Đến hết tháng 10/2022, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có tổng số 389 hợp tác xã đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký trên 933,81 tỷ đồng. Lĩnh vực hoạt động của các hợp tác xã chủ yếu là nông, lâm nghiệp, thủy sản có 323 hợp tác xã, chiếm 72% tổng số hợp tác xã; lĩnh vực phi nông nghiệp có 66 hợp tác xã, chiếm khoảng 28%.
Tháo gỡ khó khăn
Mặc dù thời gian qua, công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp đối với nhóm lao động, thành viên HTX được ngành BHXH và Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn quan tâm đẩy mạnh, nhưng số HTX đăng ký tham gia BHXH, bảo hiểm y tế bắt buộc cho người lao động và tỷ lệ lao động tham gia rất thấp.
Vẫn còn số lượng lớn người lao động, thành viên HTX chưa tham gia bảo hiểm xã hội. |
Đến hết tháng 10/2022, toàn tỉnh mới có 54 HTX tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bằng 13,8% tổng số HTX, với 271 lao động bằng 3,4% tổng số lao động. Trong khi đó, số lao động, thành viên HTX tham gia BHXH tự nguyện cũng còn rất hạn chế.
Với 389 HTX đang hoạt động và khoảng trên 7.600 lao động chưa tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đồng nghĩa với việc người lao động khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc không lương, không được hưởng bất cứ chế độ gì, phải tự chi trả mọi chi phí, khi hết tuổi lao động không có lương hưu, cuộc sống phụ thuộc vào con cháu hoặc vẫn tiếp tục làm việc để kiếm sống.
Theo đánh giá, nguyên nhân là do các HTX hoạt động còn gặp khó khăn, dẫn tới không ít HTX buộc phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, không đủ nguồn tài chính để đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho đội ngũ cán bộ quản lý (có hưởng lương) và người lao động. Cùng với đó, nhiều HTX có tỷ lệ lao động ở độ tuổi cao, vì vậy không muốn tham gia BHXH theo quy định.
Tương tự, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng, cho biết TP.Hà Nội hiện có số lượng khá lớn lao động phi chính thức trong lĩnh vực nông nghiệp, thành viên HTX chưa tham gia BHXH. Do vậy, chính sách trong thời gian tới cần quan tâm thu hút lượng lao động này, nhận diện rõ lượng lao động này đang ở đâu, hoạt động trong khu vực, lĩnh vực nào để phủ lấp độ bao phủ BHXH.
Cần đẩy mạnh tuyên truyền BHXH tự nguyện
Những khó khăn trên không riêng với Hà Nội, Lạng Sơn... mà là thực tế chung trong công tác phát triển số người tham gia BHXH ở khu vực HTX ở nhiều địa phương.
Trong bối cảnh việc tham gia BHXH còn gặp khó, cần đẩy mạnh phát triển BHXH tự nguyện trong khu vực HTX. Theo đó, nhiều chuyên gia cho rằng cần tăng mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH tự nguyện một cách phù hợp, bảo đảm về sức mua của các khoản đã đóng này khi quy đổi về hiện tại do tác động của lạm phát theo thời gian. Triển khai các gói BHXH ngắn hạn linh hoạt (như ốm đau, thai sản, trợ cấp gia đình).
PGS.TS Giang Thanh Long, Giảng viên Khoa Kinh tế học (Trường Đại học Kinh tế quốc dân), cho biết chính sách BHXH tự nguyện chưa hấp dẫn vì chính những bất cập của chính sách, chẳng hạn, chế độ hưu trí của BHXH tự nguyện không có hưu trước tuổi, hưu do suy giảm khả năng lao động. Còn chế độ tử tuất không có tuất hàng tháng, chỉ có tuất một lần… Bên cạnh đó, chưa có nhiều chính sách hỗ trợ từ các địa phương cho người dân khi tham gia BHXH tự nguyện.
Trước phản ánh trên, Phó Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Vũ Đức Thuật nhấn mạnh, việc sửa đổi chính sách đã, đang được nhiều cơ quan cùng thực hiện, nếu thay đổi thì sẽ áp dụng sau. Còn hiện tại, các cơ quan chức năng, trực tiếp là lực lượng cán bộ, nhân viên ngành BHXH, nhân viên các tổ chức dịch vụ thu cần đưa chính sách vào đời sống bằng nhiều hình thức linh hoạt, khả thi, chú trọng tuyên truyền theo hình thức 1-1 (một cán bộ và một người dân), giúp mỗi người hiểu rõ hơn về chính sách để chủ động tham gia.
Nội dung tuyên truyền cần làm rõ để người dân hiểu được BHXH tự nguyện là chính sách của nhà nước, vì mục đích bảo đảm an sinh xã hội trong dài hạn, tương tự như BHXH bắt buộc. Tham gia chính sách này, người dân có lương hưu từ thời điểm đến tuổi nghỉ hưu theo quy định cho đến khi qua đời, thời gian hưởng có thể kéo dài gấp 1,5 đến 2 lần thời gian đóng.
Cùng với đó, người dân được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí để khám, chữa bệnh trong suốt quá trình hưởng lương hưu với mức chi trả lên tới 90% chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, cao hơn mức hưởng của những người đang làm việc.
Hà Anh