HTX Nông nghiệp Cao Muôn Ba Tơ đang là cầu nối giữa người dân và doanh nghiệp khi kết nối các sản phẩm nông nghiệp của người dân vào các nhà hàng, siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch thông qua các buổi triển lãm, chợ phiên, hội thảo…
Đưa đặc sản thành sản phẩm hàng hóa
Nhận thấy việc thu mua, tiêu thụ, bảo quản và chế biến của người dân còn nhiều hạn chế, bất cập nên tình trạng nhiều mặt hàng nông sản có giá trị, được thị trường ưa chuộng lại bị hư hỏng và không có đầu ra, gây lãng phí và không mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Trước thực trạng này, cùng với niềm đam mê buôn bán từ nhỏ, chị Phan Thị Quyến, ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành đã quyết định thành lập HTX Nông nghiệp Cao Muôn Ba Tơ.
Thành viên tham gia HTX là những hộ nông dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Hrê cư trú rải rác ở các địa phương, nhưng có một điểm chung là cùng sở thích canh tác nông nghiệp trên đất dốc, sản xuất nông sản là đặc sản của địa phương.
Trên cơ sở đó, HTX quyết định sản xuất mặt hàng nông sản là đặc sản địa phương bởi vùng đất mọi người đang ở có các giống cây-con đặc sản của địa phương. Bên cạnh đó, người dân, thành viên là người bản địa nên có kinh nghiệm về canh tác loại cây này.
HTX Cao Muôn Ba Tơ hoạt động theo nguyên tắc: Tự nguyện, dân chủ, công khai, cùng có lợi, vì thế thành viên thật sự làm chủ, cùng góp vốn, tham gia sản xuất và cùng hưởng lợi. Chính vì vậy, nhiều người trước đây còn ngần ngại vào HTX nay đã là những thành viên tích cực cùng Ban giám đốc phát triển HTX.
HTX Cao Muôn Ba Tơ tham gia hội chợ |
Lựa chọn đặc sản của địa phương là mặt hàng chính để phát triển cũng là điểm thuận lợi nhưng cũng khiến HTX gặp không ít khó khăn. Những nông sản này thường rất hiếm, khó thu hoạch vì phải mất nhiều công sức nhưng nếu hạn chế trong cách bảo quản thì sản phẩm bị hư, kém chất lượng vì thế mà bị ép giá hoặc không bán được.
Nhận thấy chế biến theo phương pháp thủ công có ưu điểm giữ được hương vị đặc trưng nhưng ngược lại mất rất nhiều thời gian, thậm chí không bảo đảm được vấn đề vệ sinh thực phẩm nên HTX đã đầu tư thêm máy sấy, dụng cụ phục vụ các công đoạn chế biến. Bên cạnh đó, HTX cũng chú trọng đến bao bì, mẫu mã, phù hợp với từng loại sản phẩm. Ví dụ như rượu sim, mật ong... đựng trong các chai, lọ thủy tinh có dung tích đa dạng, các sản phẩm khô thì đựng trong túi hút chân không để dễ bảo quản...
Để làm phong phú các sản phẩm, các thành viên HTX còn học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu ra nhiều cách chế biến các món ngon hấp dẫn, phục vụ mọi đối tượng khách hàng như ớt xiêm ngâm với sả rừng, rượu sim, rượu sâm...
Nhờ tích cực liên kết cùng người dân trong việc tìm kiếm nguyên liệu, tích cực liên kết cùng chính quyền địa phương để tham gia các hội trợ, triển lãm, HTX đã trở thành “cầu nối” giúp người dân tiêu thụ sản phẩm ổn định và có thu nhập cao.
Lời giải cho vùng đất nghèo
Hiện nay, trung bình mỗi tháng HTX Nông nghiệp Cao Muôn Ba Tơ thu mua và tiêu thụ khoảng 500kg đặc sản rừng các loại cho người dân như thịt trâu, cá niên, ớt xiêm, lá chè dung, mật ong, sim rừng, gạo lúa rẫy, các loại sâm, rau dớn, bồ ngót rừng, ốc đá...
Ước tính, sau khi trừ các chi phí và trả công cho người lao động, HTX thu về hơn gần 200 triệu đồng mỗi tháng. Thị trường tiêu thụ rộng mở khắp nơi. Ngoài bán sản phẩm trực tiếp, hình thức bán hàng “online” qua mạng được HTX ứng dụng, nhờ tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng ở nhiều nơi.
Bên cạnh việc giúp người dân tiêu thụ nông sản, đặc sản vùng cao, chị Quyên còn liên kết với Tổ hợp tác chuyên dệt, may thổ cẩm ở Làng Teng để tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Tại cửa hàng của HTX còn có một không gian để dành cho nghệ nhân dệt hằng ngày và trưng bày các sản phẩm do mình làm ra.
Hiện, HTX Nông nghiệp Cao Muôn Ba Tơ mong muốn, các cấp chính quyền, huyện Ba Tơ và tỉnh Quảng Ngãi quan tâm hỗ trợ HTX trong việc đăng ký thương hiệu, đăng ký chứng nhận an toàn thực phẩm cho sản phẩm, giúp HTX phát triển bền vững hơn.
Theo Giám đốc Phan Thị Quyến, ngoài sự nỗ lực của HTX, sự cố gắng của mỗi thành viên là điều quan trọng giúp HTX phát triển hơn. Tiêu chí tuyển thành viên của HTX là tâm huyết, biết học hỏi, không được bảo thủ và phải đoàn kết. Từ ngày thành lập HTX, nhiều thành viên đã có đầu ra cho nông sản. Có HTX bao tiêu sản phẩm, thành viên và người dân bản địa cũng yên tâm sản xuất, có thu nhập tốt hơn trước.
Có thể thấy, Ba Tơ là huyện nghèo 30a của tỉnh Quảng Ngãi nên những mô hình kinh tế như HTX Cao Muôn ba Tơ là rất cần thiết. Bởi khi HTX ra đời sẽ là bà đỡ hỗ trợ người dân biết canh tác, sản xuất phù hợp với định hướng thị trường để biến thế mạnh sẵn có thành giá trị kinh tế, thành thu nhập để người dân giảm nghèo và thoát nghèo thành công.
Có thể thấy rằng để chuyển đặc sản từ sự quý hiếm sang sản phẩm thương mại với số lượng lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nghèo không chỉ đòi hỏi người dân địa và chính quyền địa phương nỗ lực mà còn cần sự hỗ trợ kết nối trong nhiều khâu, đặc biệt là hệ thống phân phối bán hàng. Để giải được những khúc mắc nêu trên nếu chỉ dừng lại mở mức độ sản xuất nhỏ lẻ theo hộ gia đình thì không hiệu quả, dẫn tới lãng phí tài nông sản, đặc sản. Chính vì vậy, sự ra đời của HTX với chuỗi giá trị hàng hóa chính là lời giải cho những vùng đất nghèo.
Huyền Trang