Theo số liệu của Liên minh HTX Việt Nam, ước tính đến thời điểm 31/12/2022, cả nước có 29.021 HTX, 123.241 tổ hợp tác và 125 liên hiệp HTX. Các HTX thu hút 6,94 triệu thành viên là hộ gia đình, chủ yếu ở địa bàn nông thôn (tăng 22.466 thành viên so năm 2021) và 2,6 triệu lao động (tăng 71.000 lao động so năm 2021).
Vướng đủ đường
Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều thành viên, người lao động trong HTX vẫn chưa được tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH). Đơn cử, báo cáo từ Liên minh HTX tỉnh Hà Tĩnh cho thấy số lượng HTX tham gia đóng BHXH cho người lao động vẫn còn thấp. Toàn tỉnh hiện có 1.030 HTX, trong đó có 286 HTX đóng BHXH (chiếm tỷ lệ 27,8%) cho 1.202 thành viên và người lao động. Trong khi, tổng số thành viên của các HTX toàn tỉnh hiện khoảng 68.413 người, trong đó tổng số lao động thường xuyên là 45.487 người.
Nhiều lao động trong khu vực HTX vẫn chưa được đóng BHXH. |
Qua rà soát và kiểm tra thực tế của cơ quan BHXH cho thấy, người lao động trong các HTX có việc làm không ổn định, mức thu nhập thấp và không thường xuyên, nhiều trường hợp dưới mức lương tối thiểu vùng. Trong lúc đó, theo quy định của Luật BHXH thì mức tiền lương đóng BHXH thấp nhất phải bằng mức lương tối thiểu vùng. Thực trạng này dẫn đến khó khăn cho cả đơn vị và người lao động trong việc trích nộp tiền đóng BHXH.
Hay tại HTX Vụn Art (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội) đang có gần 30 lao động khuyết tật làm tranh ghép vải. Giám đốc HTX Vụn Art Lê Việt Cường cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong hơn 2 năm qua, ông phải nợ tiền BHXH, đồng nghĩa với các lao động bị cắt thẻ bảo hiểm y tế.
Mặt khác, những người khuyết tật thuộc đối tượng bảo trợ xã hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế, khi tham gia BHXH bắt buộc lại bị cắt đi, thành ra khi ốm đau không có thẻ để đi khám; thế là HTX phải trả tiền viện phí và thuốc men.
“Đối với những bạn tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, lương 1,5 – 3 triệu đồng/tháng, trong khi mức đóng bảo hiểm lại cao thì HTX chưa biết giải bài toán này thế nào”, ông Cường bày tỏ.
Có chính sách hỗ trợ một phần mức đóng BHXH
Từ trước đến nay, trong Luật BHXH chưa có quy định liên quan đến chính sách BHXH dành riêng cho người lao động khuyết tật; có nghĩa người khuyết tật tham gia như người bình thường. Từ thực tế này, Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng, BHXH TP. Hà Nội Dương Thị Minh Châu cho rằng, tới đây, Nhà nước sửa Luật BHXH nên có quy định người lao động khuyết tật tham gia BHXH bắt buộc với thời gian 10 – 15 năm và nghỉ hưu trước 10 năm so với người lao động bình thường.
Thực tế, Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới đã đặt ra những yêu cầu thực hiện BHXH bắt buộc đối với người lao động và thành viên của các tổ chức kinh tế tập thể làm việc theo hợp đồng, hưởng tiền lương, tiền công theo quy định của pháp luật; Các thành viên khác không tham gia BHXH bắt buộc thì tạo điều kiện để tham gia BHXH tự nguyện.
Tuy nhiên từ thực tiễn, bà Trương Thị Tuyết, Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng, BHXH tỉnh Hà Tĩnh, cho biết hiện nay, số HTX tham gia BHXH chiếm tỷ lệ thấp so với số HTX hiện có. Như vậy, một phần lớn HTX đã không thực hiện đúng các quy định của pháp luật, ảnh hưởng việc thực hiện quy định của Nhà nước cũng như quyền lợi của người lao động. Tuy vậy cũng cần phải thừa nhận rằng trước thực tế khó khăn của các HTX, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì các đơn vị khó có khả năng đóng nộp đầy đủ BHXH cho người lao động, do đó rất cần chính sách của tỉnh hỗ trợ HTX tham gia BHXH cho người lao động.
Cụ thể, cần có chính sách hỗ trợ một phần mức đóng BHXH với người lao động và thành viên HTX. Trước mắt, nên ưu tiên cho HTX lĩnh vực môi trường. Cùng đó, tăng cường công tác tuyên truyền chính sách BHXH đối với các thành viên và người lao động trong HTX. Thường xuyên có các lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho các thành viên HTX nhằm nâng cao trình độ, nắm vững chính sách BHXH để thực hiện đúng quy định.
Thu Hằng