Thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình đã thực hiện các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo. Cụ thể là các mô hình "Nuôi ếch" ở xã Duy Ninh (huyện Quảng Ninh) và xã Trường Thủy (huyện Lệ Thủy), "Trồng mướp đắng an toàn" ở xã Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh) và xã Hưng Thủy (huyện Lệ Thủy), "Nuôi ong lấy mật" ở xã Yên Hóa (huyện Minh Hóa) và xã Thanh Thạch (huyện Tuyên Hóa), "Nuôi vịt trời" ở xã Quảng Hợp (huyện Quảng Trạch), "Nuôi bò lai sinh sản" ở xã Phù Hóa (huyện Quảng Trạch) và xã Kim Hóa (huyện Tuyên Hóa), "Trồng nấm" ở xã Dương Thủy (huyện Lệ Thủy).
Tấm gương thoát nghèo
Những người tham gia dự án, mô hình được tập huấn, phổ biến kiến thức, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học, thức ăn chăn nuôi, vắc xin... Mục đích chính của việc nhân rộng các mô hình giảm nghèo là nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế tại địa phương, đưa kỹ thuật, thành tựu công nghệ mới có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, từng bước phát triển quy mô sản xuất từ nhỏ lẻ, hộ gia đình sang liên kết hợp tác sản xuất, hình thành và phát triển sản phẩm mang tính hàng hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Tỉnh Quảng Bình đang thực hiện các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo |
Là tấm gương phụ nữ tiêu biểu trong phong trào phụ nữ vươn lên thoát nghèo, chị Trương Thị Lược (sinh năm 1970, ở thôn Bắc Cổ Hiền, xã Hiền Ninh) vốn nằm trong danh sách hộ nghèo của xã khi chồng phát bệnh, không có khả năng lao động, cuộc sống thường xuyên “cơm không lành, canh không ngọt”. Chị đành lựa chọn cuộc sống làm mẹ đơn thân và bắt tay gây dựng cơ nghiệp, trở thành trụ cột nuôi hai con nhỏ.
Mong muốn vươn lên thoát nghèo, chị Lược tích cực tham gia các lớp tập huấn về mô hình chăn nuôi, trồng trọt mở tại xã. Hội Phụ nữ xã cũng tạo điều kiện cho chị được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế. Với số tiền vay được, cùng với số vốn vay thêm của anh em, họ hàng, chị mở tổ hợp tác trồng nấm. Nhờ có kiến thức được học, chị áp dụng vào mô hình sản xuất và sau vài tháng đã cho thu nhập. Chị quay vòng tiếp tục tái đầu tư, mở rộng sản xuất để trang trải những chi phí sinh hoạt trong gia đình và nuôi con ăn học.
3 năm sau, gia đình chị Lược chính thức thoát nghèo và đến cuối năm 2016, thoát khỏi hộ cận nghèo. Năm 2018, chị thành lập HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Bắc Tiến, tạo việc làm cho 20 phụ nữ đơn thân, tàn tật trên địa bàn xã với mức thu nhập 200.000 đồng/người/ngày…
Tập trung nguồn lực hỗ trợ
Cũng giống như chị Lược, gia đình anh Trương Quang Long, thôn Trường Dục đã vươn lên thoát nghèo bằng sản xuất dịch vụ nông nghiệp ở xã Hiền Ninh. Năm 2015, gia đình anh vào danh sách hộ cận nghèo khi vợ mất vì căn bệnh ung thư, các con còn nhỏ. Từ nguồn vốn gần 200 triệu đồng của Hội Nông dân xã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và vay mượn người thân, anh mạnh đầu tư mua các loại máy móc phục vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, như: máy cày, máy cắt, máy phay và làm dịch vụ xay xát… Từ một hộ cận nghèo, nhờ sự cần cù chịu khó phát triển kinh tế, gia đình anh Long đã thoát nghèo trở thành hộ khá trong thôn…
Theo ông Nguyễn Ngọc Hùng, Chủ tịch UBND xã Hiền Ninh, kết quả rà soát đầu năm 2017, toàn xã Hiền Ninh có 217 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 9,96%), đến năm 2018 giảm xuống còn 155 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 7,15%) và đến nay còn 86 hộ (chiếm tỷ lệ 3,95%). Trong đó, 90% hộ nghèo thuộc diện già cả, mất sức lao động, tàn tật hưởng chế độ bảo trợ xã hội. Để đạt kết quả đó, các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể địa phương đã quan tâm, tập trung các nguồn lực và đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ người dân phát triển kinh tế gắn với xóa đói giảm nghèo.
Cùng với đó, xã tăng cường vận động, hướng dẫn cách sản xuất, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao khoa học-kỹ thuật, công nghệ để người dân áp dụng vào phát triển kinh tế. Các mô hình mới không chỉ tăng năng suất, chất lượng nông sản mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho các hộ gia đình. Điển hình, trong năm 2018, mô hình “Trồng cây mướp đắng sạch” do Hội Phụ nữ xã thực hiện đã hỗ trợ 25 hội viên nghèo tham gia và giúp 12 chị thoát nghèo, cận nghèo.
Những kết quả này đã đóng góp không nhỏ trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2016-2020.
Tiến Minh