Kiên Thành là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Trấn Yên, người dân nơi đây sống chủ yếu dựa vào kinh tế đồi rừng, hình thức canh tác quảng canh, trồng tràn lan các loại cây, mức độ rủi ro cao hay bị sâu bệnh nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Từ khi thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xã vùng cao thuộc diện khó khăn này có những bứt phá mới trong tận dụng diện tích quỹ đất để nâng cao thu nhập cho người dân.
Hình thành vùng sản xuất lớn
Để giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, trong những năm qua, xã Kiên Thành đã đưa cây tre măng Bát độ vào trồng và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ban đầu, xã gặp nhiều khó khăn do người dân còn đắn đo, không ủng hộ, vẫn còn quen với tập quán canh tác cũ, với lại chưa tìm được đầu ra ổn định. Do đó, các cán bộ, đảng viên trong xã vận động, tuyên truyền nhân dân, đồng thời đi đầu, thực hiện trên diện tích đất trồng của gia đình và đi tìm đầu ra sản phẩm.
Thu hoạch măng Bát Độ |
Đến nay, xã đã hình thành được 2 vùng sản xuất tập trung theo chuỗi liên kết mang lại giá trị kinh tế cao, đó là vùng tre Bát Độ, vùng quế với tổng diện tích trên 3.400 ha. 2 loại cây trồng này đã cho thu trên 77 tỷ đồng/năm và thúc đẩy các mô hình kinh tế hợp tác, HTX, các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng phát triển và giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Gia đình ông Dương Kim Hưng, thôn Đá Khánh, xã Kiên Thành là một trong những hộ đầu tiên tham gia trồng măng tre Bát độ. Hiện, gia đình ông có khoảng 7 ha, trong đó, diện tích đã cho thu hoạch là 5 ha với sản lượng 30 tấn, giá trị thu về hơn 100 triệu đồng.
Ông Hưng cho biết trồng măng tre Bát độ không mất nhiều công chăm sóc, mà giá trị thu về lại cao, mỗi năm chỉ cần phát cỏ và bón phân một lần. Đây là loại cây đem lại thu nhập ổn định và nhanh hơn so với những cây trồng khác, ngoài ra, còn tạo thêm việc làm cho bà con trong xã, mỗi vụ thu hoạch, gia đình ông thuê khoảng hơn 10 lao động.
Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, các cán bộ nông nghiệp của huyện thường xuyên có mặt tại cơ sở, hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc cũng như thu hoạch măng để mang lại hiệu quả cao nhất. Nếu chất lượng không được đảm bảo thì sẽ bị trả lại toàn bộ sản phẩm, vì thế mà từ lúc trồng đến lúc sơ chế tại nhà, các hộ gia đình luôn cẩn thận, đảm bảo tuyệt đối các khâu.
Phát triển theo hướng hàng hóa
Năm 2012, HTX Kiên Thành được thành lập để tập trung mũi nhọn cho dịch vụ thu mua, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông - lâm nghiệp; từng bước hình thành chuỗi giá trị sản xuất măng tre Bát Độ. Ông Đỗ Nhân Đạo - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái, cho biết trong các giải pháp phát triển các ngành hàng nông - lâm đặc sản, Liên minh HTX vận động công ty CP Yên Thành hỗ trợ HTX Kiên Thành đầu tư máy móc, cây giống, kỹ thuật trồng, thu hoạch và chế biến ứng trước cho xã viên thông qua HTX. Còn HTX đầu tư phân bón trả chậm, thu nợ bằng sản phẩm với giá thỏa thuận trên cơ sở giá thị trường, thực hiện theo hợp đồng ký kết giữa HTX - DN - hộ thành viên.
Kết quả, vụ măng đầu tiên, diện tích trồng tre Bát Độ của xã Kiên Thành đã tăng thêm hàng trăm hecta, sản lượng trên một đơn vị diện tích tăng 130 - 150%. Đến nay, nhiều hộ thành viên HTX có thu nhập 300 - 400 triệu đồng/năm. Từ khi có đủ nguyên liệu sản xuất, DN và HTX tiếp tục đầu tư mở rộng trên 1.000m2 nhà xưởng tại HTX để sơ chế sản phẩm, sau đó chuyển về DN chế biến sâu và xuất khẩu sang thị trường Đài Loan và Nhật Bản…
Theo lãnh đạo UBND xã Kiên Thành, trong thời gian tới, xã sẽ chuyển đổi những diện tích đất sản xuất kém hiệu quả như: Đất trồng cọ, trồng cây nguyên liệu giấy kém hiệu quả sang trồng cây măng tre Bát độ. Ngoài ra, xã còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn, phổ biến giúp nhân dân biết cách chăm sóc những diện tích đã trồng trước để nâng cao hiệu quả sản xuất trên một diện tích đất canh tác.
Cùng với thế mạnh của ngành trồng trọt, chăn nuôi của Kiên Thành những năm gần đây phát triển nhanh theo hướng chăn nuôi hàng hóa gắn với bảo vệ môi trường. Người dân đã chuyển đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông sang hình thức chăn nuôi tập trung theo hướng gia trại, điều này góp phần hạn chế được dịch bệnh, tăng hiệu quả kinh tế và giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi.
Nhờ tập trung triển khai các biện pháp trong công tác chỉ đạo thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại xã Kiên Thành bước đầu đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân. Cây tre măng Bát độ đã trở thành cây giảm nghèo ở Kiên Thành, giúp đời sống của nhân dân trong xã đã được nâng lên.
Khánh Toàn