Xác định sự chủ động của người dân trong phát triển kinh tế là chỗ dựa vững chắc cho công tác giảm nghèo, huyện đã tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội được đầu tư trên địa bàn, gắn với phát huy các thế mạnh sẵn có của địa phương; nghiên cứu xây dựng các dự án, giải pháp cụ thể để hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội ở các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao dựa trên những ý kiến đề xuất của người dân…
Điều kiện phù hợp
Là một xã nghèo điển hình của Bắc Hà, Bản Già có 234 hộ dân, nhưng trong đó đã có đến 175 hộ thuộc diện hộ nghèo... Bà con nơi đây chủ yếu là dân tộc Mông. Trước kia, người dân Bản Già chủ yếu là trồng lúa và trồng ngô. Từ năm 2016, theo chủ trương của huyện, Bản Già được quy hoạch trồng dược liệu đương quy, với diện tích hơn 4 ha.
Cánh đồng dược liệu tại xã Bản Già |
Nhờ phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, được chăm sóc chu đáo, nên cây dược liệu đương quy phát triển khá tốt, cho thu nhập cao gấp 3-4 lần so với sản xuất ngô, lúa. Mặc dù diện tích còn khiêm tốn nhưng đây là hướng đi mới và là cây mang lại thu nhập cao nhất cho Bản Già đến thời điểm này.
Cây đang được xem là cứu cánh cho ước mơ xóa đói giảm nghèo của Bắc Hà hôm nay. Gia đình chị Mù Thị Dũng (thôn Lù Sui Tủng, xã Bản Già) trước kia chỉ trồng ngô, lúa nên kinh tế rất khó khăn. Năm 2016, từ chủ trương của xã, gia đình đã chuyển đổi gần 5.000m2 đất trồng ngô sang trồng cây đương quy, được hỗ trợ giống, phân bón và nilon phủ mặt luống.
Vừa làm vừa học, gia đình chị dần nắm vững kỹ thuật chăm sóc cây đương quy nên kinh tế ngày một khấm khá hơn do thu nhập từ đương quy cao hơn nhiều so với trồng ngô, lúa. Vụ đương quy đầu tiên, gia đình đã thu về hơn trăm triệu đồng, có tiền chi phí phục vụ sinh hoạt, nâng cao đời sống và tái sản xuất.
Cùng thôn, gia đình anh Hảng Seo Pao có mảnh đất gần 1 ha, gia đình anh chỉ trồng 1 vụ ngô, hiệu quả kinh tế rất thấp. Từ năm 2016, thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, được công ty Cổ phần Nam Dược và công ty TNHH MTV Traphaco Sa Pa cam kết tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định, nên gia đình đã mạnh dạn chuyển sang trồng đương quy, mỗi năm cho thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng. Thời gian tới, gia đình sẽ mở rộng thêm diện tích để tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống.
Vươn lên làm giàu
Là một trong 8 xã nằm trong vùng quy hoạch trồng dược liệu giống như bản Già, Lùng Phình có độ cao 1.300m so với mực nước biển, thích hợp trồng nhiều loại cây dược liệu. Hiện, xã đã đưa vào trồng 4 loại cây dược liệu chính là: Atiso, đương quy, đan sâm và cát cánh.
Ông Mai Xeo Diu, Chủ tịch UBND xã Lùng Phình cho biết: Cây dược liệu đang được nhiều hộ dân trong xã đưa vào trồng thay thế diện tích ngô kém hiệu quả. Cây dược liệu phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, có giá trị kinh tế cao. Trung bình mỗi ha cây dược liệu cho thu từ 80 - 200 triệu đồng. Nhờ đó, nhiều hộ dân trồng cây dược liệu đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Nhờ loại cây giảm nghèo này, năm 2018, số hộ nghèo trên địa bàn giảm 1.335 hộ so với năm 2017, tỷ lệ giảm nghèo 10,76% (đạt 194,03% kế hoạch tỉnh giao), tỷ lệ hộ nghèo còn lại chiếm 28,25%, GRDP bình quân đầu người đạt 26,8 triệu đồng (tăng 11,67% so với cùng kỳ).
Năm 2019, Bắc Hà phấn đấu nâng mức GRDP bình quân đầu người lên 30 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn lại chiếm 20,25%; tỷ lệ người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 90,6%; tỷ lệ hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt trên 90%...
Theo lãnh đạo huyện Bắc Hà, định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, từ năm 2016, huyện đã chỉ đạo các xã có điều kiện thích hợp chuyển đổi các diện tích trồng ngô, lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây dược liệu. Đến nay, các vùng trồng dược liệu đang tạo ra nhiều chuyển biến tích cực cho các cho địa phương trong xã, đặc biệt là các xã vùng cao.
Hiện tại, toàn huyện Bắc Hà đã có trên 100 hộ dân tham gia trồng cây dược liệu. Theo đề án phát triển cây dược liệu của tỉnh Lào Cai, đến năm 2020, huyện Bắc Hà sẽ có trên 84 ha là cây dược liệu, góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Để thực hiện dự án phát triển cây dược liệu, thời gian tới, huyện Bắc Hà tiếp tục phối hợp với Viện cây dược liệu, công ty Traphaco, công ty Nam dược... nâng tổng diện tích cây dược liệu lên khoảng 40 ha, trong đó có 19 ha cây đương quy tại 4 xã trong vùng dự án là: Bản Già, Lùng Phình, Na Hối, Nậm Mòn. Hiện, huyện đã và đang đầu tư dây chuyền chế biến trà nhúng các sản phẩm từ cây dược liệu trồng trên địa bàn để thu mua tại chỗ cây dược liệu.
Thu Huyền