập bình quân đầu người ở các xã đặc biệt khó khăn đạt trên 24 triệu đồng/năm.
Hoàng Lê