Toàn huyện A Lưới có 7 cơ sở sản xuất nghề dệt dzèng thổ cẩm truyền thống (thị trấn A Lưới, xã Nhâm, Phú Vinh, Hồng Thượng, A Roàng, A Đớt, A Ngo) và HTX Dệt thổ cẩm A Co, với khoảng 300 lao động. Địa phương đã có 2 làng nghề được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế công nhận là làng nghề truyền thống bao gồm làng nghề dệt dzèng A Hưa (xã Nhâm) và làng nghề dệt dzèng A Đớt (xã A Đớt), mỗi năm đào tạo hàng chục người về kỹ thuật may trang phục truyền thống.
Tăng cường dạy nghề
Theo Tổ trưởng tổ dệt dzèng ở thị trấn A Lưới - bà Mai Thị Hợp, sản phẩm dzèng của Tổ cũng như của người dân trên địa bàn làm ra được đưa đến các địa phương khác như Nam Đông (Thừa Thiên - Huế), Đông Giang, Tây Giang (Quảng Nam), Hướng Hóa, Đắkrông (Quảng Trị), Đà Nẵng... tiêu thụ. Tổ dệt do bà Hợp làm tổ trưởng đến nay đã có 35 phụ nữ các dân tộc Cơ Tu, Pa Kô, Vân Kiều, Pa Hy trên địa bàn huyện học hỏi mặc dù đây là nghề truyền thống của riêng người Tà Ôi.
Giới thiệu sản phẩm thổ cẩm truyền thống của phụ nữ Tà Ôi |
Những năm qua, Tổ đã mở 5 đợt dạy nghề, thu hút hàng trăm chị em các dân tộc trên địa bàn huyện học hỏi. Ngoài phát triển nghề dệt dzèng ở hầu khắp các hộ gia đình, hiện ở A Lưới đã có 3 tổ hợp dệt được thành lập ở các xã Phú Vinh, A Đớt và thị trấn A Lưới.
Trước đây, chị em phụ nữ không ai biết dệt dzèng, nhưng sau khi được dạy nghề, các thành viên đã biết dệt để có thu nhập khoảng 2 triệu đồng/tháng. Các sản phẩm thổ cẩm của A Lưới thường được trang trí các hoa văn họa tiết truyền thống bằng các gam màu đỏ, trắng, vàng, đen… Vì thế, khách hàng đánh giá cao nhờ có chất lượng tốt và có tính sáng tạo cao.
Hầu hết những gia đình có nghề dệt dzèng trên địa bàn huyện đều có thu nhập ổn định. Huyện miền núi A Lưới đang dần thoát nghèo nhờ việc phát triển nghề dệt dzèng truyền thống. Hiện nay, có gần 100% phụ nữ tại các xã như Nhâm, Hồng Thái, A Ngo, A Roàng, A Đớt và một phần thị trấn A Lưới đều có khả năng dệt dzèng. Nghề dệt dzèng đã và đang giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần lẫn vật chất của đồng bào A Lưới khi tạo thêm thu nhập cho bà con và phục vụ du lịch, nghiên cứu văn hóa…
Hỗ trợ nghề truyền thống
Để hỗ trợ nghề truyền thống phát triển và phát huy hiệu quả, Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã tiến hành khảo sát, thẩm định và hỗ trợ cho HTX Dệt thổ cẩm A Co 35 triệu đồng mua bộ dàn khung dệt cải tiến và các phụ kiện đi kèm, với công suất từ 15 - 20 mét vải/ngày. Được tiếp sức từ nguồn vốn khuyến công, HTX dệt thổ cẩm A Co đã mạnh dạn đầu tư gần 100 triệu đồng trang bị máy sản xuất vải dzèng. Qua đó góp phần thay đổi mô hình sản xuất từ thủ công sang máy móc ở huyện vùng cao này.
Bà Nguyễn Thị Hồng - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Dệt thổ cẩm A Co, cho hay từ khi có dàn khung dệt cải tiến, năng suất tại HTX tăng lên rõ rệt, chất liệu vải sản xuất ra nhẹ, bền đẹp, giá thành thấp nên được thị trường ưa chuộng. Năng suất của máy gấp 5 - 7 người, trung bình mỗi người dệt 1 tấm vải dzèng dài 3m mất hơn 1 tuần, trong khi máy dệt cải tiến có thể dệt từ 15 - 20 mét vải dzèng/ngày. Đặc biệt là các trường dân tộc đã chọn sản phẩm từ khung dệt cải tiến để may áo quần cho học sinh. Trong thời gian tới, HTX xin thêm 1- 2 máy nữa, xin hỗ trợ công tác đào tạo kỹ thuật cho con em đồng bào để nâng cao tay nghề làm việc tại HTX.
Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện A Lưới, cho biết Phòng luôn tuyên truyền, vận động các hộ gia đình giữ gìn và phát triển nghề dệt dzèng và đang tiến tới xây dựng đề án bảo tồn hoa văn trên thổ cẩm. Huyện A Lưới cũng đã có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, tập huấn kỹ thuật, sản xuất những mặt hàng phục vụ nhu cầu thị trường hàng hóa cho những người làm nghề dệt dzèng. Hiện nay, nhiều du khách tìm đến huyện miền núi A Lưới để tận mắt chứng kiến những công đoạn dệt dzèng và mua sản phẩm dzèng của người dân nơi đây. Ngoài ra, sản phẩm dzèng còn được trưng bày ở các hội chợ, làng nghề tại Tp Huế, Tp Đà Nẵng…
Nhờ nghề dệt dzèng, các xã của huyện vùng cao A Lưới hôm nay khởi sắc với một màu xanh bát ngát của rừng keo lai hai bên đường. Những “sơn đạo” trước đây “nắng bụi mưa bùn” nay đã được bê tông và nhựa hóa; những căn nhà lụp xụp ngày nào giờ được sửa sang, xây mới xinh đẹp, khang trang ẩn hiện trong các vườn cây ăn quả. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng nâng cao.
Thu Huyền