Là vùng 135 và 30a, Trạm Tấu nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo. Không dừng lại ở đó, huyện cũng tận dụng sự giúp đỡ của Nhà nước để phát triển kinh tế, xã hội, trong đó có việc phát triển HTX.
Phát triển sản xuất, hỗ trợ giảm nghèo
HTX Nông – lâm sản Km14 là đơn vị kinh tế tập thể tiêu biểu của huyện Trạm Tấu vì đạt được những hiệu quả nhất định trong sản xuất cũng như hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
HTX Nông – lâm sản Km14 với 7 thành viên, mỗi thành viên góp vốn từ 40 – 50 triệu đồng và vay thêm vốn để phục vụ sản xuất. Tận dụng thế mạnh về nông lâm nghiệp, HTX Km 14 đã chú trọng phát triển trồng và chế biến lâm sản nhằm nâng cao giá trị cây gỗ, mở rộng thị trường. Anh Lầu A Vảng – Chủ tịch HTX Nông – lâm sản Km14 cho biết: “Chúng tôi là những người trồng rừng nhưng ở vùng cao này việc bán gỗ rừng trồng rất khó khăn, thường phải bán cho thương lái từ Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ với giá rẻ. Để tăng thu nhập, chỉ có cách đầu tư chế biến sâu là khả quan nhất hiện nay”.
HTX đã giúp người dân và thành viên giảm nghèo |
Để có thêm kinh nghiệm, HTX đã tổ chức tham quan, học hỏi các mô hình chế biến gỗ tại thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ. Sau khi bàn bạc, thống nhất, các thành viên quyết định đầu tư máy xẻ gỗ, máy ép ván, máy ghép thanh để nâng cao năng lực sản xuất cũng như tính cạnh tranh trên thị trường … Bên cạnh đó, để sản xuất thuận lợi, HTX thuê thêm một thợ lành nghề vừa để tham gia sản xuất vừa phổ biến kỹ thuật cho anh em.
Tại khu vực sản xuất của HTX, nơi tập trung gỗ, nơi sản xuất, nơi để sản phẩm đều được phân chia, bố trí hợp lý. Anh Lầu A Sinh – thành viên HTX vừa trò chuyện: “Tham gia HTX cái hay là chúng tôi phát huy vai trò làm chủ của các thành viên, gắn bó chặt chẽ giữa quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ dựa trên tinh thần hợp tác, chia sẻ, mang lại lợi ích chung nên ai cũng vui, chủ động sản xuất”.
Để bảo đảm tài chính, HTX hạch toán kinh tế từ khâu mua đến khi xuất bán thành phẩm, những sản phẩm ván bóc HTX bán ra với giá 1 triệu đồng/m3. Đặc biệt, sản phẩm của HTX làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, tạo công ăn việc làm và nguồn thu cho các thành viên HTX và mang lại lợi ích kinh tế cho người dân địa phương.
Ngoài tiêu thụ gỗ của HTX, các thành viên còn tăng cường liên kết để tiêu thụ gỗ cho người dân địa phương.Trung bình mỗi năm HTX, tiêu thụ cho người dân khoảng 3.000 m3 gỗ, giúp họ không bế tắc đầu ra.
Với sự định hướng, tạo sự kết nối giữa HTX với người dân hay thị trường tiêu thụ, HTX đã thu được những kết quả khả quan. Đến nay, HTX tạo thu nhập cho thành viên trung bình 4,5 triệu/người/tháng, ngoài ra còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Những điều này tuy đã góp phần thay đổi tư duy phát triển kinh tế của người dân vùng cao còn nhiều khó khăn như huyện Trạm Tấu, đồng thời giải quyết bài toán đầu ra cho nông – lâm sản địa phương. Nhiều gia đình vì thế mà từng bước phát triển kinh tế, thoát nghèo.
Bảo đảm sản xuất
Để giúp các thành viên và người lao động từng bước phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, HTX đã tích cực tuyên truyền, vận động thành viên, người lao động trợ lẫn nhau, giúp đỡ nhau trong sản xuất nhằm tạo nguồn cung ổn định để thuận tiện cho việc kết nối tìm kiếm thị trường đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên và nông dân.
Ngoài ra, HTX cùng địa phương tạo điều kiện để các thành viên, người lao động có thể tham gia các chương trình dạy nghề, nâng cao tay nghề để phát huy năng lực, tính sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, hạn chế tai nạn lao động. HTX cũng là nhận các lao động có nhu cầu học nghề hoặc làm việc sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề nhằm tạo điều kiện thuận lợi mở rộng sản xuất, nâng cao đời sống.
Đối với công tác trồng rừng, HTX đã liên kết chặt chẽ với địa phương và các đơn vị thu mua đánh giá đúng nhu cầu của thị trường để lựa chọn giống cây cho phù hợp, tránh tình trạng thấy keo đắt thì thi nhau trồng keo, thấy bạch đàn mô mau lớn lại thi nhau trồng, hay thấy bồ đề làm nguyên liệu chế biến đũa xuất khẩu rất khan hiếm, giá đắt đỏ lại chuyển sang trồng bồ đề… Mặt khác, HTX cũng cùng tuyên truyền để người dân không nên bán “non” rừng trồng vì thực tế thân cây gỗ càng to, giá càng đắt, HTX sẵn sàng mua gỗ có chu vi thân trên 100cm với giá trên 2 triệu đồng/m3 mà nhiều khi không có, trong khi người dân lại vội khai thác gỗ khi cây mới có chu vi thân 30 – 40 cm.
Có thể thấy,thời gian qua, HTX Km14 đã mạnh dạn đầu tư nhà xưởng, máy móc sản xuất, chế biến gỗ vườn rừng, tiêu thụ gỗ rừng trồng trong huyện và các địa phương giáp ranh, tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho nhiều lao động ở địa phương. Hoạt động của HTX đã được chính quyền đánh giá cao vì góp phần phát triển kinh tế địa phương và giúp người dân giảm nghèo.
Huyền Trang