Để làm được điều đó, Lạng Sơn quyết tâm hoàn thành kế hoạch sản xuất nông nghiệp ở từng cơ sở và theo mô hình chuỗi giá trị có sự tham gia của “4 nhà”.
Liên kết 4 nhà
Trong xu thế hội nhập và tham gia nền kinh tế thị trường hiện nay, hình thức sản xuất cá thể, đơn lẻ không còn chỗ đứng mà tất yếu sẽ phải nhường chỗ cho các hoạt động sản xuất tập thể, liên kết theo chuỗi giá trị. Bởi hình thức này đáp ứng tốt các yêu cầu về số lượng, sản lượng, độ đồng nhất về chất lượng, mẫu mã và tính tập trung của sản phẩm khi tham gia chuỗi thị trường.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, thời gian qua, ở các xã, huyện đã hình thành khá rõ nét một số vùng sản xuất hàng hoá tập trung. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất mới khá tích cực. Công tác khuyến nông, khuyến lâm có tiến bộ. Các loại cây trồng có giá trị kinh tế được đầu tư mở rộng diện tích, cơ cấu mùa vụ có chuyển biến khá rõ nét. Đặc biệt mối liên kết giữa doanh nghiệp và người dân được hình thành thông qua HTX đã mang lại những hiệu qủa tích cực trong xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa.
Sơn La đã xây dựng chuỗi giá trị nông sản thông qua các HTX |
Những năm trước đây, người dân xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vô cùng khó khăn. Ngoài việc cấy 2 vụ lúa/năm để giải quyết nguồn lương thực và phục vụ tại chỗ cho chăn nuôi trong gia đình, người dân Yên Khoái bố trí thêm vụ khoai tây Đông để có sản phẩm bán ra thị trường sau dịp Tết Nguyên đán của năm sau.
Tuy nhiên việc tiêu thụ khoai tây vô cùng khó khăn khi thị trường thiếu tính ổn định, giá cả bấp bênh… đã có rất nhiều năm sản phẩm bị tồn đọng không bán được. Đây chính là bức tranh chung trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Trước thực trạng trên, HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp xã Yên Khoái ra đời, làm chỗ dựa hỗ trợ người dân sản xuất và tiêu thụ nông sản bằng cách liên kết với công ty CP Giống cây trồng Lạng Sơn sản xuất hạt giống lúa thuần. Tham gia chuỗi liên kết, thành viên và người dân được hỗ trợ về kỹ thuật, ứng trước nguồn vốn vật tư và bao tiêu toàn bộ sản phẩm nên không còn phải lo tìm kiếm thị trường cho sản phẩm của mình.
Ông Nông Văn Huy – Giám đốc HTX-cho biết : Trước đây làm các giống lúa thông thường, người dân chỉ bán được 6.500 – 6.700 đồng/kg thóc khô. Nhưng nay chuyển sang sản xuất gạo chất lượng cao, bà con bán được 7.000 đồng/kg thóc tươi. Như vậy giá trị thu nhập tăng thêm hơn gần 30% so với trước. Điều quan trọng nữa là người dân không mất công phơi sấy, bảo quản.
Qua hình thức liên kết này, người dân ở Yên Khoái đã dần làm quen với cách thức sản xuất mới, đồng thời tích lũy một số kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất tập thể.
Phát triển nông nghiệp, nông thôn
Trước nhu cầu phát triển nền kinh tế hàng hóa và chuỗi giá trị hàng hóa thông qua Đề án phát triển 15.000 HTX, Liên hiệp HTX vào năm 2020, Lạng Sơn đã tạo mọi điều kiện để hình thành và phát triển các HTX một cách hiệu quả và bền vững.
Được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của huyện về quy trình, thủ tục thành lập HTX cũng như hỗ trợ xây dựng đề án, lập phương án sản xuất kinh doanh…, Tổ hợp tác sản xuất rau sạch, rau an toàn thôn Bắc Đông 2, xã Gia Cát phát triển thành HTX sản xuất rau, củ quả sạch Gia Cát.
Hiện HTX tiếp tục phát triển dự án “Đầu tư sản xuất rau an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện Cao Lộc” do UBND huyện làm chủ đầu tư. Việc thành lập và đi vào hoạt động của HTX bước đầu giúp thành viên hoạt động chuyên nghiệp, hình thức sản xuất, tư duy sản xuất đổi mới. Qua đó tạo tiền đề để từng bước xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp bền vững theo chuỗi giá trị sản phẩm nhằm phát triển các vùng chuyên sản xuất rau an toàn.
Có thể thấy, các HTX có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp cũng như phát nông thôn. Theo Liên Minh HTX tỉnh, chỉ trong năm 2018, tỉnh đã thành lập mới 50 HTX, đưa số lượng HTX lên con số 221. Một số HTX hoạt động hiệu quả và xây dựng được chuỗi giá trị hàng hóa như: HTX Hợp Thịnh (xã Hợp Thành), HTX Hữu Nghị (thị trấn Đồng Đăng); HTX An Bình (thị trấn Cao Lộc), HTX xây dựng và chế biến lâm sản 17/10 (Cao Lộc)…
Lĩnh vực HTX đã thu hút 3.500 thành viên và trên 3.000 người lao động trong HTX. Các HTX hoạt động hiệu quả theo Luật HTX 2012 đã giúp tạo việc làm và thu nhập cho người lao động với mức thu nhập trung bình 3,5-4 triệu đồng/ người/tháng.
Để phát triển kinh tế tập thể, thời gian qua, tỉnh luôn tạo điều kiện trong việc hỗ trợ thành lập mới các HTX, tổ hợp tác; đào tạo, bồi dưỡng thành viên HTX… Qua đó, việc củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn có bước chuyển tích cực.
Các HTX đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, tập trung khai thác những mặt thuận lợi, tiềm năng, lợi thế của một huyện biên giới trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sản xuất nông nghiệp, nông thôn có bước phát triển toàn diện.
Sự phát triển của các HTX với các chuỗi hàng hóa đã góp phần giải quyết tình trạng “ giải cứu” nông sản đồng thời góp phần giúp vấn đề an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh được đảm bảo, tổng sản lượng lương thực tăng nhanh qua các năm, bình quân đạt trên 300 nghìn tấn/năm.
Các HTX cũng góp phần giúp tỉnh thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từ đó tạo sự chuyển biến về nhận thức trong cán bộ và nhân dân trong tỉnh về phát triển nông nghiệp nông thôn trong thời kỳ đổi mới.
Để tiếp tục hỗ trợ các HTX, tỉnh đang thực hiện công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển nông thôn, tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn, tạo tiền đề để các HTX sản xuất trên quy mô lớn và chế biến sâu.
Như Yến