Quế Phong là một trong 64 huyện nghèo của cả nước, địa bàn rộng, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, dân cư phân bố không đồng đều. Đời sống của một bộ phận nhân dân và thanh thiếu nhi còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, với vai trò xung kích của đoàn viên thanh niên, HTX Nông nghiệp dịch vụ Hủa Na tại bản Tục, xã Đồng Văn đã được thành lập và đi vào hoạt động.
Thanh niên lập nghiệp
HTX Nông nghiệp dịch vụ Hủa Na có 12 thành viên là đoàn viên thanh niên. HTX đi vào hoạt động là mong muốn của đoàn viên thanh niên nhằm hỗ trợ giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu cá lòng hồ Thủy điện Hủa Na giúp cho việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm được tốt hơn.
Mô hình nuôi cá lồng của HTX Hủa Na giúp người dân giảm nghèo |
Vì vậy, việc vận động thành viên tham gia HTX được sự hưởng ứng của đoàn viên thanh niên, đặc biệt là sự quan tâm tạo điều kiện của Đoàn cấp trên và Đảng ủy, chính quyền địa phương. Sau khi thành lập, Đoàn thanh niên thường xuyên quán triệt, tuyên truyền về mục đích, định hướng phát triển của HTX cũng như quyền lợi và trách nhiệm của các thành viên khi tham gia HTX.
Tận dụng nguồn nước hồ thủy điện và nguồn thức ăn phong phú, các thành viên đã đầu tư đặt lồng, nuôi những cá đặc sản của vùng
Để phát triển mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện Hủa Na theo hướng bền vững, các thành viên đã tham gia các lớp tập huấn chuyên môn về nuôi cá cũng như tích cực đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở các địa phương khác để có kinh nghiệm, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất.
Nếu như người dân sử dụng lồng cá được đóng từ các vật liệu tre, gỗ, thì HTX đầu tư hệ thống đường ống thép và lưới dù rất chắc chắn, có thể sử dụng lâu dài, giữ được vật nuôi chắc chắn và dễ di chuyển đến nhiều khu vực khác nhau.
Tùy từng loại cá, các thành viên sẽ có cách chăm sóc và liều lượng thức ăn khác nhau. Các loại như: rô phi, trắm ốc, trắm cỏ chủ yếu cho ăn cỏ và các loại lá rừng. Còn các loại cá vược, cá leo, cá lăng thường ăn cá mương được đánh bắt ngay tại lòng hồ.
Vất vả nhất vẫn là khi cá giống còn nhỏ, thức ăn cho chúng phải bằm nhuyễn hoặc xay nhỏ trộn lẫn bột ngô cho ăn ngày 3 lần. Khi có các triệu chứng bệnh nấm, trên vảy xuất hiện những đốm đỏ, còn đối với các loại cá da trơn sẽ bị thối và phân hủy dần trên da, các thành viên phải bắt cá bỏ vào thùng riêng để ngâm thuốc tím khoảng 10 – 15 phút rồi thả lại lồng. Để phòng bệnh, HTX cũng thường xuyên treo các bịch vôi trong các lồng cá, cứ 10 ngày thay 1 lần.
Nâng cao thu nhập
Nhận thức những thuận lợi và khó khăn trên thị trường cũng như trong quản lý, các thành viên HTX đã quyết tâm đoàn kết, hỗ trợ nhau sản xuất nhằm mang lại lợi ích thiết thực.
Từ khi thành lập đến nay, HTX đã liên kết tiêu thụ sản phẩm tại các siêu thị thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố Vinh và đã tiêu thụ được 4 tạ cá leo cho các mô hình của thanh niên. Ngoài ra, thông qua khách tham quan du lịch lòng hồ, HTX đã tiêu thụ được sản phẩm qua việc nấu ăn cho khách. Dự kiến đến cuối năm 2019, HTX tiêu thụ 1 - 1,5 tấn sản phẩm từ cá.
Ở lòng hồ, HTX nuôi nhiều loài cá khác nhau, trong đó cá vược là loài mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất, do loài cá này không những có chất thịt thơm, ngon mà còn có hàm lượng chất dinh dưỡng vượt trội hơn các loài cá khác nên được thị trường đón nhận. Chỉ tính riêng một lồng cá vược, HTX có thể thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Hiện nay, không chỉ bảo đảm được đầu ra, HTX còn bao tiêu sản phẩm cho các hộ nuôi cá trên lòng hồ Thủy điện Hủa Na. Yêu cầu đặt ra là các hộ nuôi cá trên lòng hồ phải chú trọng nuôi trồng theo hướng an toàn, bảo đảm vệ sinh thực phẩm cũng như vệ sinh môi trường, không vì lợi ích kinh tế mà làm ô nhiễm môi trường nguồn nước lòng hồ. Hiện HTX đã hỗ trợ các hộ dân về mặt kỹ thuật và giống để người dân yên tâm sản xuất.
Việc khai thác tiềm năng nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Hủa Na của HTX đã góp phần giúp các đoàn viên thanh niên trên địa bàn có việc làm và thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, HTX còn góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân thông qua việc khai thác được tiềm năng lòng hồ để tạo ra nguồn thực phẩm sạch, chất lượng cao.
Hiện, HTX đang tích cực phối hợp với các cơ quan, đặc biệt là phối hợp với Đội tri thức trẻ tình nguyện chuyển giao khoa học của Tỉnh đoàn trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, tìm đầu ra và nâng cao chất lượng sản phẩm của mô hình nuôi cá lồng lòng hồ. Thành công bước đầu của HTX Nông nghiệp dịch vụ Hủa Na là động lực lớn giúp đoàn viên thanh niên mạnh dạn khởi nghiệp, lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương, góp phần xóa đói giảm nghèo, tiến tới mục tiêu thoát khỏi huyện nghèo của Quế Phong.
Ông Lương Thái Quý – Chủ tịch UBND xã Đồng Văn, huyện Quế Phong (Nghệ An) cho biết: Việc khai thác tiềm năng nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Hủa Na đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Cùng với đó còn khai thác được tiềm năng lòng hồ để tạo ra nguồn thực phẩm sạch, chất lượng cao. Vì thế, hằng năm chính quyền địa phương đều quan tâm, hỗ trợ người dân, HTX mở rộng sản xuất.
Như Yến